Từ những người muôn năm cũ, nghĩ về phương pháp giáo dục mới

29/05/2019 06:00
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Chúng ta có vẻ như cũng chưa đủ năng lực “tiêu hóa” được tri thức và đạo đức làm người của Nguyễn Hiến Lê vào trong chương trình giáo dục cải cách mới sắp tới?

LTS: Đưa ra những góc nhìn và quan điểm về cải cách giáo dục mới hiện nay, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có nhiều điều trong lịch sử Việt Nam chứng minh, việc xóa bỏ hẳn toàn bộ nền văn hóa hay lịch sử của một chế độ, một thời gian, không giúp chúng ta đi nhanh hơn trong quá trình phát triển xã hội và con người. Giáo dục là một ví dụ điển hình.

Một thời gian khá dài, thế hệ cha mẹ tôi, mỗi người đều được phát và học thuộc những điều “Trước Tác Đỏ”.  

Một thời gian khá dài, thế hệ tôi, học ngoại ngữ mà sau đó không được dùng vào đâu. Một thời gian sau thế hệ tôi, chúng ta tự thừa nhận con cháu chúng ta học nhiều thứ mà chúng không dùng vào đâu cả…cho đến nay. Điều gì đã và vẫn đang xảy ra?

Khi đọc lại Tự học – Một nhu cầu thời đại của Nguyễn Hiến Lê viết năm 1954, với mơ ước rằng chỉ vài năm nữa, đất nước này hết chiến tranh và chúng ta phải nghĩ đến kiến thiết bằng những con người có tri thức, ở mọi tầng lớp nhân dân, tôi nhận ra những gì chúng ta lãng quên trong những trong gì gọi là văn hóa và nền tảng giáo dục “cũ”.   

Nhân bàn về cải cách giáo dục mới trong nhiều lần cải cách từ 1980 đến nay, chỉ xin trình bày một vài nguyên tắc nhỏ mà thời Nguyễn Hiến Lê nêu ra và so sánh với những gì mà OECD, UN-UNESCO và WEF hiện nay cũng đang chia sẻ điều tương tự.

21 kỹ năng thế kỷ 21 yêu cầu từ sinh viên – WEF [1]. (Ảnh: tác giả cung cấp)
21 kỹ năng thế kỷ 21 yêu cầu từ sinh viên – WEF [1]. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Khi nhìn vào những kỹ năng mà chúng ta đang khuyến nghị giáo dục cần đào tạo ra một con người cho thời đại mới trên đây và so với những nguyên lý tự học mà Nguyễn Hiến Lê chia sẻ thời 1954, cụ thể là:

1. Tư tưởng về học là suốt đời

2. Phương pháp giảng dạy: nhớ “nhai lại” khác với dạy “tự suy nghĩ”

3. Giáo dục toàn diện, trong đó có tri thức, đạo đức làm người và thể lực

4. Viết sách giáo khoa: cho ai và ai viết?

5. Đọc sách – một phương pháp tự học rẻ tiền và chiến dịch đọc sách toàn dân

6. Phương pháp đọc, nhận xét và phân tích

7. Cân bằng giữa nhìn, nhận xét sự việc và học bằng trái tim

8. Khoa học là sự thật phải được chứng minh: phải học nghi ngờ

9. Lý tưởng học tập cho lớp thanh thiếu niên Việt Nam: Dân tộc – Khoa học

10. Học ngoại ngữ và so sánh với tiếng Việt

Chúng ta ngạc nhiên về tầm nhìn và đánh giá về giáo dục năng lực con người khi tự học mà Nguyễn Hiến Lê trình bày, dù ông không là nhà giáo.  

Với tư tưởng học là suốt đời làm nền tảng của con người, Nguyễn Hiến Lê đề xuất việc dạy học là dạy “suy nghĩ”, không phải là sự nhai lại kiến thức từ thầy sang trò và trong bất kỳ trường hợp nào, học nghi ngờ, học tư duy phản biện, học từ quan sát, nhận xét và phân tích, tham khảo đa dạng nguồn thông tin, nguồn đọc tham khảo, tất cả không có gì khác so với những gì trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta đề cập đến những năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. 

Những kỹ năng như giao tiếp, hợp tác, chia sẻ, thấu hiểu, làm chủ tri thức bản thân, Nguyễn Hiến Lê xếp nó vào đạo đức làm người, bởi tất cả chúng ta đều phải học làm người trước khi học tri thức.

Từ những người muôn năm cũ, nghĩ về phương pháp giáo dục mới ảnh 2Cải cách giáo dục lấy giáo dục sớm làm nền tảng

Như vậy, thực ra, nếu so sánh kỹ càng giữa thời Nguyễn Hiến Lê và thời đại chúng ta, trừ kỹ năng ICT (tin học thông tin), hầu hết các kỹ năng và năng lực khác của thời đại thế kỷ 21 này không có gì khác quá xa so với thời đại Nguyễn Hiến Lê. 

Vậy có gì đã làm chúng ta đi “chệch” khỏi những gì đã được viết và khởi xướng từ những năm 1954, và do một nhà văn hóa Việt Nam đúc kết?  

Và tại sao, cho đến nay, mặc dù chúng ta có thể tốn 88 triệu đô la đi vay để thực hiện cải cách sách giáo khoa cho chương trình mới, chúng ta có vẻ như cũng chưa đủ năng lực “tiêu hóa” được tri thức và đạo đức làm người của Nguyễn Hiến Lê vào trong chương trình giáo dục cải cách mới sắp tới?

Điều đáng lưu ý là Nguyễn Hiến Lê có những nhận xét rất sâu sắc từ quan sát cá nhân về những điều mâu thuẫn trong giáo dục thời của ông mà cho đến thời đại hiện tại, nhiều nhà khoa học và tổ chức giáo dục quốc tế vẫn đang khuyến khích thực hiện.

Những loại trí tuệ khác nhau cần những phương pháp giáo dục khác nhau

Trong nhiều thời gian hiện đại, cùng với khoa học phát triển về trí tuệ và giáo dục, học sinh/con người được phát hiện ra chúng ta khác nhau do bởi những năng lực trí tuệ, năng lực thông minh của chúng ta khác nhau, theo đó, những phương pháp giáo dục ứng dụng trong giảng dạy và giáo dục cũng nên tìm những phương thức ứng dụng phù hợp.

Gardner và các loại trí tuệ khác nhau là một người thầy nổi tiếng nghiên cứu về những loại trí tuệ khác nhau [2].

Trong thời gian dài khoảng 30 năm gần đây, những chỉ số IQ (Intelligence  - Chỉ số Trí tuệ) của con người đã từng được dùng để quảng bá về sự thành tựu của cá nhân con người, sau đó thì chuyển sang EQ (Emotional Intelligence – Trí tuệ Cảm Xúc) và bây giờ thì họ chia sẻ, CQ (Cultural Intelligence – Trí tuệ Văn Hóa) mới là điều cơ bản để thành tựu trong thời đại đa văn hóa và đa ngôn ngữ [3].

Trong cuốn sách Tự học của Nguyễn Hiến Lê và nhiều cuốn khác của ông, triết lý của Nguyễn Hiến Lê, con người là một tổng thể hài hòa với tất cả, miễn bạn có một trí tuệ bình thường, nhưng với lòng ham học, ham đọc và sự kiên nhẫn, bạn có thể học được mọi điều, mọi vấn đề bạn muốn học, dù đó là học chính thức (có người hướng dẫn) hoặc tự học (nhưng có phương pháp đúng).

Với thực tiễn của những lớp học ở Việt Nam, sĩ số học sinh đông, đa dạng về tri thức, năng lực và điều kiện cơ sở vật chất, việc tìm kiếm những loại hình trí tuệ khác nhau để tìm ra phương thức giảng dạy phù hợp với từng cá nhân là một thách thức. 

Nhưng thách thức này sẽ tìm được cách “hóa giải” nếu giáo viên và hệ thống phương pháp giảng dạy mới có thể tìm được cách khơi dạy niềm vui học và tự học của học sinh, sinh viên, bởi tri thức nhân loại hiện giờ là quá lớn và không thể nhồi được nữa, thì việc tự học có hướng dẫn và đúng phương pháp là một trong những giải pháp duy nhất hữu hiệu cho số đông.

Từ những người muôn năm cũ, nghĩ về phương pháp giáo dục mới ảnh 3Về hệ thống giáo dục mở

Câu chuyện này đã được bàn đến ở lớp học Global Leadership ở Harvard vào tháng 2/2019, khi tôi tham dự vào chương trình CQ dành cho đào tạo lãnh đạo toàn cầu dành cho sinh viên Harvard/Boston. 

Tôi có nêu quan điểm của mình, Việt Nam là đất nước tin vào tất cả năng lực cá nhân con người, chúng tôi tin vào “Nhân Tuệ” (Human-ethical Intelligence), mà nếu xét dưới góc độ học thuyết của Phật giáo [4], đó gọi là “Trí Tuệ Từ Bi, Nhân từ”.

Nếu xét dưới góc độ dân tộc học, đó là trí tuệ con người phát triển dựa trên nhận thức đạo đức làm người, vì con người, chúng ta sẽ tìm ra con đường sáng tạo và điền đầy tri thức chúng ta cần vào mỗi thời đại.  

Có lẽ, đấy là một loại trí tuệ mới chăng? Tôi không tin, bởi chúng ta, dân tộc Việt và hàng nghìn năm đã chứng minh, chỉ có đạo đức và nhân bản trong con người mới có thể giúp chúng ta trường tồn và điều này đã được Nguyễn Hiến Lê chia sẻ cùng, từ những năm 1950 của lịch sử.

Giả thuyết và thành kiến trong giảng dạy và giáo dục

Trong một ví dụ Nguyễn Hiến Lê nêu ra trong cuốn Tự học, ông có phản bác về lập luận “Người ta bảo môn toán dạy ta lý luận; Người ta bảo muốn học luật, cần có óc suy lý” [5], bởi theo quan điểm của ông, nếu chỉ nhìn đến danh sách các vĩ nhân, các nhà danh nhân thế giới và những thành tựu của họ cùng với nguồn gốc gia đình, nhân thân và quá trình học vấn của họ, há điều nhận định trên đây về môn toán dạy lý luận, luật dạy ta óc suy lý, có lẽ không có cơ sở khoa học vững nữa.

Khi ngẫm nghĩ về điều này, cùng với thực tế của một người đã từng là học sinh chuyên toán, ngoại ngữ và văn nhiều năm ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên với một số lý luận “mới” trong cải cách chương trình giáo dục mới ở Việt Nam, bao gồm cả việc thử nghiệm rộng ngay tức thì việc tổ chức thi trắc nghiệm cho toàn học sinh phổ thông.

Trong năm 2017, để củng cố lý luận khoa học cho việc phân chia giáo dục con người cần tập trung vào 3 khối cơ bản: kỹ năng – năng lực – kiến thức, nhiều giáo sư và nhà nghiên cứu của Việt Nam [6], theo hướng dẫn của những tổ chức quốc tế, chúng ta cố gắng đi đến rất chi tiết những kỹ năng đó trong phân loại chương trình, chúng ta tranh luận về kỹ năng này thuộc về môn gì, kiến thức gì…mà quên đi tổng thể, giáo dục con người là một giáo dục toàn diện và hài hòa, trong đó, như Nguyễn Hiến Lê chia sẻ, đọc/học nhiều điều “vô ích” lúc này lại là hữu ích cho con người suốt đời.

Điều này thực sự đáng lưu tâm về định hướng, để giáo dục “lệnh” của Việt Nam, sau thời gian quá dài, chúng ta tập trung học để thi, coi những môn như lịch sử, địa lý, thể dục, đạo đức và lên nữa, những môn cơ bản trong thời đại học, chỉ là những môn phụ, bởi giờ này, tất cả đều cần học STEM! 

Nói vậy không để phủ nhận vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật trong đời sống học tập và xã hội, nhưng vì chúng ta là con người, những điều làm cho con người và tâm hồn, đạo đức con người đẹp đẽ lên, nó không chỉ nằm trong các môn khoa học, cũng không chỉ để thi cử hoặc nhằm đạt những lợi ích vật chất trong một đời sống làm người.  

Riêng với thi trắc nghiệm (multiple-choice testing) và kỳ thi chuẩn hóa (standardized test), sau khi Việt Nam “nhập” về để phổ biến rộng rãi, ngay ở nước gốc của thi trắc nghiệm và chuẩn hóa, chúng ta mới biết hệ thống giáo dục Mỹ và nhiều quốc gia phản đối, và coi đó là một trong phương pháp đánh giá việc học của học sinh không phù hợp [7], chỉ là họ chưa tìm ra phương pháp đánh giá nào tốt hơn để thay thế.

Phương pháp dạy/học ngoại ngữ: hãy học cách so sánh với tiếng Việt

Trong một thời gian dài hơn 30 năm cải cách giáo dục, ngoại ngữ là một ưu tiên rất sớm của giáo dục Việt Nam với học sinh. 

Từ những người muôn năm cũ, nghĩ về phương pháp giáo dục mới ảnh 4Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, ngân sách và có lẽ do nhiều lý do khoa học khác, hầu hết các đề án cải cách dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục công đều thất bại.

Theo tôi hiểu, nếu ai đọc kỹ những gì Nguyễn Hiến Lê viết cho giáo dục, viết cho tự học dành cho người Việt và so sánh với phương pháp giảng dạy cả tiếng Việt và ngoại ngữ của chúng ta, có lẽ nó lý giải được phần nào tại sao chúng ta thất bại, không chỉ trong ngoại ngữ, mà ngay trong ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt.

Tất cả trong giáo dục ngôn ngữ, đó là làm cho nó hấp dẫn và sống động và tùy vào độ tuổi, năng lực cảm thụ ngôn ngữ qua văn hóa, qua cảm thụ cuộc sống, để dùng nó như một công cụ hướng con trẻ và người học tìm đến giá trị của ngôn ngữ, chúng ta chỉ muốn hướng dẫn học sinh cách “nhai” ngôn ngữ [5].

Nếu nói đến những điều tôi đọc và học từ Nguyễn Hiến Lê, có lẽ còn nhiều để viết. Nhưng chỉ xin các nhà cải cách giáo dục ở Việt Nam, hãy nghiên cứu kỹ, không chỉ những gì là cập nhật của thời đại, mà những giá trị đúc kết bao đời từ những con người như Nguyễn Hiến Lê, bởi nếu chúng ta quên đi gốc văn hóa và đặc trưng tính chất người học, chúng ta có lẽ vẫn tiếp tục thất bại trong mọi cải cách. 

Điều này cũng được chính OECD đề xuất trong những báo cáo gần đây của họ trong việc xây dựng hệ thống giáo dục dựa trên đặc trưng tính cách người học [8].

Nhìn lại 45 năm đi học làm người của mình, những gì tôi học ở trường chỉ là phần rất nhỏ, nhưng rất quan trọng, bởi nó là những phương pháp đầu tiên giúp cho tôi hiểu được, đâu là cách để tự học đúng và học để làm gì.

Câu hỏi, học thế nào hay học để làm gì, có lẽ sẽ giúp cho cải cách giáo dục Việt Nam nên tư duy kỹ, trước khi quyết định đường hướng cải cách tiếp theo đây.

Tri thức mênh mông, cuối cùng, cũng chỉ là một khối hệ nền điều hành “cứng”, nó cần những “phần mềm” để giúp con người trong mọi hoàn cảnh biết lựa chọn đúng con đường, lựa chọn làm người chân chính.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/tieng-goi-tu-davos-sinh-vien-khong-the-thieu-16-dieu-nay.html

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Theory_of_multiple_intelligences

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Intelligence_quotient; https://en.wikipedia.org/wiki/Emotional_intelligence; https://en.wikipedia.org/wiki/Cultural_intelligence

[4] https://phatgiao.org.vn/tri-tue-trong-dao-phat-d32504.html; https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam

[5] https://sachvui.com/ebook/tu-hoc-mot-nhu-cau-thoi-dai-nguyen-hien-le.1408.html

[6] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/8-pham-chat-chinh-va-8-nang-luc-cot-loi-cua-hoc-sinh-pho-thong-post174143.gd; https://vnexpress.net/giao-duc/gs-nguyen-lan-dung-chuong-trinh-pho-thong-khong-the-dung-ngoai-cach-mang-4-0-3579586.html; https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/neu-thi-diem-song-bang-khong-thanh-cong-phu-huynh-tu-chiu-trach-nhiem-20180803074535016.htm;  https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-hoc-pho-thong-hay-thay-doi-toan-dien-post173802.gd

[7] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/nguyen-tac-cua-moi-nguyen-tac-trong-phuong-phap-day-va-hoc-la-gi.html (SAT trong kỳ thi tuyển đại học); http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/sat-act-ky-thi-chuan-hoa-my-va-viec-xet-tuyen-sinh-dai-hoc-o-viet-nam.html; http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/vay-77-trieu-do-la-my-cho-doi-moi-giao-duc-pho-thong-va-quyen-duoc-thong-tin.html

[8] https://www.insidehighered.com/news/2013/08/01/incoming-student-characteristics-determine-graduation-rates-studies-find; https://www.oecd-ilibrary.org/education/pisa-2015-results-volume-ii/index-of-student-behaviour-hindering-learning-school-characteristics-and-science-performance_9789264267510-graph27-en; https://www.oecd-ilibrary.org/education/pisa-2015-results-volume-ii/number-of-students-per-school-school-characteristics-and-science-performance_9789264267510-graph79-en;

Nguyễn Thị Lan Hương