Bên cạnh một số thành quả đã đạt được trong những năm qua thì ngành giáo dục nước ta vẫn đang còn nhiều hạn chế, bất cập.
Những sự cố giáo dục vẫn liên tục xảy ra khiến cho dư luận chưa thực sự yên tâm. Có lẽ, chúng ta vẫn thiếu một Tổng công trình sư giỏi để chỉ đạo việc kiến tạo một nền giáo dục mới.
Bài toán nhân lực của ngành chưa bao giờ hết nóng. Chương trình, sách giáo khoa hiện hành và chương trình, sách giáo khoa mới cũng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Rất khó để ngành giáo dục có những bước bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Hàng ngàn giáo viên vẫn canh canh nỗi lo mất việc (Ảnh : Trinh Phúc) |
Những năm qua, ngành giáo dục vẫn thiếu một Tổng công trình sư giỏi. Chính vì vậy, những đổi mới của giáo dục chưa tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Dù cho quan niệm “giáo dục như là một trận đánh lớn” hay “giáo dục là con người” thì những thành tựu cho ngành trong những năm qua cũng chưa nhiều.
Những bê bối, tiêu cực, những dự án lãng phí vẫn xảy ra thường xuyên. Niềm tin xã hội dành cho ngành giáo dục hình như đã và đang mai một dần.
Điểm qua các sự việc đã xảy ra trong những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều điều phải suy ngẫm.
Dự án VNEN đã để lại những dư vị buồn cho toàn xã hội. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra tiêu cực trên một diện rộng. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học kỹ thuật cũng để lại nhiều điều tiếng.
Bài toán về nhân lực ngành sư phạm chưa bao giờ hết nóng.
Những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra tình trạng hàng trăm, hàng ngàn giáo viên bị cắt hợp đồng. Năm nào cũng thấy tâm thư, đơn kêu cứu của giáo viên.
Một khi thầy cô giáo- những người trực tiếp giảng dạy trong các nhà trường còn canh cánh nỗi lo cho sự yên ổn công việc cũng đồng nghĩa là chất lượng giáo dục chưa được chú trọng.
Giáo viên ở Thanh Hóa, Đắc Lắc, Cà Mau, Hà Nội... bị thanh lý hợp đồng đã trở thành nỗi ám ảnh cho đội ngũ nhà giáo trong mỗi năm học.
Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc |
Hàng chục ngàn sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm thì những đổi mới trong công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng trở nên nhạt nhòe.
Tình trạng tuyển dụng nhân lực còn nhiều kẽ hở để cho một số quan chức địa phương, ngành giáo dục tìm cách làm tiền giáo viên. Nhiều nơi, mỗi suất chạy hợp đồng không thời hạn của giáo viên lên đến hàng trăm triệu đồng.
Người chạy được việc thì lẳng lặng giảng dạy để tìm cách trả nợ tiền xin việc. Người không chạy được việc mới làm đơn kêu cứu, tố giác.
Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục vướng vào lao lý vì chuyện chạy việc cho giáo viên.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị trong nhiều năm, được cho là kỳ công và có chất lượng tốt nhất so với trước đây cũng không tránh khỏi những lo lắng, hoài nghi cho xã hội.
Những môn học Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa ở cấp Trung học cơ sở bỗng nhiên gộp thành 2 môn tích hợp. Những dự kiến, kỳ vọng cho các môn học mới của những người kiến tạo chương trình chưa đủ để dư luận yên tâm.
“Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình chuẩn bị, công bố chương trình nhưng cả năm qua hình như chưa có chuyển biến tích cực.
Thời điểm này Bộ mới rục rịch phát ra tín hiệu tuyển chủ biên và người viết sách giáo khoa. Trong khi, năm học 2020-2021 là thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sắp đến.
Đâu là lời giải cho niềm tin giáo dục?
Khi mới được bổ nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ: “Tôi xuất phát từ thực tiễn là lắng nghe nhu cầu con người. Tất cả con người đều có mưu cầu để cuộc sống tốt lên, nhân văn hơn.
Từ nhu cầu đó quay trở lại giáo dục phải làm thế nào. Nhưng một mình giáo dục không làm được mà phải có sự đồng hành của gia đình và toàn xã hội.
Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh. Giáo dục là con người, đó là công trình lớn, phải xây dựng nhiều năm...
...Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi.
Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”.
Những lời chia sẻ của Bộ trưởng lúc ấy khiến cho dư luận rất đồng tình nhưng thời gian trôi qua thì việc xây dựng “con người” trong giáo dục vẫn còn nhiều nỗi lo lắng, băn khoăn cho xã hội.
Ai cũng biết, một mình cá nhân Bộ trưởng không làm được, một mình Bộ Giáo dục cũng không thể nào làm nên sự thành công của giáo dục.
Nhưng, ngành giáo dục phải là động lực chính cho sự phát triển của ngành.
“Niềm tin” của xã hội cho ngành giáo dục đã được thử thách sau một số sự cố giáo dục mà trong đó có nhiều lãnh đạo ngành, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã và đang làm cho xã hội mai một “niềm tin”.
Giải quyết bài toán giáo dục phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo của ngành gương mẫu, tận tụy và trung thực.
Thế nhưng, những cán bộ quản lý lại vướng vào những tiêu cực chạy điểm, chạy việc, tham lam trong việc xã hội hóa giáo dục thì rất khó tạo được tính gương mẫu cho ngành.
Bài toán nhân lực của ngành có sự kết nối với nhiều ngành khác của xã hội. Cái khó là là nhân lực của ngành giáo dục không được tự tuyển.
Nhưng, việc dự báo, phân bổ chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong tầm tay của Bộ.
Chương trình, sách giáo khoa mới là mấu chốt cho việc đổi mới giáo dục lần này. Bộ cần phải tính đến tính bền vững cho mỗi bộ sách giáo khoa.
Vì thế, chọn tổng chủ biên, chọn người viết sách phải là những người có tâm huyết, có sáng tạo và cũng phải cần có độ tuổi nhất định để …chịu trách nhiệm.
Sách giáo khoa vẫn trong tình trạng độc quyền, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tìm cách để tăng giá. Sự việc tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 đã thực sự làm tan vỡ một niềm tin!
Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều năm. Những mục tiêu đã có, những hạn chế đã được chỉ ra.
Vì thế, Bộ cần có những định hướng cho tương lai, nhìn vào hạn chế của ngành để có hướng đi phù hợp.
Một khi ngành giáo dục còn để lại nhiều thị phi, nhiều hoài nghi cho xã hội thì rất khó có thể đổi mới và phát triển được vững bền trong tương lai.