Xe ô tô trước khi lăn bánh đều đóng trước phí bảo trì đường bộ số tiền lên đến vài triệu đồng một năm.
Tính trên đầu phương tiện cả nước, số tiền thu được cho Quỹ bảo trì đường bộ rất lớn lên đến nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng tiền này đi đâu, sử dụng vào việc gì vẫn là một ẩn số.
Để tìm hiểu về tính công khai minh bạch của Quỹ Bảo trì đường bộ như thế nào có lẽ cách duy nhất là vào danh mục Quỹ Bảo trì đường bộ trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, thông tin tại danh mục này rất sơ sài. Trong danh mục này, số liệu mới nhất là Báo cáo tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động (giai đoạn 2013-2017) của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.
Báo cáo cho thấy, Quỹ Bảo trì đường bộ năm 2016 tổng thu được 9.888 tỷ đồng (trong đó 6.388 tỷ đồng từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ và 3.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp bổ sung).
Năm 2016, Quỹ Bảo trì đường bộ chi hết 9.888 tỷ đồng (trong đó chi bảo trì quốc lộ 7.652 tỷ đồng; 2.236 tỷ đồng chi bảo trì đường bộ địa phương).
Trong Báo cáo tổng kết này, số liệu năm 2017 chưa hoàn thiện mới dự kiến thu được 10.747 tỷ đồng.
Văn bản mới nhất vào ngày 27/4/2018, Nghị quyết phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả thực hiện Quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2018 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương do chủ tịch hội đồng quỹ là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ký.
Như vậy có thể thấy, những con số thu chi của Quỹ Bảo trì đường bộ mới dừng ở những con số tổng hợp, còn chi tiêu như thế nào, cụ thể ra sao không hề có.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, phải công khai minh bạch số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng tiền phí đường bộ dân đã nộp. Ảnh: Đ.T. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, phí bảo trì đường bộ được thu qua đầu phương tiện sau đó được đầu tư trở lại hạ tầng giao thông nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt là chủ chương đúng và cần thiết, nhiều nước cũng làm vậy.
Tuy nhiên, nhiều năm qua kể từ khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ tính công khai minh bạch của Quỹ này cũng như vấn đề BOT còn nhiều điều phải bàn.
“Người dân mua xe ô tô muốn lăn bánh phải đóng phí bảo trì đường bộ, bởi vậy, việc anh chi và sử dụng kinh phí từ Quỹ này như thế nào sao không công khai được.
Anh sử dụng có hiệu quả hay chưa, sử dụng như thế nào cần phải công khai để người dân, xã hội nắm và giám sát.
Người dân đóng công khai, minh bạch thì chẳng có lý do gì anh chi tiêu, sử dụng lại không công khai minh bạch”, đại biểu Tuấn nói.
Đáng nói, thời gian qua không chỉ tính minh bạch trong việc thu chi nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ mà tình trạng có tuyến quốc lộ thay vì dùng kinh phí từ quỹ sửa chữa lại cho chủ đầu tư BOT vào “tráng men” đặt trạm thu phí.
Như quốc lộ 1 bị hư hỏng, thay vì lấy từ nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để nâng cấp, sửa chữa, nhưng lại cho chỉ định thầu để đặt trạm thu phí BOT. Điều đó có nghĩa chủ đầu tư chỉ việc trải một lớp nhựa là có thể đặt trạm thu phí.
Hay đường 5 cũ Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách là một ví dụ điển hình. Hai trạm thu phí trên đường này phải bị dỡ bỏ, nhưng lại được chuyển giao cho nhà đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để bù chéo phần vốn đầu tư xây dựng cho cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng.
Đáng nói, từ khi được chuyển giao mức phí áp dụng đối với ô tô con qua đường 5 đã tăng lên gấp 4 lần. Vì vậy mà nhiều người dân bức xúc khi họ phải nộp tiền bù cho đường cao tốc mới dù chỉ đi trên đường cũ.
Về việc này, Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng: “Nếu người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ trên tuyến đó, mà tuyến đó lại cho phép làm BOT và thu phí là có vấn đề.
Điều này có nghĩa người dân đang phải “cõng” hai loại phí đường bộ. Điều này là rất vô lý và lâu nay chúng ta chưa giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Chúng ta phải làm thật rõ ràng, những tuyến đường nào người dân đã đóng phí bảo trì sẽ không được thu phí. Đường nào là đường BOT phải đưa ra mức phí như thế nào là hợp lý, thu trong thời gian bao lâu cũng phải rõ và công khai”.
Các trạm BOT vây kín, không có con đường nào miễn phí cho người dân đến Thủ đô. Ảnh: VOV. |
Cũng theo Đại biểu Dương Minh Tuấn, đến nay những vấn đề về BOT vẫn để kéo dài, nhiều trạm BOT gây bức xúc dư luận, nhưng việc xử lý vẫn còn thiếu quyết liệt, nếu không nói là hời hợt, nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.
“Quỹ Bảo trì đường bộ cũng vậy, chẳng có lý do gì anh không công khai thu chi, sử dụng ra sao. Đồng tiền của người dân anh phải sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, nếu không anh có tội với nhân dân, với đất nước.
Việc công khai Quỹ này rất cần thiết để người dân, xã hội giám sát. Giám sát ở đây là anh thu có đúng, có đủ không. Anh sử dụng vào việc gì, bảo trì, nâng cấp con đường nào có đúng với chất lượng đồng tiền của dân hay không…”, Đại biểu Tuấn nói.
Dân nộp tiền triệu vào quỹ bảo trì đường bộ, tiền ấy đi đâu? |
Nhiều lần phía Bộ Giao thông Vận tải giải thích người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ khi đi vào đường BOT vẫn phải trả phí đó không phải là phí chồng lên phí.
Tuy nhiên, cách trả lời của ngành giao thông vấp phải sự phản bác của không ít chuyên gia cho rằng, đó là phí chồng lên phí.
Cụ thể, như tuyến Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Nam Định, người dân đã đóng phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ, nhưng đi từng đoạn đường đó vẫn phải nộp phí một lần nữa.
Một vấn đề về việc giải ngân Quỹ Bảo trì đường bộ cũng có vấn đề. Theo quy định 65% chi cho Quỹ Trung ương, còn 35% dành cho quỹ địa phương để sửa chữa, bảo trì nâng cấp.
Nhưng thực tế, việc giải ngân cho các địa phương vẫn còn chậm, điều đó dẫn đến dù người dân đã đóng quỹ bảo trì đường bộ trước, nhưng đường hư hỏng, xuống cấp lại chờ mãi không được sửa chữa, nâng cấp.
Mỗi lần qua những chặng đường xuống cấp, phương tiện vì thế cũng dễ hỏng hóc hơn, phí đường bộ người dân đóng thường xuyên, nhưng đường xuống cấp cứ chờ và đợi.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng: “Người dân đóng phí bảo trì đường bộ trước thì không lý do gì để đường hư hỏng, ổ voi, ổ gà chưa được sửa chữa kịp thời.
Anh phải có kế hoạch, dự báo tuyến đường nào đến kỳ nâng cấp, sửa chữa để có kế hoạch trước để dải ngân kịp thời. Chứ không thể để đường hư hỏng, người dân kêu trời mà chưa thấy kinh phí đâu.
Việc chậm trễ dải ngân sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân, tai nạn rình rập và cũng ảnh hưởng đến giao thương, phát triển kinh tế”.