Nguyên nhân nào khiến nhiều thí sinh đạt 4-5 điểm vẫn đậu vào lớp 10?

25/06/2019 06:33
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Rất nhiều thí sinh điểm 0, nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy mức điểm trung bình trên dưới 1 điểm/ môn là hồi chuông báo động về chất lượng giáo dục.

Thực tế, ngành giáo dục đang có nhiều học sinh xuất sắc, những học sinh có động lực học tập, những học sinh được cha mẹ kèm cặp và đầu tư từ nhỏ. Vì thế, mỗi kỳ thi đi qua có nhiều em được điểm 9, điểm 10 và thành tích thật này trở thành niềm tự hào cho gia đình và nhà trường.

Tuy nhiên, hiện tượng học sinh không có động lực học tập, những học sinh mất kiến thức cơ bản hoặc có kiến thức không tương xứng với cấp học, lớp học thì lại nhiều vô kể.

Rất nhiều thí sinh điểm 0, nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy mức điểm trung bình trên dưới 1 điểm/ môn đang là hồi chuông báo động về chất lượng giáo dục.

Nếu toàn ngành không có những giải pháp căn cơ để thay đổi thì e rằng những năm tới đây còn thê thảm hơn.

Chỉ có những trường ở các đô thị lớn có điểm đầu vào cao còn lại điểm tuyển sinh 10 năm nay khá thấp (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)

Chỉ có những trường ở các đô thị lớn có điểm đầu vào cao

còn lại điểm tuyển sinh 10 năm nay khá thấp (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)

Phải nói ngay rằng điểm số mà đa số các thầy cô tổng kết cho học trò hàng năm ở các trường phổ thông hiện nay không đáng tin cậy. Vẫn biết, những trường đại trà học sinh giỏi vẫn có nhưng mỗi lớp chỉ được vài em.

Nhưng, thực tế thì cấp tiểu học loạn học sinh xuất sắc, cấp trung học cơ sở thì học sinh giỏi, khá cũng nhiều vô kể, chiếm phần lớn học sinh của mỗi lớp. Tuy nhiên, “nút thắt” kỳ thi tuyển sinh 10 đã phơi bày tất cả sự thật.

Đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Thứ nhất: Trong các văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay đang thể hiện nhiều mặt bất cập.

Ở tiểu học là Thông tư 22 chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét và chỉ lấy điểm cuối kỳ, cuối năm để xếp loại học sinh khiến cho học sinh xuất sắc chiếm đến nửa lớp, có những lớp hơn nửa lớp.Trường càng có nhiều kinh phí càng khen thưởng nhiều.

Thông tư 58 dùng cho việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng chưa thể hiện được ưu điểm. Để đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến (học lực khá) bây giờ quá đơn giản.

Có tất cả các môn cho điểm từ 5,0 điểm trở lên, có điểm trung bình các môn là 6,5 trở lên, trong đó có 1 trong 2 môn Toán hoặc Văn đạt 6,5. Các môn không cho điểm xếp loại “đạt”

Nguyên nhân nào khiến nhiều thí sinh đạt 4-5 điểm vẫn đậu vào lớp 10? ảnh 2Khánh Hòa thật thà, đa phần các tỉnh giấu nhẹm thống kê điểm thi vào lớp 10

Danh hiệu học sinh giỏi có điểm trung bình các môn cho điểm là 8,0 điểm, không có môn nào dưới 6,5 và 1 trong 2 môn Toán hoặc Văn đạt 8,0 điểm trở lên. Các môn không cho điểm xếp loại “đạt”.

Trong khi bệnh thành tích, bệnh giả dối đang hoành hành ở mọi trường học, một số thầy cô cứ phóng bút cho điểm nên việc học sinh đạt loại khá, loại giỏi bây giờ cực kỳ dễ dàng.

Chính vì từ tiểu học lên đến lớp 9 thầy cô xếp loại kiểu “cả nhà cùng vui” như vậy thì làm sao học sinh thấy mình hạn chế để cố gắng học tập. Bởi, nhiều em cho mình là giỏi bởi điểm 9 và điểm 10 đã là kịch trần rồi.

Thứ hai: Một bộ phận thầy cô đang giảng dạy trên lớp cho điểm, đánh giá học trò không chính xác. Chính vì “thương” học trò nên trước khi kiểm tra là ôn thật sát, thật kỹ, thậm chí cho biết trước đề.

Vì thế, thành tích giảng dạy cuối năm của thầy cô thấy đều là những con số đẹp nhưng thực tế giảng dạy giáo viên hỏi gì thì đa phần học sinh trong lớp không biết!

Nhiều thầy cô kéo học trò về nhà dạy thêm hoặc dạy thêm trên lớp nên đều phải có “trách nhiệm” với điểm số học trò cuối năm. Chẳng lẽ trò học thêm cả năm mà lại cho các em điểm yếu hay điểm trung bình?

Trong khi cấp trung học cơ sở thì có rất nhiều cột điểm. Cột điểm này thấp thì cột sau cũng phải tìm cách nâng điểm học trò lên.

Thứ ba: Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, Sở vẫn giao chỉ tiêu cho giáo viên hàng năm. Vì thế, dù học sinh yếu nhưng chỉ tiêu đã được giao đầu năm nên giáo viên phải hướng đến những con số cụ thể.

Thứ tư: Một bộ phận học sinh hiện nay không có động lực học tập, không có kiến thức cơ bản sau mỗi năm học. Nhiều khi học hôm trước, hôm sau giáo viên hỏi lại là quên hết.

Trong khi, nhiều gia đình trang bị cho con em mình những chiếc điện thoại đắt tiền được nối mạng Internet nên sau mỗi giờ học là học sinh mải miết vào các trò chơi online mà sao nhãng chuyện học hành. Nhiều học trò không có mục tiêu cụ thể cho việc học nên ham chơi chứ không ham học.

Thứ năm: Nhiều bậc phụ huynh chưa quản lý tốt được giờ giấc học tập của con em mình sau mỗi giờ học. Vì vậy, nhiều phụ huynh đều trông chờ vào sự tự giác học tập của con mình.

Thứ sáu: Lãnh đạo ngành giáo dục của một số địa phương chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra những biện pháp căn cơ nhất. Họ ngại nghe giáo viên nói thật về chất lượng và chỉ đạo thì chỉ chung chung.

Nhiều những hạn chế của ngành, của lãnh đạo được giáo viên góp ý thì họ phê phán, đe nẹt. Lâu dần, lãnh đạo ra chỉ thị sao thì giáo viên làm vậy mà ít khi có những phản biện lại.

Chính vì có rất nhiều những nguyên nhân về hạn chế, yếu kém đang tồn tại khiến cho chất lượng thật của giáo dục ngày càng lao dốc.

Chuyện một số trường lấy điểm đầu vào ở mức 10-15 điểm đã là quá thấp nhưng đáng báo động hơn có trường chỉ lấy ở mức 4-5 điểm. Trong khi 3 môn thi thì đã có 2 môn nhân điểm hệ số 2.

Vì vậy, có những học sinh chỉ cần có điểm trung bình là 0,8-1,0 điểm và không bị điểm 0 là đậu vào lớp 10!

NGUYỄN NGUYÊN