Tại các trạm đăng kiểm trên cả nước, hàng ngày nườm nượp người ra vào đóng một khoản phí được mang tên Quỹ Bảo trì đường bộ.
Chủ phương tiện nào đến đăng kiểm cũng răm rắp rút tiền đóng loại phí này mà không biết đồng tiền mình đóng sử dụng vào việc gì, tiền phí đi đâu, về đâu.
Lâu dần thành quen, chủ phương tiện đến trạm đăng kiểm mặc định đóng khoản phí này “miễn thắc mắc” tại sao phải đóng cả năm, thậm chí 2 năm số tiền 120.000 đồng/tháng đối với ô tô con dưới 9 chỗ.
Mỗi lần mỗi phương tiện đi đăng kiểm phải nộp phí bảo trì đường bộ đến tiền triệu, trong khi đó cả nước biết bao phương tiện đang phải “ứng trước” loại phí này dù xe chưa lăn bánh.
Đáng nói, thực tế người dân hiện đang phải trả "phí chồng phí" tức đã đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng qua các trạm BOT vẫn phải cắn răng nộp thêm một lần nữa để qua trạm.
Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra phí bảo trì đường bộ được sử dụng, chi tiêu như thế nào, hiệu quả hay chưa khi nhiều con đường ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại của bà con vất vả và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đoạn đường Quốc lộ qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khiến nhiều phương tiện rất vất vả đi qua vì bị sập ổ gà. Hình ảnh chụp tài thời điểm giữa tháng 11/2018. Ảnh: VNN. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, Khoa Vận tải – Kinh tế (Trường đại học Giao thông Vận tải) thẳng thắn cho rằng: “Khoản thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng việc chi, sử dụng Quỹ này vẫn còn nhiều khoảng trống.
Về nguồn thu hoàn toàn có thể công khai, minh bạch con số thu được bao nhiêu hàng năm. Bởi việc thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ được trạm đăng kiểm xe cơ giới thu hộ. Các loại phương tiện đi đăng kiểm sẽ phải đóng loại phí này.
Như vậy, việc thu phí các phương tiện cho Quỹ Bảo trì đường bộ phải minh bạch, công khai để người dân nắm và giám sát”.
Tuy nhiên, việc chi, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ, Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho rằng chưa công khai, minh bạch gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt các chủ phương tiện phải nộp loại phí này.
Dân nộp tiền triệu vào quỹ bảo trì đường bộ, tiền ấy đi đâu? |
Giáo sư Từ Sỹ Sùa phân tích: “Việc chi, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Vấn đề đầu tiên có thể chỉ ra đó là các phương tiện đi đường cao tốc, đường BOT đã trả một khoản phí khá cao rồi, trong khi đó các phương tiện này đã đóng phí Quỹ Bảo trì đường bộ.
Như vậy, rõ ràng phí chồng lên phí, tức tôi đã trả phí rồi tôi lại phải trả phí lần nữa.
Một vấn đề nữa, hiện Quỹ Bảo chì đường bộ đang dành 65% cho trung ương, 35% cho địa phương, mức phân khai này là căn vào tiêu chí nào.
Con số 35% cho địa phương là đủ hay ít hoặc nhiều. Ít thì không đáp ứng được nhu cầu bảo trì đường bộ”.
Cũng theo Giáo sư Từ Sỹ Sùa, các nước trên thế giới như Mỹ, Thái Lan.. họ cũng có loại quỹ này. Nhưng Quỹ này họ thu phí một cách khoa học, tức không có chuyện phí chồng phí, mọi loại phí các phương tiện phải đóng rất rõ ràng, như thế mới không bức xúc.
Trong khi đó, mỗi đầu phương tiện khi lăn bánh bị áp nhiều loại thuế như phí môi trường, phí bảo trì đường bộ, phí đường cao tốc…
“Tôi đóng phí phí bảo trì đường bộ, anh phải cho tôi biết, địa phương này được bao nhiêu %, địa phương kia được bao nhiêu % vì sao.
Anh sử dụng tiền tôi đóng như thế nào, có minh bạch, công khai và hiệu quả ra sao để tôi biết hay không. Phải công khai, minh bạch số tiền thu và chi Quỹ Bảo trì đường bộ người dân mới tâm phục, khẩu phục”, Giáo sư Từ Sỹ Sùa nói.
Phí bảo trì đường bộ, các phương tiện đóng trước, nhưng thực tế nhiều tuyến đường xuống cấp, việc sửa chữa còn chậm gây bức xúc. Ảnh: VNN. |
Giáo sư Từ Sỹ Sùa đề nghị phải có một tiêu chí để phân bổ cho địa phương và trung ương ra sao chứ không nên phân chia như hiện nay. Cách phân chia này là chưa phù hợp và thiếu thuyết phục.
Không yêu cầu chính xác 100% khi phân bổ cho các địa phương, nhưng con số đưa ra phải chấp nhận được và hợp lý.
“Với cách phân khai như hiện nay Quỹ bảo trì đường bộ khác gì “ông vua con” ban phát cho địa phương bao nhiêu % phải nhận bấy nhiêu, như thế không được và thiếu thuyết phục”, Giáo sư Sùa nói.
Không ít ý kiến cho rằng, mức thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ hiện nay áp dụng trên đầu mỗi phương tiện là cao so với mức thu nhập của người dân. Câu hỏi đặt ra, mức phí này căn cứ vào đâu để đưa ra nhiều người chưa rõ.
Về mức thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ được cho là chưa hợp lý người dân Việt Nam, Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho rằng: “Mức thu phí đường bộ như hiện nay cũng chưa thể nói là cao hay thấp, hợp lý hay chưa mà cần phải có đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên sâu.
Đáng lưu ý, cũng cần có ý kiến từ nhiều phía khác nhau trong đó có cần có ý kiến của chủ các phương tiện. Thực tế, hiện nay người dân mua xe ô tô khi đi đăng kiểm và phải nộp phí bảo trì đường bộ thì bị áp đặt mức phí bao nhiêu, họ đóng bấy nhiêu.
Để đưa ra mức phí bảo trì đường bộ cần thiết có ý kiến từ cơ quan, trong đó có Nhà nước, địa phương, chủ phương tiện, những cơ quan quản lý liên quan”.
Minh bạch thời gian thu phí cao tốc mới chống được nhóm lợi ích |
Bức xúc trước việc mỗi ngày có nhiều ngàn phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng đi qua các trạm BOT vẫn phải nộp phí cao mỗi lượt, chuyên gia nghiên cứu giao thông - ông Bùi Danh Liên chỉ rõ: "Vấn đề lớn nhất của Quỹ Bảo trì đường bộ hiện nay là không công khai minh bạch, quỹ chi sử dụng vào đâu, sửa chữa như thế nào người dân đâu biết.
Bởi vậy, người dân, tài xế phản ứng phí chồng phí vì rõ ràng họ nộp phí bảo trì lại đóng tiếp phí BOT rất cao mà không được biết nguồn phí bảo trì kia đi về đâu, hạch toán thừa bao nhiêu, chi như thế nào.
Thu tiền phí bảo trì đường bộ của người dân thì anh phải công khai, minh bạch cả thu lẫn chi để người dân biết”.
Quỹ Bảo trì đường bộ được chia làm hai cấp gồm quỹ trung ương (65% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước) và quỹ địa phương (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước). Theo đó, kinh phí quản lý, bảo trì quốc lộ do Quỹ trung ương bảo đảm. Còn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương do Quỹ địa phương bảo đảm. Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ nguồn gồm phí sử dụng đường bộ thu hàng năm các phương tiện cơ giới đường bộ, nguồn từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, ngân sách trung ương cấp cho quỹ trung ương, ngân sách địa phương cấp cho quỹ địa phương và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. |