Học sinh đánh nhau ở Hưng Yên, giáo viên bị đuổi khỏi ngành.
Phạt học sinh phạm lỗi hay ăn quà vặt trong nhà vệ sinh, cũng một giáo viên ở Hưng Yên tiếp tục bị sa thải.
La, mắng học sinh mắc lỗi, giáo viên bị phụ huynh chửi bới, mạt sát.
Phạt học sinh dù chỉ là một vài roi vào mông, thầy cô cũng bị cha mẹ nhiều em hành hung ngay trong lớp học. Có người còn bị thưa kiện hết cấp này đến cấp khác.
Nhiều khi một cái tát nhẹ cũng bị đuổi khỏi ngành (Ảnh minh họa VOV) |
Thực tế đáng buồn này, vẫn đang diễn ra phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước.
Chưa bao giờ giáo viên lại cảm giác bất an như thế. Nhiều thầy cô giáo nói với nhau “Hôm nay, mình còn lên trường giảng dạy nhưng chưa biết ngày mai sẽ thế nào?”
Dư luận vốn nghiệt ngã, bất công khi mọi tội lỗi của học sinh đều đổ hết xuống đầu giáo viên, xuống nhà trường. Họ quy kết, nền giáo dục bất lực, thầy cô không biết dạy học trò.
Thế nhưng một cái quyền lực bé tí là quyền được giáo dục, quyền được răn dạy học trò, quyền trách mắng khi trò không vâng lời, quyền nghiêm khắc khi trò phạm lỗi…của thầy cô bây giờ cũng bị tước đoạt hoàn toàn.
Người ta yêu cầu giáo viên phải giáo dục trò bằng tình yêu thương thể hiện ở những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ dịu dàng, âu yếm…
Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào dùng tình yêu thương cũng cảm hóa được học sinh nhất là với những em thường xuyên mắc lỗi.
Nhiều khi mọi lời nói yêu thương cũng trở nên bất lực, cũng chỉ như hòn đá ném ao bèo, cũng chỉ là nước đổ lá khoai chẳng đọng lại điều gì…
Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào |
Sự nghiêm khắc (trong chừng mực cho phép) của thầy cô lại đưa các em vào khuôn khổ, vào nền nếp của lớp, của trường.
Và lúc đó, các em trở nên ngoan hơn, dễ bảo hơn.
Nhưng trước sự phản ứng quá gay gắt của một số phụ huynh, của dư luận và sự mạnh tay của chính quyền với giáo viên đã buộc các thầy cô sống thu mình, tôn thờ tư tưởng “mackeno” để bảo vệ chính mình.
Giáo viên chỉ còn việc lên lớp dạy và dần quên đi vai trò giáo dục (một trách nhiệm cũng như niềm vinh quang của người thầy).
Không ít thầy cô giáo hiện nay vào lớp chỉ cố dạy cho xong kiến thức và xách cặp bước ra xem như tròn trách nhiệm.
Đề cao tư tưởng “mackeno” để đổi lại sự bình yên cho chính mình đã và đang giết chết những điều thiện lương trong từng đứa trẻ.
Đáng buồn thay khi mỗi ngày lên lớp, nhiều giáo viên thường nhắc nhở nhau như tấm bùa hộ mệnh “hãy cẩn thận kẻo không mang vạ vào thân”.
Cẩn thận bằng cách “Học sinh lười, không chịu học thầy cô cũng làm lơ. Học sinh quậy phá, vô lễ, thầy cô cũng không nhắc”.
Các em chỉ được dạy kiến thức, mà không được dạy cách sống, cách làm người, không được bồi đắp vốn sống, những tình cảm tốt đẹp, cách đối nhân xử thế (những điều đang rất cần trong cuộc sống hôm nay).
Gia đình quá bảo bọc và ngoài xã hội vẫn còn quá nhiều cạm bẫy thì ở trường các em không có được sự tận tâm dạy dỗ, giáo dục của cô thầy, các em sẽ lấy gì bảo vệ mình? Lấy gì chống chọi với những điều không hay ấy?
Lên án những giáo viên hành hung học sinh dã man, kỉ luật những thầy cô phạt trò bằng những hình phạt phản cảm…là điều nên làm.
Phải nghiêm trị hành vi côn đồ từ trứng nước |
Kỉ luật giáo viên là đúng nhưng cũng cần tạo điều kiện cho họ sửa sai và có cơ hội rút kinh nghiệm.
Kiểu đụng cái là đuổi của cấp có thẩm quyền chỉ làm thầy cô sợ hãi và chối bỏ trách nhiệm thiêng liêng của mình.
Những phản ứng quá gay gắt với thầy cô của một số phụ huynh dù chỉ là vài lời la mắng khi trò có lỗi, chỉ vài roi nhỏ quất vào tay, vào mông, can thiệp quá sâu vào việc giáo dục học sinh của nhà trường lại là điều không nên.
Học sinh đã chẳng còn sợ thầy cô như xưa vì chính chúng cũng biết được thầy cô giáo không dám làm thế.
Còn gì xót xa hơn khi giáo viên nghe chính học trò của mình lên tiếng “Bả dám đụng vào tao. Ba mẹ tao sẽ lên tận trường làm việc”.
Sự quan tâm thái quá của nhiều bậc phụ huynh, sự mạnh tay đến vô cảm của cấp có thẩm quyền đang làm nhiều thầy cô giáo run sợ.
Khi giáo viên sợ thì thiệt thòi chính là học sinh, gia đình phụ huynh và toàn xã hội phải gánh chịu.