Sau bài viết “Quá mạnh tay với giáo viên chỉ làm thầy cô đề phòng và thu mình lại” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 7/4.
Tòa soạn nhận được một tâm bức thư của một thầy giáo vốn đầy nhiệt huyết với nghề nhưng buộc phải sống thu mình để tự bảo vệ an toàn cho chính mình.
Câu hỏi cuả thầy giáo ấy cứ xoáy vào lòng chúng tôi xót xa đến khắc khoải “Vậy tôi cố gắng nhắc nhở học trò để thêm phiền phức hay là cứ im lặng cho nó an lành?”
Cha mẹ bảo kê, nhà trường sợ nên học trò thế này với giáo viên. Thầy cô phải làm gì đây? (Ảnh thầy giáo cũng cấp) |
Đọc bức thư mà cảm thấy đau xót, thấy oán giận chính Ban giám hiệu nhà trường đã không đủ năng lực quản lý (chỉ biết chạy theo dư luận), không đủ tâm, đủ tầm để bảo vệ giáo viên.
Họ chỉ vì sợ dư luận gây bất lợi cho mình mà sẵn sàng lấy lòng và răm rắp nghe theo lời phụ huynh phản ánh để quay lại tấn công cấp dưới của mình - những thầy cô vô tội.
Chúng tôi nghĩ rằng, trường hợp của thầy H. không phải là cá biệt trong ngành giáo dục hiện nay.
Thế nên, xin được phép đăng nguyên văn bức tâm thư ấy và mong nhận được sự thấu hiểu, cảm thông cho nghề giáo (nghề làm dâu trăm họ) khốn khổ của chúng tôi lúc này.
“Tôi tình cờ đọc được bài viết "Quá mạnh tay với giáo viên..." của tác giả Phan Tuyết.
Quá mạnh tay với giáo viên chỉ làm thầy cô đề phòng và thu mình lại |
Tôi có cảm giác tương tự như là bài viết đang nói về chính tôi. Tôi thấy có sự đồng cảm sâu sắc và muốn gửi lời cảm ơn đến tác giả.
Tâm trạng của tôi khi đọc bài báo này cũng giống như một người đang chơi vơi, cô độc giữa nơi hoang vắng thì nhìn thấy được những người có cùng suy nghĩ, đồng cảnh ngộ.
Tôi thấy an ủi vì họ đang nói về vấn đề mình đang gặp phải.
Tôi là một giáo viên giảng dạy cũng mười mấy năm. Đúng như bài báo viết là bây giờ tôi đang muốn thu mình, tôi đang muốn mặc kệ mọi thứ xung quanh trường lớp ngoài việc giảng dạy, để giữ sự bình an cho bản thân mình.
Vì thực sự thời buổi bây giờ, tôi lo cho bản thân tôi còn chưa xong nữa huống gì là giáo dục ai.
Trường tôi bây giờ, giáo viên là thứ thứ yếu. Lời nói của giáo viên không có uy tín gì.
Học trò biết rõ điều đó và luôn sẵn sàng để đe dọa giáo viên khi cần.
Tôi không dám la rầy hay trách mắng học trò, chỉ cần nhắc nhở thôi là có thể lãnh đủ mọi hậu quả.
Phụ huynh là tối thượng, phụ huynh chỉ cần gọi điện cho hiệu trưởng là giáo viên chúng tôi xác định phiền phức.
Tôi đã bị học trò đe dọa dù chỉ là nhắc nhở các em. Thế nhưng đúng sai thế nào không ai cần làm rõ, mặc cho học trò hỗn láo với thầy cô giáo trong khi học sinh thì được bảo vệ.
Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào |
Lời nói của giáo viên không ai tin còn lời nói của học sinh thì họ lại tin.
Bây giờ lên lớp, tôi phải lấy lòng học trò vì nếu làm các em phật ý thì sẽ có thư góp ý hay điện thoại góp ý.
Học sinh vào lớp ngủ trong giờ học, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh vào trường thì phụ huynh nói rằng do giáo viên dạy con tôi không hiểu bài nên mới ngủ.
Thế là, giáo viên lại bị Ban giám hiệu dự giờ đột xuất dù cho việc dự giờ thao giảng đã thực hiện theo quy định.
Nếu không có chuyện gì ai đi dự giờ làm chi? Như vậy thì giáo dục kiểu nào, cãi lại phụ huynh là có chuyện nhiều nữa nên đành thôi.
Vậy tôi cố gắng nhắc nhở học trò để thêm phiền phức hay là cứ im lặng cho nó an lành?”
Thầy H. tâm sự thêm “ Một lần tôi đã bị học trò chửi nặng nhưng cũng phải đành ngậm ngùi im lặng. Thật đau xót!
Cha mẹ bảo kê, nhà trường sợ nên học trò thế này với giáo viên. Thầy cô phải làm gì đây? (Ảnh thầy giáo cũng cấp) |
Trong tờ giấy một học sinh nói với bạn gọi thầy bằng ổng và dùng những ngôn từ khó nghe với giọng điệu đầy thách thức:
“…Tao biết ổng đang nói tao mà, mẹ tao bảo ổng chỉ là một người không có lý lẽ, nên tao sẽ là người làm tới bến chứ không phải là ổng…tao đ. sợ đâu…ổng đối với tao không bằng một cọng chí nữa…”
“…ổng tới số rồi, tao định nhẹ tay, bây giờ ổng làm vậy tao sẽ cho ổng nếm mùi đau đớn mà tao ra tay…”.
Phụ huynh như thế, học sinh thế này, Ban giám hiệu lại không dám làm phật lòng phụ huynh nên giáo viên trở thành con tốt thí.
Học trò biết rõ điều đó và luôn sẵn sàng để đe dọa giáo viên khi cần. Vậy các thầy cô giáo nơi đây liệu có thể dạy dỗ nỗi học trò không?
Thầy giáo khắc khoải hỏi “Vậy tôi cố gắng nhắc nhở học trò để thêm phiền phức hay là cứ im lặng cho nó an lành?”
Ai có thể trả lời câu hỏi này của thầy giáo đây?
Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Hãy đặt mình vào vị thế đó để đưa ra lời khuyên cho những nhà giáo chúng tôi.