25 năm gắn bó môn Giáo dục Công dân và bí quyết có điểm thi tốt của cô Thanh Nho

29/04/2019 06:08
Đỗ Thơm
(GDVN) - Không lười nhác lấy sẵn các đề thi trên mạng, cô Hà Thị Thanh Nho luôn tìm tòi, đưa các tình huống pháp lý vào bài giảng, đề thi thử.

25 đứng trên bục giảng, cô Hà Thị Thanh Nho – giáo viên môn Giáo dục Công dân trường Trung học phổ thông Yên Lập (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) được thầy Hà Thành Hưng - Hiệu trưởng nhà trường dành nhiều sự tin yên, trân trọng khi giới thiệu với phóng viên trong chuyến công tác tại trường.

Cô Thanh Nho là người giúp kết quả điểm thi môn Giáo dục Công dân của trường đứng đầu tỉnh trong năm đầu đưa môn này vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Năm thứ hai cũng vậy.

Chia sẻ với phóng viên, cô Hà Thị Thanh Nho tâm sự, việc gắn bó với môn học này với cô như một định mệnh.

Cô Hà Thị Thanh Nho đã có 25 năm gắn bó với bộ môn Giáo dục Công dân. Ảnh: Đỗ Thơm
Cô Hà Thị Thanh Nho đã có 25 năm gắn bó với bộ môn Giáo dục Công dân. Ảnh: Đỗ Thơm

“Bố tôi là một giáo viên dạy văn, ông đã truyền ngọn lửa đam mê văn học cho tôi. Năm tôi thi vào đại học Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tôi đăng ký khoa Văn nhưng không hiểu sao lại bị chuyển vào khoa Giáo dục Công dân.

Thực sự, tôi đã khóc và buồn cả nửa năm đầu đại học. Lúc đó, chính bố tôi và các thầy giáo ở trường đã động viên là dù học môn nào cũng phải tự tạo cho mình một niềm đam mê thì sẽ học tốt.

Nửa học kỳ đầu, bố tôi luôn gửi thư động viên con gái khi lỡ được vào khoa Giáo dục Công dân”, cô Nho kể lại.

Đến giờ, dù sau mấy chục năm, cô vẫn giữ những lá thư của bố như một động lực để tiếp tục yêu và theo dạy bộ môn này.

Khi ra trường, bố cô xin cho con về đúng ngôi trường ở vùng quê Yên Lập. Bố cô vẫn nói, dù con không được học, không được trở thành giáo viên dạy văn nhưng tất cả kiến thức văn học, lịch sử đều rất bổ ích cho môn này.

Cô tâm sự thật, có nhiều người nghĩ môn Giáo dục Công dân là môn phụ. Dưới ánh mắt của các bậc phụ huynh, học sinh, thậm chí cả một số đồng nghiệp cũng có tâm lý coi môn này là môn phụ.

Nhưng bản thân cô nghĩ, mỗi môn học có một vị trí, sứ mệnh, giá trị riêng trong nhà trường.

Vì thế, 25 năm qua, cô Nho luôn miệt mài soạn giáo án, lên lớp bằng tất cả đam mê, trách nhiệm cao nhất của một giáo viên, một người mẹ.

Ngoài các kiến thức học trường đại học, cô thường đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu để đưa thực tiễn cuộc sống vào bài giảng một cách hợp lý nhất.

“Quan điểm của tôi là không truyền thụ kiến thức một cách đơn thuần theo lối mòn cô dạy trò chép. Tôi cố gắng kết hợp phương pháp kể chuyện, đàm thoại, nêu tấm gương người tốt việc tốt. Nêu các tình huống thực tế để các em học bài hiệu quả hơn.

Trước đây một số năm, môn Giáo dục Công dân không phải là một môn thi tốt nghiệp nhưng bản thân tôi không bao giờ nghĩ đây là môn phụ.

Bởi vì đây là một môn khoa học trong nhà trường đặc biệt đây là môn có vai trò giáo dục đạo đức cho các em", cô Nho nhấn mạnh.

Việc dạy nó không chỉ bằng lý thuyết đơn thuần mà bằng chính cuộc sống, các câu chuyện thực tế trong đời sống hàng ngày. Và chính bản thân thầy cô phải là tấm gương.

Cô Nho luôn nói với học sinh, cô lao động, giảng dạy nghiêm túc bằng cách cô soạn bài nghiêm túc, giảng dạy nghiêm túc vì thế cũng rất mong các em học bài nghiêm túc.

Học sinh trường Trung học phổ thông Yên Lập trong một giờ hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đỗ Thơm
Học sinh trường Trung học phổ thông Yên Lập trong một giờ hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đỗ Thơm

Cụ thể, khi dạy bài, làm đề thi thử, cô Nho thường tự mình làm các câu hỏi trắc nghiệm theo cấu trúc đề thi quốc gia.

"Tôi không cóp nhặt các đề trên mạng vì như thế là chính bản thân mình làm cho mình lười nhác.

Bạn biết không năm đầu tiên môn này thi, tôi đã rất lo. Chính vì thế, bất cứ khi nào có thời gian, tôi lại cố gắng dạy, luyện đề cho các em. Cô trò cứ cặm cụi cho đến 5-6h chiều mới về", cô Nho chia sẻ.

Kinh nghiệm để giúp học sinh làm bài tốt môn Giáo dục Công dân của cô Nho là cô hướng dẫn các em học theo các từ khóa.

Cô nhận định: "Đây là môn liên quan đến pháp luật nên nó gần gũi với đời sống.

Thứ hai, tôi thường theo dõi và đưa các tình huống trong đời sống vào bài giảng.

Thứ ba là tôi hướng dẫn các em làm đề cương. Môn Giáo dục công dân nếu để viết, làm bài tự luận các em sẽ khó được điểm cao nhưng nếu làm trắc nghiệm thì thông qua các từ khóa, các em hiểu bản chất các từ khóa các em sẽ làm tốt.

Các em có thể nhận ra câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thông qua việc đưa các tình huống thực tế vào bài giảng".

Cô nêu ví dụ, thời gian qua, dư luận rất bức xúc về hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của công dân, đặc biệt là trẻ em. Đó là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ hai là hiện tượng Ngô Bá Khá (Khá Bảnh). Đa số mọi người trong xã hội lên án nhưng có một nhóm thanh niên lại thần tượng Khá Bảnh. Đó là sự lệch lạc về tư tưởng lối sống.

25 năm gắn bó môn Giáo dục Công dân và bí quyết có điểm thi tốt của cô Thanh Nho ảnh 3Cùng là giáo viên sao lại phân biệt người chính, người phụ?

"Tôi vẫn nói, các em phải rất chú ý đến những câu chuyện đó. Đó là các tình huống pháp luật có thể được đưa vào đề thi.

Quan trọng nhất là tôi phân loại học sinh. Những học sinh khá giỏi, giáo viên dành thời gian ít hơn, còn học sinh yếu kém thì hết giờ cuối ngày tôi lại dành 30-40 phút để phụ đạo cho các em.

Tôi liên tục yêu cầu tất cả các em phải làm việc bằng cách đặt nhiều câu hỏi. Trong giờ dạy của tôi, không có em nào được chơi cả đâu", cô Nho vui vẻ tâm sự.

Đỗ Thơm