LTS: Nhấn mạnh vai trò của việc giáo dục sớm, Tiến sĩ Lê Quốc Chơn cho rằng việc cải cách giáo dục cần đầu tư vào việc phát triển của trẻ những năm tháng đầu đời.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ông cha ta có câu: “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, đúc kết kinh nghiệm về dạy dỗ con cháu.
Thật vậy, những nghiên cứu về giáo dục, tâm lý học, thần kinh học và nhận thức học hiện nay cho thấy sự phát triển của những năm tháng đầu đời là nền tảng quyết định đến sự trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống về sau của con người.
Trẻ lớn lên chịu ảnh hưởng trộn lẫn của hai yếu tố: di truyền và môi trường sống. Hai yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng nhận thức (cognitive), khả năng điều khiển cơ bắp (motor control ability), sự phát triển kỹ năng xã hội và tình cảm (socioemotional development), sức khỏe thể lực (physical health) và tinh thần (mental health) của trẻ.
Cải cách giáo dục cần lấy giáo dục sớm làm nền tảng. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại |
Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa tác động đến yếu tố di truyền để phục vụ cho giáo dục và đào tạo. Nhưng yếu tố môi trường là cốt lõi, vì sự ảnh hưởng của nó rất lớn đến sự phát triển của trẻ em và sự thành đạt về sau (life outcomes) khi trưởng thành.
Những năm tháng đầu này quyết định đến cấu trúc, và sự hoạt động hiệu quả của não, và do đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Não phát triển một cách tuần tự qua các quá trình: sản sinh ra tế bào thần kinh (neurogenesis) và phân chia nhân bản (neuronal proliferation), sự di chuyển của tế bào thần kinh đến vị trí phù hợp (migration) và sự kết tụ (aggregation).
Tiếp đến là sự phát triển thân tế bào (axonal growth) và tạo các kết nối thần kinh (synaptogenesis) và gia cố đường truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh qua hiện tượng làm giàu lớp bọc thân axon (hiện tượng myelination).
Các quá trình này diễn ra nhanh ở những năm đầu đời (6 năm đầu) và chịu tác động lớn từ môi trường sống mà trẻ tương tác. Não sẽ đạt đến trạng thái trưởng thành thật sự ở lứa tuổi 25 và lúc đó não có khoảng 84 tỉ tế bào thần kinh.
Mạng lưới các kết nối (synapse) tế bào thần kinh thay đổi tùy thuộc vào môi trường sống của trẻ.
Môi trường có tính kích thích sự phát triển tốt sẽ làm cho hệ thống não bộ hình thành mạng lưới các kết nối chằng chịt hơn, có tổ chức hơn và bền hơn.
Nghiên cứu cho thấy môi trường có tính kích thích giáo dục tốt, đặt biệt ở lứa tuổi 4 tuổi có tác động lớn đến sự trưởng thành ở tuổi thanh niên (18-20 tuổi).
Cùng với sự phát triển mạng lưới liên hệ giữa các tế bào thần kinh là quá trình loại bỏ các kết nối không cần thiết (synaptic pruning) tùy thuộc vào quá trình tương tác với môi trường sống của trẻ.
Thông thường số lượng kết nối thần kinh ở lứa tuổi dậy thì bằng ½ số lượng kết nối ở 10 đến 12 tuổi.
Cùng với đó là hiện tượng củng cố các kết nối giữa tế bào thần kinh quan trọng (gọi là mylenization).
Kết nối nào quan trọng, được giữ lại và củng cố phụ thuộc vào môi trường sống. Do đó, việc tạo ra một môi trường lành mạnh, đa dạng là cần thiết cho trẻ phát triển.
Hiện tượng thích nghi của não khi tương tác với môi trường – khoa học gọi là neuroplasticity – ở trẻ em diễn ra dễ dàng hơn, nhanh hơn so với người lớn do đó trẻ em học mọi thứ dễ dàng so với người lớn.
Như trẻ em sinh ra và lớn lên ở đâu sẽ nói ngôn ngữ đó. Khoa học cũng cho thấy trẻ em có năng lực tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên một cách dễ dàng từ 0 đến 6 tuổi, và giảm dần cho đến 12 tuổi.
Sau 12 thì khả năng này giảm hẳn một cách nhanh chóng. Nghiên cứu về học ngôn ngữ cho thấy chất giọng của trẻ em được quyết định bởi giai đoạn 10 năm đầu đời.
Đó cũng là lí do vì sao những ai học ngoại ngữ ở lứa tuổi lớn sẽ không thể đạt được giọng nói “chuẩn” của người bản ngữ.
Do đó, trẻ cần môi trường tốt để kích thích sự phát triển. Các yếu tố môi trường quyết định đến sự phát triển của trẻ cần được chú tâm là dinh dưỡng, ngôn ngữ, tương tác với người khác (trẻ em và người lớn), được chăm sóc tốt (an toàn, vui vẻ), được yêu thương che chở và hỗ trợ khi cần ở nhà và ở trung tâm chăm sóc.
Trẻ cần được tiếp xúc với các cơ sở giáo dục sớm tốt có chương trình dạy tiên tiến, đa dạng, có cách dạy phù hợp.
Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển của bé một cách tổng thể: sức khỏe thể lực (physical health), khả năng tư duy (cognitive ability), khả năng điều khiển cơ thể (motor development), thành tựu học tập, hành vi xã hội và tình cảm (social and emotional behavior) về sau.
Xã hội đầu tư tốt cho chương trình giáo dục sớm, chính là đầu tư vào tiềm năng con người. Các nghiên cứu phân tích chi phí và lợi ích cho đầu tư này ở Mỹ (chương trình Head Start, High/Scope Perry Preschool, Abecedarian) có lợi lâu dài cả về mặt kinh tế, xã hội và nhân văn.
Đầu tư cho giáo dục sớm vừa tiết kiệm cho xã hội các chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí liên quan đến tội phạm, giảm chi phí phúc lợi xã hội (trợ cấp thất nghiệp, nghèo).
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ trẻ em tham gia vào lực lượng lao động của xã hội. Đặc biệt, sự đầu tư này giúp cho trẻ em có điều kiện phát triển hết khả năng có thể.
Vì vậy, nền tảng của giáo dục là ở trẻ em. Khi thực hiện cải cách giáo dục cũng phải lấy giáo dục sớm làm điểm bắt đầu.
Tài liệu tham khảo thêm:
Greg J. Duncan, Katherine Magnuson. Investing in Preschool Programs. J Econ Perspect. 2013; 27(2): 109–132.
Adrienne L. Tierney and Charles A. Nelson, III. Brain Development and the Role of Experience in the Early Years. Zero Three. 2009 Nov 1; 30(2): 9–13.
Rianne Haartsen, Emily JH Jones, Mark Hjohnson. Human brain development over the early years. Current Opinion in Behavioral Sciences. 2016
Nandini Mundkur. Neuroplasticity in Children. Indian Journal of Pediatrics, Volume 72, October, 2005
Min Fu, Yi Zuo. Experience-dependent Structural Plasticity in the Cortex. Trends Neurosci. 2011 April ; 34(4): 177–187.
Gal Chechik, Isaac Meilijson, and Eytan Ruppin. Neuronal Regulation: A Mechanism for Synaptic Pruning During Brain Maturation. Neural Computation 11, 2061–2080(1999).
Childhood stimulation key to brain development, study finds. From https://www.theguardian.com.
GabrielaBento. The importance of outdoor play for young children's healthy development. Porto Biomedical Journal. 2017
Bryan Kolb, and Robbin Gibb. Brain Plasticity and Behaviour in the Developing Brain. J Can Acad Child Adolesc Psychiatry. 2011 Nov; 20(4): 265–276.
Suzana Herculano-Houzel. The Human Brain in Numbers: A Linearly Scaled-up Primate Brain. Front Hum Neurosci. 2009; 3: 31.