Tăng 1 nghìn đồng/cuốn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục có thêm 108 tỷ đồng

30/03/2019 07:01
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Năm học tới đây, người dân không chỉ bỏ ra 1000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa bởi con số này đã được tăng thêm hàng trăm tỉ nữa sau lần tăng giá này!

Sau nhiều lần phát tín hiệu đánh động dư luận, cuối cùng thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức phát ra thông điệp tăng giá sách giáo khoa từ năm học 2019-2020.

Đây thực sự là thông tin khiến cho dư luận ngỡ ngàng bởi trước đó Bộ Giáo dục – Đào tạo đã yêu cầu chưa được tăng giá sách giáo khoa.

Thế nhưng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khiến cho dư luận đi từ bất ngờ này cho đến bất ngờ khác.

Sách giáo khoa phổ thông đã chính thức tăng giá vào năm học 2019-2020 (Ảnh: Báo Lao động)
Sách giáo khoa phổ thông đã chính thức tăng giá vào năm học 2019-2020 (Ảnh: Báo Lao động)

Theo thông tin Báo Vietnamnet đăng tải thì tối 29/3/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thông báo về việc tăng giá sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Phương án đã được phê duyệt về giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn.

Có lẽ đây là một thông tin gây sốc cho dư luận xã hội trong thời điểm này.

Rõ ràng, để chuẩn bị cho việc tăng giá sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục đã có một sự chuẩn bị rất cẩn thận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 3 này, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều tờ báo in, báo online, báo hình.

Điều mà ông Tùng thông tin đến dư luận là mỗi năm Nhà xuất bản lỗ mấy chục tỉ đồng cho việc xuất bản sách giáo khoa phổ thông.

Rồi, suốt 8 năm nay sách giáo khoa không hề tăng giá trong khi lương lên, giá nguyên liệu, giá điện đều tăng lên…

"Cao kiến" của Nhà xuất bản Giáo dục là in giá mới trên sách giáo khoa và các bộ sách này đã được nộp lưu chiểu vào tháng 1/2019 rồi mới phát thông điệp tăng giá.

Khi bị Bộ “tuýt còi” thì ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói sẽ sửa lại giá mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục.

Tăng 1 nghìn đồng/cuốn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục có thêm 108 tỷ đồng ảnh 2Xem bảng lương Nhà xuất bản Giáo dục làm sao tin nổi sách giáo khoa lỗ

Thế nhưng, cuối cùng thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức tăng giá sách giáo khoa vào năm học tới.

Vô tình, những chỉ đạo của Bộ về việc không cho phép tăng giá vào năm học tới trở thành ...vô nghĩa.

Trong khi, Bộ Giáo dục- Đào tạo là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Giáo dục?

Điều trớ trêu nhất là đẩy phụ huynh học sinh vào thế đã rồi và không có một sự lựa chọn nào khác.

Suốt mấy tuần qua, phụ huynh cả nước cứ tưởng Nhà xuất bản Giáo dục sẽ chấp hành theo những chỉ đạo của Bộ Giáo dục và ít nhất là trong năm học 2019-2020 sẽ không có sự điều chỉnh về giá.

Tuy nhiên, trời tính, phụ huynh tính cũng không bằng…Nhà xuất bản Giáo dục tính.

Độc quyền, coi thường người tiêu dùng

Chuyện độc quyền sách giáo khoa phổ thông của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được nói đến nhiều trong những năm gần đây.

Mỗi năm, người dân bỏ ra hàng tỉ đồng mua sách giáo khoa dùng một năm rồi bỏ.

Trong khi, Nhà xuất bản Giáo dục mỗi năm “xuất bản trên 3.000 tựa sách với số lượng in và phát hành 250 triệu bản, cùng hàng triệu sản phẩm thiết bị, đồ dùng dạy học” thì rõ ràng mặt hàng sách giáo khoa không phải là duy nhất của Nhà xuất bản này.

Những mặt hàng lãi thì Nhà xuất bản Giáo dục không thông tin đến dư luận.

Chỉ có sách giáo khoa (năm 2000) thì mấy năm nay đều đồng thanh kêu lỗ. Tại sao sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục thì Nhà xuất bản Giáo dục không hề lên tiếng xem nó lãi bao nhiêu?

Điều nực cười nhất là dòng chữ khuyến cáo trên sách giáo khoa Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” được in trên mỗi cuốn sách giáo khoa từ năm học tới đây.

Tăng 1 nghìn đồng/cuốn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục có thêm 108 tỷ đồng ảnh 3Nhà xuất bản Giáo dục giải thích thế nào khi sách giáo khoa đã tăng giá?

Nhưng, in để làm gì khi gần 20 năm qua nó không hề xuất hiện, không hề được khuyến cáo?

Hàng chục triệu cuốn sách bài tập được thiết kế cho học sinh làm trực tiếp trên sách hàng năm không in dòng chữ này?

Theo kế hoạch, năm học 2019-2020, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ xuất bản 108 triệu bản.

Và với giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn thì nguồn thu mỗi năm sẽ được tăng thêm là trên 100 tỉ đồng.

Trong khi, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục chia sẻ là mỗi năm lỗ 40 tỉ đồng. Rõ ràng, việc tăng giá lần này rất hấp dẫn…?

Không biết Bộ Giáo dục sẽ nghĩ và giải thích thế nào khi chỉ mới ngày 6/3 vừa qua Bộ phát ra thông điệp là không được tăng giá sách giáo khoa trong năm học 2019-2020?

Nhưng, chỉ hơn 20 ngày sau thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn cứ tăng giá như dự kiến trước đó của mình?

Không biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thấy “băn khoăn” khi ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói sẽ sửa lại giá mới của sách giáo khoa đã in nhưng bây giờ lại “bẻ kèo” để tăng giá như vậy?

Với giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn thì rõ ràng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh “độc quyền” của mình trong lần tăng giá này. 

Vì thế, năm học tới đây, người dân không chỉ bỏ ra 1000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa bởi con số này đã được tăng thêm hàng trăm tỉ nữa sau lần tăng giá này!

Tài liệu tham khảo:

 https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tang-gia-sach-giao-khoa-tu-lop-1-toi-12-trong-nam-hoc-moi-517208.

NGUYỄN CAO