Dân nộp tiền triệu vào quỹ bảo trì đường bộ, tiền ấy đi đâu?

20/02/2019 06:12
Tùng Dương
(GDVN) - Các xe ô tô dù đã nộp phí bảo trì đường bộ nhưng vẫn mất tiền khi đi qua những trạm thu phí đã đấu thầu gây nhiều bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở Bắc Ninh rất bức xúc vì vừa nộp gần 3 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho chiếc xe tải của gia đình, nhưng mỗi lần qua trạm thu phí Phù Đổng trên Quốc lộ 1 vẫn phải trả phí.

Như vậy chặng đường từ Bắc Ninh về Hà Nội, anh Dũng và những phương tiện khác vẫn phải mua hai lượt vé cầu đường như trước, mặc dù trong danh mục các trạm thu phí của Bộ Giao thông Vận tải, trạm này không thuộc diện BOT.

Với sự gia tăng nhanh số lượng phương tiện những năm gần đây, tiền phí thu cũng tăng mạnh. Ảnh: Tùng Dương
Với sự gia tăng nhanh số lượng phương tiện những năm gần đây, tiền phí thu cũng tăng mạnh. Ảnh: Tùng Dương

Kể từ khi thực hiện việc thu phí Bảo trì đường bộ từ 1/1/2013 đến nay, cả nước đã có 17 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ ngừng hoạt động.

Tuy nhiên vẫn còn tới 39 trạm thu phí thuộc diện hoàn vốn BOT và một số trạm được Bộ Giao thông vận tải cho tư nhân đấu thầu trước đó tiếp tục thu phí.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Tiếp tục duy trì các trạm thu phí được đấu thầu này là sai quy định. Tình trạng phí chồng phí hoàn toàn sai với Nghị định 18 của Chính phủ, nếu tiếp tục duy trì thì phải có chế tài xử lí”. 

Nhưng hiện tại các trạm thu phí đã đấu thầu này còn hoạt động ngày nào thì đồng nghĩa với việc hàng nghìn phương tiện giao thông của người dân tiếp tục gánh thêm một khoản phí.

Và câu hỏi được đặt ra ở đây là hàng tỷ đồng mỗi ngày từ các trạm thu này, ai sẽ hưởng lợi?

Dân nộp tiền triệu vào quỹ bảo trì đường bộ, tiền ấy đi đâu? ảnh 2

Minh bạch thời gian thu phí cao tốc, chống nhóm lợi ích

Theo tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, sau 5 năm thu phí đường bộ, tổng số tiền phí đã dự kiến đạt được 29.497 tỷ đồng.

Trong đó riêng năm 2017 số tiền ước tính thu được sẽ đạt 7.047 tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng của phương tiện giao thông, số tiền phí thu được cũng tăng mạnh với mức từ 106% đến 255%.

Gần 30.000 tỷ đồng là số tiền đã thu được từ phí bảo trì đường bộ trong suốt 5 năm qua.Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi: Số tiền này đã được sử dụng làm gì, chi ra sao? Liệu có xảy ra tình trạng phí chồng phí?

Trong thời gian thu phí hoàn vốn chủ đầu tư dự án đường BOT có trách nhiệm bảo trì tuyến đường. Ảnh: TTXVN.
Trong thời gian thu phí hoàn vốn chủ đầu tư dự án đường BOT có trách nhiệm bảo trì tuyến đường. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Quỹ bảo trì đường bộ bổ sung về ngân sách nhà nước một khoản tiền để sửa chữa nâng cấp các tuyến đường.

Vai trò của quỹ này là cần thiết, nhưng thu như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng phí chồng phí"?

“Khi doanh nghiệp đầu tư dự án đường BOT và thu phí. Trong mức thu phí đường BOT đã bao gồm cả phí bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường”, ông Thanh nói.

Trong thời gian thu phí hoàn vốn chủ đầu tư dự án đường BOT có trách nhiệm bảo trì tuyến đường.

Như vậy nếu phương tiện ô tô di chuyển theo tuyến cố định mà hầu hết đi trên đường BOT thì đang xảy ra tình trạng phí chồng phí khi vừa phải trả phí BOT (trong đó có phí bảo trì đường BOT) vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ theo đầu xe.

Trước bất công này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần phải sửa Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ, tìm cách giảm phí cho doanh nghiệp và người dân đi tuyến cố định mà chủ yếu đi trên đường BOT.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời. Ảnh: TTXVN.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, vấn đề lớn nhất của Quỹ Bảo trì đường bộ hiện nay là không công khai minh bạch nên không biết quỹ chi sử dụng vào đâu.

“Người dân, tài xế phản ứng phí chồng phí vì rõ ràng họ nộp phí bảo trì, rồi lại đóng tiếp phí BOT rất cao mà không được biết nguồn phí bảo trì kia đi về đâu, còn thừa bao nhiêu, chi như thế nào.

Thu tiền của người dân thì phải công khai, minh bạch cả thu lẫn chi”, ông Liên nói.

Ngay từ đầu, khi quỹ thành lập, hiệp hội cũng đã có ý kiến giao về cho một đầu mối quản lý, có thể là Bộ Tài chính, từ đó phân bổ cho các địa phương, ngành, duy trì cơ quan quản lý riêng sẽ tốn kém hơn”, ông Liên nói.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 nêu quan điểm: “Cần đánh giá minh bạch, hiệu quả cũng như hạn chế của quỹ. Đặc biệt, cần công khai con số trong hơn 5 năm qua khi có quỹ đã bảo trì và nâng cao được bao nhiêu chất lượng đường, bao nhiêu ki lô mét đường so với trước khi có quỹ.

Người dân thấy quỹ bảo trì vẫn có nhưng chất lượng đường như thế nào thì cơ quan quản lý quỹ phải lý giải được.

Rõ ràng, lâu nay có tình trạng chất lượng đường tại nhiều địa phương xuống cấp, chỉ khi báo chí lên tiếng chỗ này, chỗ kia có ổ voi, ổ gà... thì mới được sửa chữa.

Muốn cho người dân tin phải minh bạch thu - chi, dân được hưởng lợi hay không khi có quỹ.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13. Ảnh: Ngọc Thắng.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13. Ảnh: Ngọc Thắng.

Với những tồn tại, hạn chế của quỹ trong 5 năm hoạt động, phải phân định trách nhiệm đâu là do đơn vị quản lý quỹ, đâu là do đơn vị lập kế hoạch chi...

Khi đó mới tính toán có nên tổ chức tiếp Quỹ Bảo trì đường bộ không, mô hình như thế nào, do cơ quan nào quản lý”.

Ai cũng biết đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là bộ phận thiết yếu của kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cần phải được đầu tư phát triển trước một bước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển đất nước.

Cùng với việc đầu tư, xây dựng các công trình đường bộ, quá trình khai thác, sử dụng công trình đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật mới bảo đảm thời gian sử dụng, an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ gồm 95 tuyến với tổng chiều dài 17.646 km, đường tỉnh 24.249 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.

Tài liệu tham khảo:

http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/13021/nghi-dinh-so--18-2012-nd-cp-ngay-13-3-2012-cua-chinh-phu-ve-quy-bao-tri-duong-bo-va-thong-tu-so-197-2012-tt-btc-ngay-15-11-2012-cua-bo-tai-chinh-huong-dan-ve-muc-thu--che-do-thu--nop--quan-ly-va-su-dung-phi-su-dung-duong-bo-theo-dau-phuong-tien.aspx

http://www.mt.gov.vn/vn/tin-tuc/56689/giai-the-hoi-dong-quan-ly-quy-bao-tri-duong-bo-trung-uong.aspx

https://vtv.vn/trong-nuoc/phi-chong-phi-duong-bo-bao-gio-cham-dut-68821.htm

https://vtv.vn/kinh-te/30000-ty-dong-quy-bao-tri-duong-bo-5-nam-tieu-nhung-gi-20170927084344199.htm

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Bao-gio-cham-dut-tinh-trang-phi-chong-phi-post177590.gd

Tùng Dương