25 năm đứng trên bục giảng cấp 3, cô Hà Thị Thanh Nho – giáo viên môn Giáo dục Công dân trường Trung học phổ thông Yên Lập (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) không những có trong tay bí kíp để giúp học sinh học tập, làm bài thi đạt kết quả tốt nhất môn học, cô còn có rất nhiều kinh nghiệm hóa giải các vụ ẩu đả của học trò từ khi nó nhen nhóm.
Cô giáo Hà Thị Thanh Nho. Ảnh: Đỗ Thơm |
Cô Thanh Nho bắt đầu câu chuyện với phóng viên bằng thực tế trong thời buổi điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, gia đình nào cũng gắng sắm cho con điện thoại di động để liên lạc.
Các em rất dễ để sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng kèm với đó, nhiều vấn đề hệ lụy mà phụ huynh không lường hết được.
Là người dạy Giáo dục công dân, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, cô ý thức được rằng phải làm sao truyền tải thông điệp, kiến thức pháp lý về bạo lực học đường vào bài giảng đơn giản, dễ hiểu để học trò “thấm” nhanh.
“Trong chương trình có bài học về danh dự nhân phẩm. Tôi luôn nói với học trò là các em không được xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác như nói xấu, loan truyền tin…Tôi nhắn nhủ với các em phải hết sức tỉnh táo khi sử dụng, tham gia mạng xã hội.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Khi có một nguồn tin được chia sẻ thì chỉ ít phút là cả xã hội đều biết.
Vì vậy các em sử dụng mạng xã hội phải biết chắt lọc, phải đọc kỹ thông tin trên mạng đối chiếu để biết thông tin nào là thông tin chính xác, tin nào là câu view, câu like bằng tin giả. Sử dụng mạng xã hội đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích.
Tôi luôn khuyến khích học trò của mình chia sẻ những câu chuyện tích cực để lan tỏa năng lượng sống tốt cho bạn bè xung quanh, các kiến thức, phương pháp học tập hay, hiệu quả thiết thực với chính các em”, cô Nho nhấn mạnh.
Trong 25 gắn bó với các em học sinh, cô cũng nhiều lần trở thành người thương thuyết để giải tỏa hiểu lầm giữa các em, là người tư vấn tâm lý…để hiểu, phân tích đúng sai cho học sinh của mình.
“Tuổi học trò có những đặc tính riêng. Các em ở lứa tuổi muốn khẳng định bản thân, có cái tôi rất lớn.
Vì thế, có những va chạm, mâu thuẫn nhỏ giữa các em nếu không được gia đình, thầy cô biết, thấu hiểu, phân tích, lắng nghe kịp thời để chia sẻ sẽ là mầm mống của bạo lực học đường.
Là giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, không thầy cô nào muốn học trò của mình vướng vào các vụ đánh nhau cả”, cô Nho tâm sự.
Chính vì thế, trong 25 qua, cô Nho đã rất nhiều lần can thiệp kịp thời để ngăn học sinh tham gia ẩu đả.
Cô kể, cách đây khoảng 6 năm, cô chủ nhiệm một lớp có em học sinh cá biệt, số phận rất éo le.
“Bố mẹ em bỏ nhau. Mẹ em có dính líu tới đường dây buôn người và phải vào tù. Em ở với bà. Em này có cá tính mạnh nhưng tôi lại rất thương vì hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Chống bạo lực học đường tốt nhất là ngăn ngừa |
Em có rủ một nhóm với ý định trả thù một bạn ở nhóm khác vì xúc phạm đến hoàn cảnh của em đó.
Mâu thuẫn bắt nguồn từ chuyện vay mượn tiền của nhau rồi nói là “mẹ mày vào tù thì làm gì có tiền để trả””, cô Nho kể lại.
Ngay khi được một số em chia sẻ vụ việc, cô đã gặp trực tiếp em đó để nói chuyện.
“Tôi nói với em, là bạn nào đòi tiền của em, nếu em không có, cô sẽ cho để em trả. Nhưng em đó tự trọng rất cao và không nhận số tiền đó.
Tôi nói với em, mẹ em đang ở trại giam, bà chỉ biết trông vào em. Nếu em đánh nhau, em sẽ bị xử lý, cô giáo chủ nhiệm và nhà trường cũng bị ảnh hưởng. Phân tích như vậy nhưng nam học sinh này rất hung hăng, tôi phải gặp 3 lần nói chuyện mới thuyết phục được.
Dù là học sinh cá biệt nhưng bạn này lại được các bạn trong lớp rất quý vì tính thẳng thắn, nói là làm, tình cảm. Vì thế, tôi biết là mình chịu khó lắng nghe, kiên nhẫn phân tích đúng sai, em sẽ hiểu”, cô Nho kể.
Không chỉ trường hợp trên cô Nho cũng từng chủ nhiệm lớp có một nam sinh bị trường khác từ chối không giảng dạy. Bà của em đến xin nhà trường nhận cháu.
“Bố mẹ em này cũng bỏ nhau. Em sống với mẹ. Năm đó vào dịp Tết, em mâu thuẫn với mẹ bỏ nhà ra chợ ngủ lang thang.
Hai vợ chồng tôi đã đi tìm và đưa em về nhà mình để nói chuyện, động viên, phân tích đúng sai. Suốt thời gian làm chủ nhiệm khóa em đó học, nhiều lần tôi phải đi theo em về tận nhà để em không tham gia các vụ đánh nhau. May mắn, em cũng nhận ra đúng sai cố gắng hoàn thành xong cấp 3.
Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, tôi nghiệm ra rằng chỉ có sự quan tâm, thấu hiểu hoàn cảnh, gần gũi chia sẻ với các em, giáo viên mới biết để ngăn được các vụ bạo lực học đường.
Đặc biệt, đối với học sinh cá biệt, quát mắng các em chỉ làm phản tác dụng. Giáo viên phải tác động đến tâm lý của các em, kiên nhẫn lắng nghe, yêu thương các em thật lòng mới cảm hóa được học trò”, cô Nho chiêm nghiệm.
Học sinh trường Trung học phổ thông Yên Lập thường được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích để có được năng lượng sống tích cực. Ảnh: Đỗ Thơm |
Cô Nho tâm sự, những học sinh cá biệt đó lại rất tình cảm, nhớ đến thầy cô và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến giáo viên chủ nhiệm dù các em ra trường đã nhiều năm.
Cô Nho chia sẻ thêm, em học sinh từng bỏ nhà đi ngủ lang thang ngoài chợ, khi tốt nghiệp cấp 3 đã theo học trường dòng ở miền Nam.
Dịp 20/11 năm trước, em còn mang hoa từ Đà Lạt về để chúc mừng cô giáo. Đó thực sự là một niềm vui, sự động viên vô cùng lớn để giáo viên chủ nhiệm có thêm động lực làm tốt trọng trách không đơn giản này.