Danh sách thí sinh dính gian lận thi cử tại tỉnh Hà Giang, Sơn La, và Hòa Bình đã dần lộ diện địa vị, chức vụ của phụ huynh các em.
Đáng chú ý, trong danh sách các thí sinh được nâng điểm, phần lớn phụ huynh của các em có cả những quan chức, công an, người đứng đầu của nhiều cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh của những địa phương này.
Dư luận choáng váng bởi nhiều thí sinh thi được nâng 1 môn đến cả 3 môn từ 0 điểm, 1 điểm, 2 điểm được nâng lên 8 điểm, 9 điểm, thậm chí 10 điểm. Trong số đó, có thí sinh được nâng tới 26,55 điểm.
Ai bịt mắt các Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình? |
Bất ngờ hơn nữa là những thí sinh được nâng điểm để vào các trường khối công an, quân đội, đại học Top đầu có bố mẹ làm lãnh đạo chủ chốt của những địa phương trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, gian lận thi cử tại 3 tỉnh trên không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng, có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…khi người lãnh đạo, cán bộ của những cơ quan này lại dính vào tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa 13 đánh giá: “Đây là sự việc đáng bị lên án mạnh mẽ, nếu xác minh làm rõ việc dùng tiền bạc hoặc quyền lực để làm sai lệch kết quả thi cử thì phải xem xét truy tố về tội đưa và nhận hối lộ.
Trước hết phải tạm đình chỉ chức vụ của bố mẹ có con được nâng điểm để điều tra làm rõ".
Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, dư luận xã hội rất bức xúc trước việc con cái cán bộ Nhà nước dính gian lận điểm thi. Đáng ra họ phải là những người gương mẫu, nhưng họ lại lợi dụng chức quyền hoặc vật chất để làm sai lệch kết quả thi cử. Cái lớn nhất là làm mất lòng tin của nhân dân đối việc thi cử.
Đối với những cán bộ có con được nâng điểm ở Sơn la, Hòa Bình, Hà Giang rất đáng bị lên án. Những cán bộ đó phải là những tấm gương sáng để mọi người noi theo, nhưng họ đã tự bôi nhọ danh dự của mình.
"Những cán bộ có con được nâng điểm thực sự không xứng đáng là người cán bộ công chức Nhà nước”, ông Nguyễn Bá Thuyền nói.
Ông Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn cho rằng, những cán bộ có con dính gian lận điểm thi không xứng đáng làm cán bộ công chức Nhà nước. Ảnh: Quốc hội. |
Toàn bộ danh sách 44 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Sơn La đã rõ.
Tương tự như Hòa Bình, Hà Giang, trong 44 thí sinh của Sơn La dính gian lận có nhiều thí sinh có bố mẹ làm trong ngành công an, cán bộ, lãnh đạo nhiều cơ quan của tỉnh Sơn La.
Được biết, hầu hết thí sinh của Sơn La dính gian lận đa phần các em đang theo học năm thứ nhất tại 3 đơn vị đào tạo của Bộ Công an là Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Đại học Phòng cháy Chữa chữa cháy.
Danh sách ban đầu những thí sinh được nâng điểm có bố mẹ làm quan chức, lãnh đạo một số cơ quan ban ngành của tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Đáng chú ý, tuyệt nhiên trong danh sách trên, không ai có thể tìm ra con cái của một nông dân nghèo mà chủ yếu là con của một số quan chức, người có địa vị của tỉnh Sơn La.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Mong Văn Tình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Cũng có ý kiến nói không nên công khai danh tính thí sinh được nâng điểm trong vụ việc liên quan đến gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Nhưng tôi cho rằng nên công khai danh tính thí sinh và phụ huynh có liên quan đến gian lận để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Phải công khai để đảm bảo tính răn đe dù bố mẹ các thí sinh này là ai, làm chức vụ gì, như thế mới đảm bảo công bằng cho các thí sinh học thật thi thật”.
Đại biểu Mong Văn Tình nhấn mạnh: “Nếu những trường hợp chạy điểm, gian lận kỳ thi vừa qua là con của “ông to bà lớn” thì càng phải công khai để có hình thức xử lý thật nghiêm minh. Đó là vì một nền giáo dục văn minh”.