Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì hệ thống đường quốc lộ trong cả nước và cũng là nơi giữ phần lớn nguồn thu phí bảo trì đường bộ từ xe ô tô, nhưng từ khi thành lập cũng đã lộ rõ nhiều bất cập, hạn chế.
Người dân có lý khi thắc mắc đã phải nộp quỹ bảo trì đường bộ nhưng hầu hết các con đường chạy liên tỉnh đều có trạm thu phí. Ảnh: TTXVN. |
Văn bản của Kiểm toán nhà nước số 546/TB - KTNN cho thấy công tác quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ giai đoạn 2015 - 2016 với hàng loạt các khoản thu chi không đúng mục đích, chức năng nhiệm vụ.
Đây là lần Kiểm toán đầu tiên trong 5 năm vận hành từ 2013 đến 2017.
Tại thời điểm kiểm toán, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đường bộ đầy đủ, đồng bộ để theo dõi tình trạng hệ thống cầu đường.
Đây là một trong những lý do dẫn đến việc giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích sử dụng của Quỹ Bảo trì đường bộ với số tiền 45,4 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2015 có 6 dự án với tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng được hoàn thành với giá trị đề nghị thanh toán 128 tỷ đồng, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ được giao vốn 90 tỷ đồng dẫn tới các đơn vị thi công bị nợ đọng hơn 38 tỷ đồng.
Cùng với công tác lập, giao kế hoạch chi của quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, đơn vị này đã giao kế hoạch cho 6 công trình trên Quốc lộ1 chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên với số tiền 110 tỷ đồng.
Giao kế hoạch vốn bổ sung từ nguồn kinh phí 15% cho một số công trình hầu hết là các công trình không cấp bách, chưa phù hợp với quy định của Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Việc chi Quỹ Bảo trì đường bộ, Kiểm toán Nhà nước cho thấy giá gói thầu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt chưa tính toán đầy đủ yếu tố trượt giá.
Việc áp dụng hợp đồng trọn gói là không đúng quy định. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Các gói thầu năm 2015 còn tạm tính, nhưng Tổng cục vẫn phê duyệt hợp đồng “Hợp đồng trọn gói” là không đúng với các quy định tại Nghị định số 207/2013/NĐ - CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Kết quả việc áp dụng hợp đồng trọn gói đã làm Quỹ Bảo trì đường bộ phải chi thêm 7,6 tỷ đồng, văn bản do ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước ký, nêu rõ.
Ban Quản lý dự án 4 trong việc phân chia gói thầu, lựa chọn hình thức chỉ định thầu đối với 2 gói thầu chưa phù hợp với quy định, không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt hạng mục mua sắm bổ sung 30 bộ cân xách tay với số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo nghị quyết số 02/NQ - QBTTW ngày 15/4/2014 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc tiết giảm 50% chi bảo dưỡng thường xuyên và chi phí có liên quan so với định mức năm 2013 đã khiến kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp cho năm 2015, 2016 chỉ còn 25 triệu đồng cho 1 km1 năm.
Hậu quả của Nghị quyết tiết giảm 50% chi phí bảo dưỡng này là nhiều đường giao thông hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời.
Việc này ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của công trình, mặt khác sẽ dẫn đến các hư hỏng lớn, nên khi sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do kinh phí bị cắt giảm nhiều, các cơ quan quản lý lúng túng, dẫn đến vẫn quy định tất cả các nội dung của bộ tiêu chí nghiệm thu đánh giá theo Quyết định số 2196/QĐ - BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ Giao thông vận tải trong các hồ sơ mời thầu.
Việc này dẫn đến việc mời thầu năm 2014 không thành công vì các nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán từ 2 đến 3 lần so với các gói thầu có định mức 25 triệu đồng 1 km 1 năm.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Phú Thọ đã cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay từ nguồn tạm ứng ngân sách tỉnh 50 tỷ đồng, nhưng hết thời hạn vay vẫn chưa thu hồi được.
Người dân bức xúc có lý khi họ đóng Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng lại đang phải đi trên rất nhiều con đường có chất lượng quá thấp, xuống cấp, ùn tắc và tai nạn xảy ra hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương. |
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, Bộ Giao thông vận tải được giao dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có kinh phí duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do bộ này quản lý.
Dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ được Chính phủ giao về Bộ Giao thông vận tải, lại phải chuyển sang Quỹ Bảo trì đường bộ để quản lý, sử dụng.
Muốn sử dụng, Bộ Giao thông vận tải phải xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, gửi sang Quỹ Bảo trì đường bộ.
Sau khi được Quỹ Bảo trì đường bộ phê duyệt với một loạt các thủ tục hành chính không cần thiết này, Bộ Giao thông vận tải mới có kinh phí để thực hiện hoạt động bảo trì.
Như vậy, cùng một công việc duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ đang được giao cho 2 cơ quan, tổ chức cùng thực hiện, như vậy là chồng chéo.
Dân nộp tiền triệu vào quỹ bảo trì đường bộ, tiền ấy đi đâu? |
Liên quan đến mô hình tổ chức, Bộ Tài chính cho rằng, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chưa có đủ nhân sự và năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm khoảng gần 10.000 tỷ đồng.
Phân bổ, cấp phát, quản lý kinh phí với 63 tỉnh, thành phố và 59 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải được ủy quyền quản lý đường quốc lộ.
Theo Bộ Tài chính, hiện Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vẫn đang sử dụng các tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải để làm thay các công việc của Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.
Việc này dẫn tới phát sinh thêm một tổ chức trung gian về danh nghĩa là nằm ngoài Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.
“Mặt khác, hoạt động của thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ theo cơ chế kiêm nhiệm là không hiệu quả, không đảm bảo được vai trò kiểm tra, giám sát thực hiện.
Các ủy viên kiêm nhiệm không làm thay được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói.
Bức xúc của người dân không phải không có lý khi họ phải đóng Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng lại đang phải đi trên rất nhiều con đường có chất lượng quá thấp, xuống cấp, ùn tắc và tai nạn xảy ra hàng ngày.
Họ còn phải trả tiền khi đi trên nhiều con đường độc đạo, vốn là đường Quốc gia, nhưng nay bỗng hóa thành BOT.
Vấn đề ở đây là việc quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương như thế nào mới là vấn đề cần bàn, đường giao thông càng chậm sửa thì mức độ hỏng càng nặng, kinh phí sửa chữa càng cao.
Nhiều trạm BOT thu phí thủ công vào những dịp lễ, tết. Ảnh: Tùng Dương. |
Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường cho biết: “Theo tính toán, mỗi ngày Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương thu được gần 30 tỷ đồng nhưng do nhiều thủ tục nhiêu khê nên Quỹ Bảo trì đường bộ giải ngân rất kém, có năm chỉ đạt 50%-60%.”.
“Thực tế nguồn thu chưa đủ, quản lý phức tạp như vậy nhưng phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường tại Việt Nam đang rất cao, xấp xỉ 3.000 đô la mỹ cho 1km đường bộ, bằng giá duy tu, sửa chữa1km đường châu Âu và cao gấp 3 lần Lào, cao gấp 1,5 lần Campuchia nhưng chất lượng việc bảo trì đường bộ lại không đạt được hiệu quả như mong đợi”, ông Cường nói.
Tài liệu tham khảo:
https://baodautu.vn/noi-soi-chi-tieu-quy-bao-tri-duong-bo-d74361.html
https://baodautu.vn/dinh-lai-trang-thai-quy-bao-tri-duong-bo-d85388.html
http://www.sggp.org.vn/tim-co-che-quan-ly-huu-hieu-quy-bao-tri-duong-bo-546741.html
http://enternews.vn/xoa-so-hoi-dong-quan-ly-quy-bao-tri-duong-bo-trung-uong-136283.html
http://enternews.vn/bat-cap-thu-chi-quy-bao-tri-duong-bo-nhung-boc-tach-tu-kiem-toan-nha-nuoc-124203.html