Vụ việc 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên phải nhập viện sau khi uống sữa Fami Kid của Vinasoy ngày 15/3/2019 tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về việc lạm dụng Chương trình Sữa học đường để tiếp thị và bán sản phẩm trái quy định vào trường học.
"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? |
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa lên tiếng cho biết tại sao cho phép Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tặng sữa tiếp thị và bán sữa đậu nành Fami Kid cho 13.037 học sinh tiểu học của 26 trường thuộc thành phố Sông Công và 3 huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên còn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên cho Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) đưa sữa bột pha lại vào giới thiệu sản phẩm và tham gia Chương trình Sữa học đường trên địa bàn.
Những sản phẩm này không phải sữa tươi, không được sản xuất từ sữa tươi mà đưa vào Chương trình Sữa học đường là trái Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên khi tìm hiểu thực tiễn triển khai Chương trình Sữa học đường trên các địa phương, tình trạng đưa sản phẩm trái quy định làm hỏng chương trình nhân văn và thiết thực này, không phải là hiếm, trong đó có cả sự tham gia của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Biết rõ Thủ tướng quy định sữa tươi, vẫn tạo kênh cho Nestlé Milo vào Sữa học đường
Báo Hà Nội Mới ngày 31/7/2017 có bài Chuẩn nào cho "Sữa học đường"?, phản ánh, phát biểu tại hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình Sữa học đường tổ chức ngày 25/7/2017 tại Hà Nội, sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Vụ Giáo dục thể chất sẽ xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai "Sữa học đường" trong trường học, trong đó các nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi học đường - nhận diện sản phẩm sữa học đường, uống sữa học đường đúng cách sẽ được hướng dẫn kỹ để các trường triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. [1]
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu, ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Như vậy có thể thấy Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh đã nghiên cứu kỹ Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường.
Tuy nhiên, vụ gần 500 học sinh Trường Tiểu học Lái Hiếu, Trường Tiểu học Nguyễn Hiền thuộc huyện Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang ngày 27/10/2017 bị đau bụng, nôn ói phải vào viện cấp cứu sau khi uống sữa Milo do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam cung cấp miễn phí, đã làm lộ ra một sự thật.
Đó là Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam đưa sữa Milo vào trường học nhân danh Sữa học đường.
Điều này thể hiện trong Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Công văn này do Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh "thừa lệnh" Bộ trưởng ký, gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam về việc tạm dừng triển khai Chương trình Sữa học đường.
Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017 nêu:
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam trong thời gian qua đã phối hợp, đồng hành triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Tuy nhiên, vào ngày 27/10/2017 trong quá trình triển khai cung cấp sữa miễn phí cho học sinh uống tại 02 trường Tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền, huyện Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra hiện tượng một số học sinh có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, có triệu chứng “tương tự ngộ độc” và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vũng Tàu chi hàng trăm tỷ đồng mua sữa pha lại của Vinamilk, bỏ mặc nông dân? |
Hiện nay, các mẫu sản phẩm sữa đang được cơ quan chức năng kiểm tra xét nghiệm và xác minh để tìm nguyên nhân sự việc.
Trong khi chờ kết quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh uống trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi xác định nguyên nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Công ty để chỉ đạo và hướng dẫn việc triển khai Chương trình Sữa học đường trong thời gian tiếp theo.
Ngày 26/12/2017, tức chỉ 2 tháng sau khi tạm dừng "chương trình sữa học đường Nestlé Milo", ông Ngũ Duy Anh lại "thừa lệnh" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký công văn số 6082/BGDĐT-GDTC để tiếp tục triển khai chương trình này.
Tuy nhiên, tiêu đề công văn đã có sự điều chỉnh tên gọi, "về việc tiếp tục triển khai Chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh trên phạm vi toàn quốc".
Nhưng nội dung công văn vẫn ghi rõ:
Ngày 27/10/2017 vừa qua, đã xảy ra sự cố ngộ độc sữa tại hai trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền thuộc thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Sau khi sự cố xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có kết luận là sản phẩm Milo của Công ty Nestlé đảm bảo các tiêu chuẩn được cấp phép, nguyên nhân gây ra ngộ độc là do thức uống của Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo MC có sơ suất trong khâu pha chế đã nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus.
Sau khi xem xét phản hồi và phương thức hoạt động mới của Công ty Nestlé, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho Công ty Nestlé được tiếp tục thực hiện lại các chương trình hợp tác, tài trợ các hoạt động thể chất, dinh dưỡng cho học sinh các trường phổ thông, cụ thể như sau:
1. Hoạt động cổ động, tuyên truyền cho các giải thể thao học sinh
- Hình thức phát sản phẩm: Phát sản phẩm nguyên hộp Milo 115ml, đảm bảo chất lượng (không móp méo, phồng, trầy xước, rách…), còn hạn sử dụng và có công bố phù hợp an toàn thực phẩm theo quy định của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế.
- Hình thức thực hiện: Báo cáo địa phương về thành phần nhân viên trong đội phục vụ của Công ty Nestlé phối hợp với nhà trường để phát tới từng em học sinh. Song hành với việc phát sản phẩm, nhân viên có thể hướng dẫn học sinh tham gia một số hoạt động vận động hoặc trò chơi với bóng trong sân trường. Trước khi thực hiện phát sản phẩm, Công ty Công ty Nestlé phải được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngũ Duy Anh trong một sự kiện tại Cần Thơ, ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại. |
2. Chương trình Sữa học đường quốc gia theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ:
- Chương trình Sữa học đường quốc gia là Chương trình nhằm cung cấp sữa và các sản phẩm dinh dưỡng đặc hiệu cho học sinh tại các trường học với sự tham gia của Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà trường và cha mẹ học sinh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh sự quan tâm của Công ty Nestlé đối với Chương trình và ghi nhận những đóng góp tích cực của Công ty Nestlé thông qua các hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc thể lực của trẻ em Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
- Công ty Nestlé mong muốn tham gia Chương trình này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu xã hội hóa của Nhà nước trong việc huy động sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của các doanh nghiệp, các công ty thực phẩm dinh dưỡng.
So với phát biểu của ông Ngũ Duy Anh về sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường tại hội thảo ngày 25/7/2017 mà Báo Hà Nội Mới phản ánh, thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất căn cứ vào đâu để nhân danh Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng "Công ty Nestlé mong muốn tham gia Chương trình này (Sữa học đường) hoàn toàn phù hợp"?
Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Đan, Vĩnh Phúc xếp hàng chờ uống sữa Milo miễn phí ngày 13/6/2017. Ảnh minh họa: thhoangdan.vinhphuc.edu.vn. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quan điểm rõ ràng về sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường theo quyết định của Bộ Y tế, qua Công văn số 141/BGDĐT-CTHSSV ngày 16/1/2017 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký, yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo:
Chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn trẻ em, học sinh uống sữa tươi theo quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm sữa tươi đưa vào trong trường học phải đảm bảo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016.
Vậy phải chăng ông Ngũ Duy Anh đang lạm dụng uy tín, vai trò của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới hình thức "thừa lệnh" để ký văn bản giúp Nestlé đưa sản phẩm trái phép vào Chương trình Sữa học đường?
Liệu ông Ngũ Duy Anh có được hưởng lợi gì từ doanh nghiệp trong việc giúp họ đưa sản phẩm không đúng quy định vào Chương trình Sữa học đường?
Hệ thống quản lý giáo dục ngành dọc đang bị biến thành kênh tiếp thị, bán hàng khép kín?
Ngày 3/10/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4585/BGDĐT-GDTC về việc triển khai Chương trình tặng sản phẩm thức uống Nestlé Milo cho học sinh tiểu học tại 35 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. [2]
Ngày 29/10/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4959/BGDĐT-GDTC đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp báo cáo Chương trình Sữa học đường. [3]
Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm? |
Chúng tôi không thể tìm được 2 công văn nói trên, mà chỉ biết đến sự tồn tại của nó gián tiếp qua chỉ đạo của một số địa phương nhận được.
Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017 và Công văn số 6082/BGDĐT-GDTC ngày 26/12/2017 cũng không được công khai trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo (www.moet.gov.vn) và không thể tìm được bản gốc.
Sở dĩ nội dung 2 công văn này được công khai có lẽ là vì liên quan đến sự cố ngộ độc của gần 500 học sinh tiểu học ở Hậu Giang và vụ tiêu hủy nhầm sữa từ thiện ở Lào Cai.
Nhưng một số thầy cô giáo đang công tác trong ngành cho chúng tôi biết với điều kiện giấu tên, sau hoạt động tặng sữa miễn phí nhân danh Chương trình Sữa học đường, học sinh / cha mẹ học sinh được gợi ý mua sữa "trợ giá".
Vụ việc 29 học sinh Trường tiểu học Nhã Lộng ở Thái Nguyên phải nhập viện sau khi uống sữa Fami Kid miễn phí hôm 15/3/2019 vừa qua mới làm lộ ra sự thật này.
Vinasoy đã "chui" vào Chương trình Sữa học đường ở Thái Nguyên (và có thể cả Yên Bái, Hải Dương) dưới sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên qua Kế hoạch số 233/KH-SGDĐT ngày 19/02/2019.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải lên tận Trường Tiểu học Nhã Lộng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, mới biết đến sự tồn tại của kế hoạch này.
Không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc Vinasoy "chui" vào Chương trình Sữa học đường ở Thái Nguyên trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên hay Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên.
Ngoài Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên còn phân vùng cho Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) đến tiếp thị sữa bột pha lại và tham gia Sữa học đường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. [4]
Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ |
Vừa qua, VP Milk cũng đã đi tặng sữa bột pha lại nhãn hiệu VP Milk Grow + cho tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Ninh Thuận để "ủng hộ Chương trình Sữa học đường của Chính phủ".
Liệu sau màn tặng sữa này, có phải là một kế hoạch âm thầm tham gia Chương trình Sữa học đường, như Vinasoy ở Thái Nguyên hay như cách Nestlé đang làm dưới sự bảo trợ của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Thái Nguyên "cắt" địa bàn 4 huyện và thị xã cho Vinasoy, dành thành phố Thái Nguyên cho VP Milk, các huyện còn lại có dành cho doanh nghiệp sữa bột nào khác?
Tương tự, chúng tôi cũng xin nêu thẳng câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, rằng Vụ Giáo dục thể chất "cắt miếng bánh thị trường" 35 tỉnh cho Nestlé, liệu có phải để dư địa bàn các tỉnh còn lại cho doanh nghiệp khác?
Trong loạt bài phân tích về hệ thống bán sách VNEN, Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại của ngành giáo dục, chúng tôi đã nhận thấy sự tồn tại của một mạng lưới tiếp thị và bán hàng chuyên nghiệp, độc quyền, khép kín từ Vụ Giáo dục tiểu học xuống đến tận hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm.
Phải chăng ngoài hoạt động chuyên môn, Vụ Giáo dục tiểu học và bây giờ thêm Vụ Giáo dục thể chất còn đóng vai trò của một "sân sau" cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào đó kiếm lợi từ tập khách hàng dồi dào, ổn định chính là các em học sinh?
Với cách triển khai các công văn, văn bản chỉ đạo ngành dọc hoàn toàn khép kín từ các vụ chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống đến hiệu trưởng các trường phổ thông như hiện nay, dòng tiền thu được chảy về đâu, không ai ngoài hệ thống có thể biết được.
Hệ lụy của nó vô cùng lớn, biến các nhà trường thành nơi cưỡng bức tiêu thụ sản phẩm / dịch vụ, biến các thầy cô giáo thành nhân viên tiếp thị bất đắc dĩ mà không ai dám lên tiếng.
Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phải ra tay chấn chỉnh hoạt động của các vụ chuyên môn trực thuộc Bộ, đồng thời yêu cầu công khai tất cả các công văn, văn bản chỉ đạo lên website của Bộ để nhân dân giám sát, bởi làm đàng hoàng thì không ngại minh bạch.
Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách? |
Xin quay trở lại với trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam và Chương trình Sữa học đường;
Có lẽ ngoài việc giúp doanh nghiệp này tiếp thị sản phẩm, các văn bản của Vụ Giáo dục thể chất thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tác dụng không nhỏ giúp Nestlé Milo đàng hoàng tham gia Chương trình Sữa học đường tại Đắk Lắk.
Ngày 11/7/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam.
Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk:
Đối với chương trình Sữa học đường đề ra mục tiêu góp phần chung tay cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, theo hình thức hỗ trợ 28-35% kinh phí mua sản phẩm sữa uống, phần còn lại do ngân sách địa phương và phụ huynh đóng góp. [5]
Ngày 5/11/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Báo cáo số 309/BC-UBND gửi Bộ Y tế về tình hình triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh, cho biết:
Trong năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 6354/UBND-KGVX ngày 27/7/2018, chỉ đạo Sở Y tế tổ chức cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện Công ty Nestle Việt Nam để triển khai Chương trình Sữa học đường tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2017 – 2020.
Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất giao Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp, xây dựng kế hoạch liên ngành để triển khai các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường của tỉnh, cụ thể:
Triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho các nhân sự thuộc ngành y tế và ngành giáo dục trong việc triển khai Chương trình Sữa học đường.
120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại? |
Về phía Công ty Nestle Việt Nam, đã cam kết hỗ trợ cung cấp sản phẩm sữa cho Chương trình Sữa học đường trong năm 2018 và giai đoạn 2018 – 2019 với mức giá ưu đãi từ 28% đến 35% giá thành sữa.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh hiện đang xem xét, bố trí nguồn kinh phí để ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường trong năm 2018, 2019.
Dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại 06 trường trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. [6]
Rõ ràng việc Vụ Giáo dục thể chất đưa sản phẩm Nestlé Milo không phải là sữa tươi vào Chương trình Sữa học đường là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Nhưng nếu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam chìa ra các công văn nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh "thừa lệnh" Bộ trưởng ký, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng có thể bị qua mặt lắm chứ?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/874442/chuan-nao-cho-sua-hoc-duong
[2]http://ninhbinh.edu.vn/upload/19216/20190212/CV_so_137_signed.pdf
[3]https://apps.dongthap.gov.vn/vanban/files/dt/dtphc/1183CV-VP2018VX_j4DYfgRtT5.pdf
[4]http://thdongquang.pgdtpthainguyen.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-tu-phong/cv-58-vv-tham-gia-chuong-trinh-sua-hoc-duong-cho-tre-mau-gia.html
[5]https://daklak.gov.vn/-/ubnd-tinh-lam-viec-voi-cong-ty-tnhh-nestle-viet-nam
[6]https://daklak.gov.vn/widget/-/tinh-hinh-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-uong-cua-tinh-ak-lak