Bồi thường bèo bọt
Chỉ còn ba ngày nữa là bước sang năm mới Kỷ Hợi, nhiều hộ dân tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) phải đón Tết trong căn nhà bị hư hỏng do ảnh hưởng của dự án FLC Twin Towers số 265 Cầu Giấy.
Những căn nhà bị hư hỏng, trần và tường nứt khiến nước mưa thấm vào gây ẩm mốc, phồng rộp do quá trình thi công dự án gây ra chưa có phương án đền bù thỏa đáng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Văn Hòa (72 tuổi) là thương binh bị mất một chân từ thời chống Mỹ cứu nước bức xúc trước cách hành xử của chủ đầu tư dự án FLC Twin Towers là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng như cách vào cuộc của chính quyền sở tại là phường Dịch Vọng.
Người dân lo sợ khi phát hiện bồn chứa dầu tại FLC Twin Towers |
Ông Hòa cho biết: “Tết đến nơi rồi mà nhà tôi và nhiều nhà liền kề dự án FLC Twin Towers bị hư hỏng nặng chưa được bồi thường. Họ đưa ra mức bồi thường quá bèo bọt.
Căn nhà 4 tầng của gia đình tôi bị nhiều vết nứt kéo dài, nhiều mảng tường bị ẩm mốc rất mất thẩm mỹ. Gia đình tôi yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường 90 triệu đồng để xử lý những chỗ tường bị nứt và sơn lại.
Trong khi đó, chủ đầu tư ký kết với một đơn vị bảo hiểm nào đó, họ đồng ý bồi thường cho nhà tôi chỉ hơn 12 triệu đồng. Họ tính kiểu bồi thường rất vô lý là chỗ nào nứt thì chỉ trát lại và chỉ quét sơn riêng chỗ đó. Như thế làm sao được, sơn phải sơn cả tường, không ai mà lại sơn từng điểm như thế cả.
Số tiền này quá ít, không đủ tiền mua sơn chứ chưa nói đến công thợ. Hơn nữa, số tiền gia đình tôi yêu cầu bồi thường chỉ là khắc phục hư hỏng, chứ không đòi bồi thường về việc ngôi nhà bị nghiêng, ảnh hưởng kết cấu và tinh thần do dự án gây ra.
Có nhiều đêm vợ và các con cháu tôi không ngủ được vì tiếng ồn do máy móc thi công dự án suốt mấy năm trời. Chúng tôi phải chịu đựng như vậy nhưng họ thì cư xử rất thiếu văn hóa”.
Người thương binh già cũng bày tỏ sự thất vọng trước cách ứng xử và bồi thường của một doanh nghiệp bất động sản lớn như Tập đoàn FLC khi thi công gây hư hỏng nhà dân lại đẩy hết trách nhiệm cho công ty bảo hiểm. Nếu là một doanh nghiệp uy tín sẽ không bao giờ hành xử như vậy.
“Chúng tôi không quan tâm đến công ty bảo hiểm mà chủ đầu tư mua. Chúng tôi cho rằng dự án này gây thiệt hại thì chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết.
Chúng tôi rất thiện chí, nhưng đại diện chủ đầu tư dự án lại cò kè việc bồi thường để cho sự việc kéo dài để buộc người dân phải nhận khoản đền bù rẻ mạt”, ông Hòa nói.
Ông Phan Văn Hòa chỉ vào vị trí chân tường gia đình phải thuê người ốp gạch vì bị thấm nước do đơn vị thi công tự ý phá bỏ bức tường và xâm phạm vào móng nhà. Ảnh: N.H. |
Không chỉ ông Hòa, mà nhiều hộ liền kề khác bị ảnh hưởng bởi dự án này cũng bày tỏ sự bức xúc khi Tết Nguyên đán đang đến gần, chủ đầu tư đã căng biển cho thuê văn phòng vậy mà chưa giải quyết hậu quả gây ra với dân.
Một điểm đáng chú ý nữa ở dự án này là người dân phát hiện bồn chứa dầu ngầm phục vụ máy phát điện sai thiết kế so với giấy phép.
Điều này khiến không ít hộ dân nơi đây vô cùng lo lắng trước nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như gây ra độc hại bởi có hàng chục khối tích dầu được chứa trong bồn ngầm. Đáng lưu ý, bồn chứa dầu này đặt rất sát nhà dân chỉ cái.
Cụ thể, ông Hòa cho biết: “Họ đặt bồn chứa dầu ngầm ngay sát vách nhà tôi và nhiều nhà dân rất nguy hiểm. Theo thiết kế, bể chứa dầu của dự án không được đặt vị trí này mà cách xa nhà dân. Để bồn chứa dầu sát nhà dân như vậy rất nguy hiểm, nếu xảy ra cháy nổ thì tính mạng, tài sản của dân ra sao? Hơn nữa, vào những hôm trời nắng, nóng mùi dầu bốc lên chúng tôi hít phải độc hại ai chịu trách nhiệm?”.
Phần móng nhiều nhà dân liền kề dự án FLC Twin Towers bị xâm phạm, luôn trong tình trạng ngập nước. Ảnh: NH. |
Phần móng một số nhà dân bị đơn vị thi công dự án tự ý phá dỡ bức tường và phạm vào phần móng của một số hộ liền kề. Ảnh: N.H |
Chủ tịch phường Dịch Vọng quát nạt phóng viên, yêu cầu đặt lại lịch làm việc
Để làm rõ thông tin người dân phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Việt Trung – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng. Tuy nhiên, ông Trung không một lần nghe máy và cũng không phản hồi tin nhắn.
Theo Luật Báo chí, ngày 25/10/2018, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến đặt lịch làm việc tại Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng.
Sau nhiều lần phóng viên cố gắng liên hệ, ông Nguyễn Quý Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng phụ trách mảng kinh tế-đô thị cho biết, theo quy chế phát ngôn phải có chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ trả lời báo chí.
Ngày 31/1/2019, tức sau hơn 3 tháng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng vẫn chưa có lịch làm việc để trả lời về những nỗi khổ mà nhiều hộ dân đang chịu đựng, phóng viên đã đến trụ sở Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng đề nghị trả lời.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Trung – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng ứng xử rất khó hiểu, yêu cầu phóng viên đặt lại lịch làm việc.
Ông Nguyễn Việt Trung nói không có thời gian tiếp báo chí với lý do đang làm việc, nhưng thực chất vị Chủ tịch phường đang chọn loại rèm cửa mới cho căn phòng làm việc của mình.
Phóng viên cũng đã nêu rõ với ông Trung là có đặt lịch làm việc hơn 3 tháng rồi mà Ủy ban nhân dân phường không phản hồi, một lần nữa vị Chủ tịch phường Dịch Vọng lớn tiếng quát phóng viên và yêu cầu đặt lại lịch làm việc.
Đáng nói, phóng viên phải nhắc lại đã đặt lịch làm việc tại văn phòng hơn 3 tháng, ông Nguyễn Việt Trung lại lớn tiếng và đe dọa phóng viên sẽ gọi công an.
Người dân phải đón Tết trong những căn nhà hư hỏng như vậy, với trách nhiệm là người đứng đầu chính quyền sở tại, không hiểu ông Nguyễn Việt Trung có bao giờ nghĩ tới nỗi khổ của dân không?
Ông Nguyễn Việt Trung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng. Ảnh: Cổng thông tin quận Cầu Giấy. |
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019 vào chiều 28/12/2018, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các bộ, địa phương phải giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, loại bỏ tình trạng quan liêu, xa dân, bệnh tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt, mất lòng tin của nhân dân.
Phải khẳng định rằng, những nỗ lực mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ cùng tập thể Chính phủ đã và đang thực sự biến những thông điệp nói trên thành hiện thực, khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin.
Tư duy “Chính phủ kiến tạo” là luồng gió mới thổi vào những quan niệm cũ kỹ về vị trí, vai trò của người cán bộ, công chức, bởi những gì diễn ra trên thực tế cho thấy không ít cán bộ thời nay “nhầm tưởng” vị trí họ đang làm việc là có uy quyền.
Sự “nhầm lẫn” tai hại ấy chính là nguồn cơn của tệ quan liêu, cửa quyền, xa dân, hách dịch.
Không biết rồi đây người dân sẽ nghĩ gì về lối ứng xử của ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng?