Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm

20/05/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục chưa thể nói là đã được chú ý đúng mức dù rằng Hiến pháp quy định Giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Một cô giáo tiểu học ở Hải Phòng đánh bầm tím chân học trò bị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu quận Hồng Bàng kiểm tra lại việc xử lý lỷ luật. Theo ông Tùng:

Trường hợp chưa đủ nghiêm khắc, đề nghị xử lý nghiêm khắc với hình thức cao nhất theo quy định, kể cả hình thức buộc thôi việc đối với cô giáo”.

Không ai đồng tình với hành vi đánh trẻ nhỏ và việc xử lý kỷ luật là tất yếu, tuy nhiên kỷ luật đến mức nào thì không phải do ý muốn chủ quan của ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng mà phải căn cứ vào pháp luật.

Điều 21, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định các hành vi “vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học bị xử lý như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn
Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn

Cuối năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ về “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục” nhằm thay thế Nghị định 138/2013/NĐ-CP, Điều 32 dự thảo mới nói về hành vi“xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học”quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm ảnh 2Giáo dục – Rối rắm thông tư, tù mù xử lý

Ngoài việc bị phạt hành chính, nhà giáo còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi làm thiệt hại về sức khỏe học sinh theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.

Như vậy, ngoài các hình thức phạt tiền, đình chỉ giảng dạy từ 1 đến 6 tháng và buộc xin lỗi, Nghị định cũ và dự thảo Nghị định mới của Chính phủ không quy định hình thức “Buộc thôi việc” đối với nhà giáo có hành vi “xâm phạm thân thể người học”.

Kỷ luật nghiêm khắc, có thể đến khung hình phạt cao nhất theo Nghị định của Chính phủ là đúng luật. 

Ông Chủ tịch thành phố Hải Phòng muốn “bình ổn” dư luận thì cũng phải tuân theo pháp luật chứ không thể nói theo kiểu “làm màu” để dư luận có cảm giác thành phố này rất liêm chính, minh bạch. 

Hành vi “xâm phạm thân thể người học” của nhà giáo tại trường tiểu học thuộc quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng lập tức được người đứng đầu thành phố vào cuộc. 

Có một câu hỏi cần đặt ra, nếu Hải Phòng rơi vào tình trạng gian lận điểm thi như tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018, liệu ông Chủ tịch Hải Phòng có ngay lập tức đưa ra quyết định xử lý những người liên quan thuộc hệ thống chính trị thành phố?

Báo Nhandan.com.vn có bài viết đề cập đến “Văn hóa công vụ”như sau:

“Văn hóa công vụ được hiểu là một hệ thống những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, truyền thống, phong cách, biểu trưng, ngôn ngữ… hình thành và chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ”. [1]

Chắc chắn có những người trong số phụ huynh của 222 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi quốc gia 2018 đang xúc phạm nghiêm trọng “Văn hóa công vụ”, họ là ai?

Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm ảnh 3Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

Có ba nhóm người thực thi công vụ liên quan đến vụ gian lận điểm 2018.

Nhóm thứ nhất là những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp tại các Hội đồng thi địa phương để xảy ra sai phạm, khoảng hai chục người thuộc nhóm này đã bị khởi tố trong đó có một số Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và công an.

Nhóm thứ hai là những người liên quan tại địa phương như lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và phụ huynh 222 thí sinh được nâng điểm.

Nhóm thứ ba là những người liên quan tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, những người thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý vụ việc đặc biệt là Thanh tra Chính phủ và các cơ quan phòng chống tham nhũng,…

Như giải thích về “Văn hóa công vụ” nêu trên, có ba lĩnh vực liên quan cần nhấn mạnh là “đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật”.

Như rất nhiều ý kiến được báo chí tường thuật, nếu không có sự nhờ vả, chỉ đạo hoặc hối lộ, không ai dại gì đánh cược sinh mệnh chính trị của mình để nâng điểm cho những thí sinh không quen biết. 

Chắc chắn không thể có chuyện 100% phụ huynh có người nhà được nâng điểm đều trong sạch.

Những người nhờ vả, chỉ đạo hoặc hối lộ nhằm nâng điểm cho con em mình thực chất là đã xúc phạm nghiêm trọng “văn hóa công vụ”, với họ không có khái niệm “đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật”trong thực thi công vụ, nói thẳng ra là họ coi “Văn hóa công vụ” chỉ như miếng giấy lau tay có thể vứt vào sọt rác bất kỳ lúc nào.

Vậy vì sao vẫn có người lên tiếng biện minh cho họ?

Xúc phạm thân thể xảy ra với từng cá nhân, xúc phạm văn hóa công vụ diễn ra với nhóm cán bộ, công chức nhà nước, còn “xúc phạm văn hóa” là với cả cộng đồng. 

Tại sao nói chuyện đuổi việc một cô giáo tiểu học dễ thế nhưng nói chuyện đuổi việc cán bộ, quan chức mắc sai phạm lại khó thế? 

Chống tham nhũng không có vùng cấm, vậy giải thích thế nào khi vụ việc đã gần một năm trôi qua Quốc hội còn phải “giải trình kín” và một vị lãnh đạo Bộ Nội vụ vẫn còn nhắc đến “nhân thân” những quan chức (địa phương và trung ương) có liên quan đến vụ việc?

Có không ít kẻ vô liêm sỉ đang giả vờ ngây ngô không biết chuyện con em mình được nâng điểm, thậm chí còn đổ vấy cho người khác cố tình gài bẫy con em mình. 

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1)

Họ đang nhơn nhơn thách thức pháp luật có phải vì pháp luật không đủ chế tài trừng phạt hay tại biểu tượng thần Công lý làm bằng đá nên không có trái tim, lại còn dải khăn bịt mắt, bịt tai nên thần Công lý trở nên vô tri, vô giác?

Đất nước phát triển khiến chênh lệch giàu nghèo trở thành một thực tế đáng buồn.

Dẫu sao hiện tượng này vẫn còn có thể chấp nhận bởi khả năng tư duy, khả năng làm việc của mỗi công dân là khác nhau.

Tuy nhiên, chênh lệch trong sự bình đẳng trước pháp luật là điều không thể chấp nhận. Không thể để xảy ra chuyện quan chức và người giàu “hưởng thụ” pháp luật khác với dân thường. 

Ngày 25/6/2018, tại Hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định:

Cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt. Cuộc chiến này còn phức tạp, lâu dài, đầy khó khăn và thử thách, chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía".

Trong “các phía” đang ép “Cuộc chiến chống giặc nội xâm”, phải chăng phía mạnh nhất, tạo sức ép lớn nhất chính là những người đang đứng trong hàng ngũ với bàn tay đã hoặc sẽ nhúng chàm? 

Suy cho cùng tất cả những người ấy ít nhiều đều là sản phẩm của nên giáo dục hiện tại, trong số đó không ít người có đầy đủ bằng cấp về quản lý nhà nước và lý luận chính trị. 

Mỗi năm có hàng triệu người bước vào thị trường lao động, một bộ phận trở thành cán bộ, công chức.

Với cách đào tạo nguồn nhân lực theo cách mà không ít cán bộ, đảng viên ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thực hiện năm 2018, lấy đâu nguồn lực để xử lý?

Triết lý “Dạy con từ thủa còn thơ” cụ thể là quan tâm đến nền giáo dục tất cả các cấp học. Tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu “trấn áp người phạm tội” mà bỏ bê giáo dục có phải là cách làm khoa học? 

Từ vụ cô giáo ở Hải Phòng bị dọa đuổi việc đến vụ “ăn cướp” cơ hội học tập của thí sinh con nhà nghèo xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và có thể còn nhiều nơi khác nữa) có thể thấy trong các nguy cơ đe dọa thể chế, nguy cơ người dân bị đối xử như công dân hạng hai không phải là không có khả năng xảy ra.

Chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục chưa thể nói là đã được chú ý đúng mức dù rằng Hiến pháp quy định Giáo dục là quốc sách hàng đầu. 

Tập trung vào các vụ án kinh tế chỉ mới giải quyết phần ngọn, chỉ là giải pháp tình thế. 

Cách làm hiện nay có thể mang lại thắng lợi trong một số trận đánh (vào các nhóm lợi ích) song nếu hệ thống chính trị không dành sự quan tâm tối đa cho giáo dục, chúng ta sẽ thua trong cả cuộc chiến chống nội xâm.

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38968002-hoan-thien-chuan-muc-van-hoa-cong-vu.html

Xuân Dương