Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho thấy bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại.
Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương của Việt Nam.
Cán bộ nào nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp còi cọc, chậm phát triển? |
Tại lễ công bố được tổ chức vào cuối tháng 3, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước.
Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Đối với doanh nghiệp việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.
Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao.
Theo không ít chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp phát triển phải cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: minh họa. Viết Thành/Hanoimoi. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đánh giá cao báo cáo nêu những tín hiệu đáng mừng như chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: “Con số công bố này không phải là mới, cũng không có gì giật mình. Năm nào báo cáo cũng nói về tình trạng doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu, còn phải bôi trơn.
Tình trạng doanh nghiệp phải bôi trơn, bị nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp kêu nhiều lắm, nhưng nhiều năm nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp, hành động quyết liệt để kéo tình trạng này xuống.
Qua con số thực tế trên cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cố tình hành doanh nghiệp để nhằm mục đích buộc doanh nghiệp phải lót tay, đưa phong bì. Khi nào bộ máy còn những cán bộ như vậy nền kinh tế còn bị ngáng chân, doanh nghiệp, người dân còn phải khổ sở”.
Tiến sĩ Bùi Trinh cũng chỉ ra: “Chúng ta cũng nói nhiều nào là điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng vì sao chưa tạo được tác động tích cực đến doanh nghiệp mà ngược lại doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu.
Bởi có thủ tục được cắt giảm, nhưng thực chất là thu gọn đầu mối, hình thức giảm nhưng nội dung không giảm, như thế đâu gọi là đơn giản hóa, cắt giảm được.
Hơn nữa, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, cắt giảm nhưng quan trọng vẫn là những người thực thi thực hiện ra sao, còn vẫn gây khó, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp không được hưởng lợi mà còn bị thiệt”.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, ngoài việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thì con người thực thi cũng rất quan trọng. Cán bộ nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp khó phát triển. Ảnh: CIEM. |
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bày tỏ sự lo ngại trước con số trên 50% doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu, bị vòi vĩnh phải bôi trơn là điều khó chấp nhận và không thể chấp nhận trong khi chúng ta đang hội nhập kinh tế một cách sâu rộng.
“Chúng ta nói nhiều về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì người dân, vì doanh nghiệp nhưng trên nóng mà dưới vẫn lạnh thì chỉ là khẩu hiệu, thiếu thực chất.
Công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được đưa ra, nhưng hành động không được như doanh nghiệp mong đợi”, ông Trinh nói.
Nói về con số doanh nghiệp vẫn phải bôi trơn, phải lót tay nhiều khoản phi chính thức, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt vấn đề: “Vậy những khoản doanh nghiệp phải trả phí bôi trơn là tiền túi của doanh nghiệp bỏ ra. Doanh nghiệp sẽ không bỏ tiền túi mà sẽ phân bổ, tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ.
Như vậy, cuối cùng vẫn là người dân và nhà nước thiệt hại vì thất thu thuế. Người dân phải mua sản phẩm, dịch vụ cao hơn giá thành đáng ra thấp hơn, nhưng do doanh nghiệp phải chi một khoản bôi trơn, lót tay sẽ cộng vào giá.
Hay trong việc giải phóng mặt bằng lấy đất cho doanh nghiệp làm trung tâm thương mại, chung cư, dự án cũng vậy, để có khoản lót tay bôi trơn, doanh nghiệp buộc phải trả cho người dân giá thấp hơn bằng cách bắt tay với chính quyền sở tại để người dân giao đất không theo giá thị trường.
Doanh nghiệp phải bôi trơn, lót tay sẽ làm giảm tăng trưởng thực sự nền kinh tế. Tức doanh nghiệp phải phân bổ giá vào giá thành sản phẩm, dịch vụ. Mà tăng giá sản phẩm, giá trị gia tăng sẽ giảm đi. Cuối cùng người dân bị thiệt”.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 5 Bộ, nêu 23 vướng mắc của doanh nghiệp |
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: “Báo cáo chỉ số cạnh tranh của VCCI là cần thiết để đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Nhưng không phải báo cáo xong để đấy, báo cáo cho có, năm sau lại báo cáo thì chỉ tốn thời gian và tiền bạc.
Điều quan trọng qua báo cáo đó để có những hành động cụ thể tháo gỡ được khó khăn vướng mắc đó bằng việc giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn một cách triệt để như thế doanh nghiệp mới có thể phát triển và hướng đến một nền công vụ minh bạch.
VCCI bảo vệ doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp bắt tay với chính quyền qua những vụ lót tay bôi trơn thì cơ quan nào bảo vệ người dân? Theo tôi cơ chế nào cũng phải lấy dân làm gốc!
Doanh nghiệp Việt vốn đã khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài mà lại chịu những khoản phí không chính thức lớn sẽ càng khó hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của nhiều doanh nghiệp thành lập chưa được lâu đã phải giải thể”.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Trinh, dù Chính phủ đã đặt ra đề bài của năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, nhưng phải thay đổi thực chất bằng hành động, phải xử lý dứt khoát những cán bộ sai phạm để doanh nghiệp không phải chịu những khoản tiền vô lý.