Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các Bộ, ngành và địa phương

13/05/2019 06:11
AN NGUYÊN
(GDVN) - Lâu này, việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục giữa Bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất dẫn đến việc thực thi gặp khó khăn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (viết tắt là Thường trực Ủy ban) vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong đó, có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được gửi đến các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục mầm non. 

Làm rõ cơ chế giám sát của các tổ chức đoàn thể xã hội trong nhà trường; Mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng nhà trường.

Những quy định về Hội đồng trường trong luật giáo dục sửa đổi đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Những quy định về Hội đồng trường trong luật giáo dục sửa đổi đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thường trực Ủy ban cho rằng, Hội đồng trường tại trường công lập là cơ quan quản trị nhà trường, đại diện quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan;

Hội đồng trường mầm non dân lập là đại diện quyền sở hữu của nhà trường; Hội đồng trường của trường tư thục là cơ quan quản trị, tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường (điều 56).

Cần đưa khỏi dự thảo Luật Giáo dục quy định về Hội đồng trường tư thục

Vì vậy, dự thảo Luật quy định về Hội đồng trường là bắt buộc phải có ở tất cả các loại hình trường, đồng thời mở rộng thành phần tham gia Hội đồng trường nhằm đảm bảo thực hiền quy chế dân chủ trong nhà trường.

Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng; giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng cần quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn Luật và trong điều lệ nhà trường.

Một số đại biểu có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về tự chủ và dân chủ của cơ sở giáo dục.

Tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm khi nhà trường tự chủ quy định rõ về hội đồng trường đối với các loại hình trường.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ chức, quản lý nhà trường theo hướng tăng quyền chủ động của nhà trường thông qua các quy định về Hội đồng trường; Điều chỉnh, bổ sung, làm rõ cơ cấu, tổ chức quản trị của các loại hình nhà trường.

Thống nhất tên gọi chung là Hội đồng trường đối với tất cả loại hình trường, quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng trường theo từng cấp học và từng loại hình trường (điều 56).

Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà trường; Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường tương ứng với các loại hình.

Riêng đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định theo hướng thực hiện dân chủ và trách nhiệm giải trình;

Bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình người học và xã hội trong quản lý nhà trường để phù hợp với tính chất, nguyên lý của các cấp học này và Chính phủ quy định cụ thể về quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (điều 61).

Cần phân cấp, phân quyền cụ thể

Một số đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành khác và chính quyền địa phương đối với giáo dục;

Cần quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong các quy định cụ thể của Luật.

Đại biểu Ngô Thị Minh mong nhận ý kiến từ các trường tư thục để hoàn thiện Luật

Thường trực Ủy ban cho rằng, hệ thống giáo dục quốc dân là thống nhất. Do vậy, dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục;

Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước đối với giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

Để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn cụ thể, dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ;

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ (điều 102).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Thường trực Ủy ban đã phối hợp với Ban soạn thảo rà soát điều chỉnh ở các điều khoản cụ thể.

Việc phân cấp, phân quyền được thực hiện trên nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục;

Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan tâm đến trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và chú ý đến trách nhiệm chính quyền địa phương để Chính phủ chủ động trong điều hành.

Những người không góp xu nào có được tham gia điều hành trường tư thục?

Có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để thống nhất với quy định của Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban đã chỉnh lý theo hướng giải thích khái niệm “kiểm định chất lượng giáo dục” (điều 5); Bổ sung quy định về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục;

Bổ sung quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam và thẩm quyền của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, việc cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

Quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp;

Quy định điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam;

Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (các điều 108, 109,110).

AN NGUYÊN