Ngày 6/5/2019, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cùng với các thành viên của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1.
Cùng dự còn có ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố, người vừa được chuyển về tham gia vào tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 của thành phố (quận 1,3,4).
Phát biểu tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri quận 1 đã rất quan tâm tới nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, tính chất và mức độ của các vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 1 (ảnh: SGGP) |
Cử tri Nguyễn Hồng Uyên Phương (phường Cầu Ông Lãnh) nói rằng, các vụ việc bạo lực học đường như trong thời gian vừa qua là xử lý quá nhẹ, nặng nhất chỉ là đuổi học 1 năm, nên hoàn toàn không sức răn đe.
Theo bà Uyên Phương, bạo lực học đường ngày càng manh động, thậm chí là tàn nhẫn đối với cả chính bạn học cùng với mình, nên bà muốn biết ngành giáo dục đã có giải pháp gì để ngăn chặn bạo lực học đường?
Được ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, bạo lực học đường đúng là ngày càng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố.
Những vụ việc nhiều học sinh đánh một em diễn ra ngày càng phổ biển, nhiều hơn.
Để phòng chống bạo lực học đường, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Tốt nhất là tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và gia đình. Đoàn, Đội trong nhà trường cần thường xuyên tổ chức những hoạt động sinh hoạt tập thể, tạo sự gắn kết và môi trường thân thiện giữa các em học sinh với nhau.
Phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cần phải có sự gắn kết chặt chẽ, nắm bắt diễn biến tâm lý của các cháu, để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra. Chứ nếu đã xảy ra bạo lực học đường rồi, thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật, trong đó mức xử lý cao nhất là buộc thôi học 1 năm.
Phát biểu về vấn đề này tại buổi tiếp xúc cử tri, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phòng chống bạo lực học đường, thì tốt nhất vẫn là ngăn ngừa, chứ không phải đi giải quyết hậu quả của những vụ việc đã xảy ra.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, bạo lực học đường đã có từ rất lâu rồi. Ngay chính bản thân ông Nhân thời đi học, từ năm 1960 đã từng bị bạn đánh, nhưng khi đó cũng không biết phải làm gì.
Hiện các trò chơi điện tử, game online, phim ảnh bạo lực rất nhiều, thậm chí như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói có trò chơi còn đề cập đến việc giết được nhiều người thì sẽ được tăng điểm, nên chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Phụ huynh cần chú ý, giáo dục con cái bằng tình yêu thương. Trách nhiệm của thầy cô, tổ chức Đoàn, Đội là phải thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, để các em có thể gắn kết với nhau.
“Chúng ta phải quan tâm, có nhiều chương trình dạy các em kỹ năng sống, nhất là phòng chống bạo lực học đường. Vấn đề này liên quan đến văn hóa, tình yêu thương.
Khi chúng ta đối xử với nhau bằng tình yêu thương, thì sẽ đón nhận được sự yêu thương, còn đối xử bằng bạo lực thì sẽ nhận lấy bạo lực” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết luận.