Nhơn nhơn hoạt động, thách thức xã hội, đứng trên pháp luật
Trong ma trận tổ chức thi và cấp chứng chỉ 3 không: Không cần học, không cần ôn thi và không lo về kết quả, các trung tâm liên kết với các trường Đại học là những người được hưởng lợi nhất.
Sự tồn tại của các trung tâm này đang thách thức tính công bằng của nền giáo dục, thách thức pháp luật.
Lạc lối giữa ma trận chứng chỉ tiếng Anh, tin học “3 không” |
Sau loạt bài phản ánh về các kỳ thi cấp chứng chỉ 3 không, chứng chỉ của hai trường Đại học Trưng Vương và Đại học Đông Đô.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản hồi của các trường cam kết chấn chỉnh tình trạng trên.
Ngày 22/5/2019, Đoàn thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu thực hiện kiểm tra việc thi và cấp chứng chỉ, việc tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên ngay buổi chiều hôm đó, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với một trung tâm tổ chức thi và cấp chứng chỉ 3 không có địa chỉ tại số 40 Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội).
Trung tâm này cho biết vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Đại học Kinh tế Quốc dân bình thường.
Các trung tâm chứng chỉ 3 không vẫn tư vấn và tổ chức thi, cấp chứng chỉ bình thường (Ảnh: Vũ Ninh) |
Ngoài ra theo thông tin mới nhất phóng viên nhận được: Một số trung tâm như trên đang chuyển hướng sang hai loại chứng chỉ của Đại học Thái Nguyên và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Được biết mới đây trường Đại học Thái Nguyên đã được Bộ cấp phép cho tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Đại học sư phạm Hà Nội cũng là một trường hợp tương tự như vậy.
Các trung tâm môi giới bắt đầu tung ra các gói thi và cấp chứng chỉ dành cho những người có nhu cầu.
Các gói này bao gồm: Lệ phí thi, tiền hỗ trợ đi lại, ăn uống đối với các thí sinh thi tại Thái Nguyên.
Về thủ đoạn: Các trung tâm như trên cam kết thi sinh thi được hỗ trợ kết quả với tỷ lệ thi đỗ lên đến 98%, không cần học, không cần ôn thi, chỉ cần nộp tiền là đỗ.
Táo tợn hơn, một số cá nhân, trung tâm còn rao bán chứng chỉ công khai trên mạng xã hội. Loại chứng chỉ này được cam kết phôi thật lên đến 99% và có bảo hành.
Từng xếp chứng chỉ đỏ chót như thế này vẫn đang hoành hành, lũng đoạn nền giáo dục Việt Nam (Ảnh: Vũ Ninh) |
Xin được kể một câu chuyện thực tiễn: Trong tháng 4/2019, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu việc thi và cấp chứng chỉ tại một trung tâm chứng chỉ có địa chỉ (220 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội). Trung tâm này thuộc Công ty Cổ phần Giáo dục Liên Việt.
Thời điểm đó trung tâm trên đang liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Đại học Trưng Vương và Đại học Đông Đô.
Sau khi bị phanh phui trường Đại học Đông Đô đã chỉ đạo dừng việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Nhưng điều bất ngờ chỉ 2 ngày sau phóng viên liên hệ lại với tư vấn viên của trung tâm trên.
Đại diện cho biết trung tâm vẫn đang hoạt động bình thường và tổ chức thi, cấp chứng chỉ của Đại học Thái Nguyên và Đại học Hà Nội.
Người này tự xưng tên N.T.D. cho biết: “Trung tâm mình vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho những ai có nhu cầu bạn nhé.
Hiện bên mình đang tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Đại học Thái Nguyên và Đại học Hà Nội.
Đại học Thái Nguyên thì sắp chốt danh sách và Đại học Hà Nội sắp có lịch thi”.
Nhân viên tích cực tư vấn thi chứng chỉ Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc tế Bắc Hà (Ảnh: Vũ Ninh) |
Ngày hôm sau (25/9/2019), phóng viên có mặt tại trung tâm kể trên thì mọi hoạt động vẫn diễn ra một cách bình thường, kẻ đến nộp lệ phí, người cấp chứng chỉ tấp nập, nhộn nhịp.
Như vậy có thể nói các trung tâm này không hề biết sợ, coi thường dư luận, thách thức pháp luật.
Việc liên kết hợp tác thi, cấp chứng chỉ với các trường Đại học nếu xảy ra vấn đề thì ngay lập tức các trung tâm sẽ chuyển hướng sang các trường Đại học khác.
Có thể ví những trung tâm này như con bạch tuộc. Khi chiếc vòi này bị chặt thì ngay lập tức chiếc vòi khác sẽ thay thế.
Chỉ khi nào chặt được hết những chiếc vòi này thì mới đảm bảo giải quyết gốc rễ vấn đề trên.
Xử lý kiểu này như bắt cóc bỏ đĩa
Bên cạnh sự táo tợn, các trung tâm tổ chức thi và cấp chứng chỉ còn có chiến thuật hoạt động vô cùng tinh vi và chặt chẽ.
Chiến thuật này khiến cho cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý rất khó để ngăn chặn tình trạng trên.
Dùng chứng chỉ giả để xét tuyển viên chức, 6 cán bộ bị khởi tố |
Một trung tâm tổ chức thi và cấp chứng chỉ khác cũng rất nổi tiếng đó chính là trung tâm có địa chỉ tại nhà D, Học viện Thanh thiếu niên.
Mặc dù bị Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ mặt đặt tên nhưng trung tâm này vẫn hoạt động bình thường thậm chí còn hoạt động mạnh hơn trước.
Có mặt tại trung tâm, một tư vấn viên tên Nam sôi nổi tư vấn:“Trường Đại học Đông Đô đang bị thanh tra nên bọn anh tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Đại học Thái Nguyên và Đại học Quốc tế Bắc Hà”.
Theo người đàn ông này: Năm nào mà chẳng thanh tra, có vấn đề nhưng bọn anh có cách xử lý, em yên tâm.
Cách xử lý của các trung tâm kiểu này đó là: Nếu có một trường bị thanh tra, báo chí tố cáo thì trung tâm sẽ chuyển sang trường khác.
Chờ khi sóng yên biển lặng lại tiếp tục tổ chức thi và cấp chứng chỉ của trường Đại học kia.
Nam kể chi tiết: “Năm trước có trường Đại học Quốc tế Bắc Hà bị thanh tra thì bọn anh chuyển sang thi Đại học Đông Đô.
Năm nay Đông Đô bị tuýt còi thì bọn anh chuyển sang thi tại trường Đại học Quốc tế Bắc Hà”.
Người này còn mạnh miệng: “Thanh tra thì thanh tra chứ chẳng làm gì được bọn anh đâu. Bọn anh tính cả rồi”.
Theo cách tính của người tên Nam thì quả thực việc thanh tra và xử lý như hiện nay chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.
Sự tồn tại của những loại chứng chỉ 3 không ảnh hưởng không nhỏ đến tính công bằng, minh bạch của nền giáo dục Việt Nam (Ảnh: Vũ Ninh) |
Thậm chí chúng tôi còn đặt ra giả thiết: Các trường Đại học còn không biết tường tận về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng như các trung tâm liên kết như trên.
Như ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Đại học Trưng Vương từng thừa nhận:
“Thông qua báo chí và loạt bài của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chúng tôi mới biết có tình trạng trên.
Ngay lập tức trường đã ngừng liên kết với trung tâm nêu trên và tiến hành rà soát với các trung tâm đang liên kết với Đại học Trưng Vương.
Nếu trung tâm nào không đạt yêu cầu thì chúng tôi sẵn sàng bỏ không hợp tác”.
Nhưng dù sao thì các trường Đại học cũng không thể tránh khỏi liên đới khi liên kết và hợp tác với những trung tâm thi và cấp chứng chỉ 3 không.
Bởi phôi chứng chỉ là do các trường Đại học cấp. Cứ cho rằng các trường không liên quan đến việc tổ chức thi thì việc cấp phôi có phải là quá dễ dàng và buông lỏng hay không?
Tuy nhiên để tăng tính hiệu quả cũng như xử lý gốc rễ của vấn nạn trên chúng tôi kiến nghị bên cạnh việc xử lý và thanh tra các trường Đại học cũng cần dẹp bỏ các trung tâm thi và cấp chứng chỉ 3 không.
Những trung tâm đó mới chính là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề. Chừng nào chưa xử lý và dẹp bỏ được những trung tâm kiểu này thì rất khó dẹp nạn chứng chỉ tiếng Anh, tin học không cần học cũng có.
Bởi lẽ với chiêu bài: Trường này bị tuýt còi thì quay sang tổ chức trường khác. Trong khi đó hiện nay có hơn 170 trường Đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ là một con số rất lớn.
Nếu chỉ đi chặt những chiếc vòi bạch tuộc thì chiếc vòi này bị chặt sẽ có chiếc vòi khác thay thế. Việc xử lý như vậy chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.
Trong khi đó các trung tâm tổ chức thi và cấp chứng chỉ 3 không như các trung tâm nêu trên vẫn ung dung tồn tại thu lợi bất chính, lũng đoạn nền giáo dục Việt Nam và thách thức dư luận xã hội, đứng trên cả pháp luật.