Hàng loạt phụ huynh là công chức, cán bộ của Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có con dính gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 dần lộ diện.
Tỉnh Sơn La có 21/44 thí sinh là con cán bộ, công chức, viên chức được nâng điểm. Đáng nói, trong số phụ huynh bị bêu tên có cả những quan chức, công an, người đứng đầu của nhiều cơ quan tỉnh Sơn La.
Trong đó, Sơn La có thí sinh được nâng nhiều nhất đến 25 điểm và thấp nhất được nâng 3 điểm.
Trao đổi với phóng viên một giáo viên tại Sơn La cho biết, nhiều người dân, phụ huynh, thí sinh Sơn La bày tỏ sự vui mừng và tin rằng danh tính phụ huynh những thí sinh được nâng đã dần lộ hết, nhưng cần làm rõ hơn nữa.
Những ngày gần đây tại Thành phố Sơn La, người dân không ngớt bàn tán việc con ông nọ bà kia gian lận điểm thi. Điều mà nhiều người Sơn La, cũng như dư luận cả nước quan tâm đó là xử lý các đồng chí này như thế nào.
Gian lận điểm thi càng ngày lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ |
Vị giáo viên này cũng cho biết, một số thí sinh có điểm thi cao bất thường, nhưng lại chưa bị lộ. Phải chăng mức độ gian lận tinh vi đến mức chưa phát hiện được.
Như trường hợp thí sinh T.N.D. cực học sinh Trường trung phổ thông chuyên Sơn La có điểm thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 lần lượt: Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Lịch sử 10; Địa lý: 8,25; Tiếng Anh 10.
Trong khi đó, điểm thi thử của T.N.D. khá thấp như môn Toán: 6,4; Văn: 6,5; Tiếng Anh: 5,8; Lịch sử: 5,5; Địa: 4,25; Giáo dục công dân: 5,5.
Trước đó, một thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 và một giáo viên tại Sơn La cho phóng viên biết, có một hình thức gian lận vô cùng tinh vi đó là đối với môn thi trắc nghiệm thí sinh chỉ điền thông tin vào phiếu trả lời còn để trống đáp án.
Bằng cách gian lận tinh vi này sẽ rất khó phát hiện vì bài thi của thí sinh để trống, và gần như không hề có dấu hiệu bị tẩy xóa, thay đổi đáp án.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Mong Văn Tình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Cũng có ý kiến nói không nên công khai danh tính thí sinh được nâng điểm trong vụ việc liên quan đến gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Nhưng tôi cho rằng nên công khai danh tính thí sinh và phụ huynh có liên quan đến gian lận để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Phải công khai để đảm bảo tính răn đe dù bố mẹ các thí sinh này là ai, làm chức vụ gì, như thế mới đảm bảo công bằng cho các thí sinh học thật thi thật”.
Đại biểu Mong Văn Tình nhấn mạnh: “Nếu những trường hợp chạy điểm, gian lận kỳ thi vừa qua là con của “ông to bà lớn” thì càng phải công khai để có hình thức xử lý thật nghiêm minh. Đó là vì một nền giáo dục văn minh”.
Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng, vì nền giáo dục văn minh nên công khai danh tính thí sinh, phụ huynh sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong khi đó, Luật gia Nguyễn Cảnh Phương – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu cho rằng: “Rõ ràng hành vi gian lận điểm thi, chạy điểm thi để vào trường nọ trường kia là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Về mặt pháp luật, những hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch. Nhưng trong câu chuyện này cũng có nhiều ý kiến đặt ra công khai hay công khai như thế nào đối với thí sinh bị phát hiện được nâng điểm.
Nếu như công khai những thí sinh không biết được bố mẹ “chạy điểm” có nên không, theo tôi nên cân nhắc vì các cháu không có lỗi. Hơn nữa, thí sinh dù biết mình được nâng điểm, nhưng cũng không phải do các em trực tiếp mà do người thân, bố mẹ tác động.
Bởi vậy, người phải công khai, đáng bị công khai chính là bố mẹ, phụ huynh các em liên quan đến gian lận điểm thi. Việc công khai danh tính phụ huynh cần thiết phải chi tiết, đầy đủ để dư luận rõ động cơ, mục đích, cách thức”.
Danh sách nhiều thí sinh dính gian lận điểm thi có bố mẹ đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại không ít cơ quan của tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuổi trẻ |
Cũng theo Luật gia Nguyễn Cảnh Phương, trong vụ việc gian lận điểm thi này hoàn toàn có thể xảy ra nhiều trường hợp vì sao họ chạy điểm như cấp dưới xu nịnh cấp trên, lãnh đạo dùng quyền lực tác động hay người nhà lãnh đạo như vợ, chồng, người thân…tác động để can thiệp, nâng điểm cho con em mình. Thậm chí, không loại trừ người giàu có dùng tiền chạy điểm cho con…
“Không có lý do gì không công khai tên tuổi, làm chức vụ của bố mẹ các thí sinh được nâng điểm. Việc công bố danh tính phụ huynh có con được nâng điểm để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính thượng tôn pháp luật.
Đó là dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ khi anh tác động để làm sai lệch kết quả thi, vi phạm quy chế thi. Xét ở góc độ nào đó nếu có việc đưa tiền để chạy điểm anh còn phạm tội hối lộ.
Sơn La chưa cấp danh sách thí sinh gian lận cho nhiều trường đại học |
Phụ huynh chạy điểm cho con đã lấy đi cơ hội vào đại học của những thí sinh học thật, thi thật. Việc làm gian dối, gian lận, tiêu cực đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và gây dư luận xấu trong xã hội. Điều đó đòi hỏi việc xử lý phải rất nghiêm minh”, Luật gia Nguyễn Cảnh Phương nói.
Luật gia Nguyễn Cảnh Phương cho rằng, trong phạm vi nhà trường hoàn toàn có thể công khai những thí sinh bị xóa tên do được nâng điểm. Các thí sinh này phải chấp nhận bị bêu tên vì ít nhiều các em cũng liên quan.
Nếu không xử lý nghiêm những trường hợp bố mẹ làm lãnh đạo, làm cán bộ, người có chức có quyền "chạy điểm, chạy trường" cho con, xã hội, dư luận sẽ không đồng tình và không chấp nhận được. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ từng trường hợp chạy điểm vì mục đích gì nịnh sếp, chạy bằng tiền, chạy vì quan hệ… công khai để dư luận rõ.