Quy định hội đồng trường tại Khoản 3, Điều 56, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019 đang gây ra nhiều băn khoăn lo lắng cho các trường tư thục.
Phát biểu tại Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ngày 8/5, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng các trường Lômônôxôp (Hà Nội) cho rằng:
“Việc có nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường tham gia vào hội đồng trường thực sự là không cần thiết, nó cồng kềnh và làm giảm sức năng động, sắc bén và quyết liệt của đơn vị chỉ đạo”.
Lý giải về điều này, thầy giáo Nguyễn Phú Cường cho rằng, thực tiễn trong quá trình quản lí trường phổ thông tư thục đã thấy, các quy định về giáo dục tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành đang đi vào đời sống thiết thực của mỗi trường.
Chính những quy định này đã tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững và là Bộ chỉ huy sắc bén giúp trường tư xây dựng uy tín trong lòng dân và giúp các cơ quan quản lí giáo dục yên tâm.
Theo thầy giáo Nguyễn Phú Cường, quy định hội đồng trường như trong dự thảo Luật Giáo dục là cồng kềnh và làm giảm sức năng động, sắc bén và quyết liệt của đơn vị chỉ đạo (ảnh Trinh Phúc). |
Cụ thể, Điều 53, Luật Giáo dục 2005 quy định rất rõ:
Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường...
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Thông tư này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, là cơ sở để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.
"Nếu không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long" |
Thầy Cường cho rằng, với quy định hiện hành, để tồn tại và phát triển, để xây dựng được thương hiệu, trường tư thục có cách làm sáng tạo luôn phát huy được sức mạnh của nhiều lực lượng tham gia giáo dục:
Thực hiện 3 công khai khi tuyển sinh (theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo), luôn tạo điều kiện để cha mẹ học sinh và học sinh cùng nhà trường tham gia và kiểm tra các dịch vụ như nấu ăn trưa (vệ sinh an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn…), xe ô tô đưa đón…;
Phổ biến chính sách trong họp cha mẹ học sinh, hàng tuần họp giao ban với các cán bộ chủ chốt để theo dõi, giám sát, tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện các kế hoạch năm học…
Trường tư thục luôn được các cơ quan quản lí giám sát, kiểm tra, đánh giá (định kì, đột xuất) các mặt hoạt động giáo dục nên không phải lo hoạt động của hoạt động trường có chệch hướng hay không đúng các chính sách pháp luật qui định!
Dẫn ra những điều trên để thấy rằng hầu hết các trường tư thục hiện nay đều hoạt động tốt theo qui định của Luật Giáo dục 2005 và Thông tư 13/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cho nên, nếu có thay đổi để cho Hội đồng quản trị trường tư thục thành Hội đồng trường, ngoài đại diện các nhà đầu tư có vốn góp và còn có nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường thực sự là không cần thiết.
Thầy Cường cho rằng, nó cồng kềnh và làm giảm sức năng động, sắc bén và quyết liệt của đơn vị chỉ đạo.
Đại biểu Ngô Thị Minh mong nhận ý kiến từ các trường tư thục để hoàn thiện Luật |
Trên cơ sở đó thầy Chủ tịch Hội đồng quản trị các trường Lômônôxôp ở Mỹ Đình kiến nghị:
“Quốc hội giữ nguyên Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay thế cho Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đồng thời bổ sung vào Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành một số nội dung sau cho phù hợp hơn với thực tiễn, thúc đẩy các trường tư thục phát triển lành mạnh:
“Trường có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Hội đồng quản trị do Đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Đối tượng tham gia Hội đồng quản trị là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Trường phổ thông tư thục do 1 cá nhân hoặc tổ chức (sau đây gọi chung là Nhà đầu tư) đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng và kinh phí hoạt động của trường thì không có Hội đồng quản trị.
Nhà đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn như Hội đồng quản trị...”.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (12/4/2019), Khoản 3 của Điều 56 ghi: “Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường bao gồm: a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; b) Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường; Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu; Thành viên ngoài trường là đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu. c) Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường”. |