Nhiều học sinh phờ phạc khi đến trường vì game

02/04/2019 06:09
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - Học sinh bây giờ có nhiều em thức rất khuya nhưng một phần trong số đó không phải thức để học bài, trau dồi kiến thức mà thức để chơi game hoặc lướt web chơi.

Khi điều kiện kinh tế của các gia đình được nâng lên cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với nhiều nỗi lo đối với con em mình.

Những chiếc máy tính, những chiếc điện thoại thông minh được nối mạng Internet khiến cho nhiều em nhỏ say sưa với các trò chơi trực tuyến.

Học sinh bây giờ có nhiều em thức rất khuya nhưng một phần trong số đó không phải thức để học bài, để trau dồi kiến thức mà thức để chơi game hoặc lướt web chơi.

Nhiều em học sinh bây giờ cứ mải mê chơi game, lơ là học tập (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Nhiều em học sinh bây giờ cứ mải mê chơi game, lơ là học tập (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Trong quá trình giảng dạy ở trên lớp, chúng tôi thường thấy một số em mặt mũi bơ phờ, mắt thì đỏ kè kè và không có động lực học tập. 

Nhiều em ngay tiết 1 buổi sáng đã ngủ gục từ khi thầy cô chưa bước vào lớp. Điều đáng buồn là hiện tượng này đã không còn là cá biệt mà diễn ra khá phổ biến ở trường học, mỗi lớp cũng có vài ba em rơi vào trạng thái như thế này.

Chúng tôi hỏi một học sinh nam thường xuyên ngủ trong lớp về lý do hôm nào cũng ngủ gục thì em này cho biết là tối thường thức khuya để chơi game.

Không chỉ các em nam mà ngay cả các nữ sinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một nữ sinh trả lời chúng tôi rằng mỗi đêm em ngủ 3 tiếng, chơi game khoảng 4 tiếng, thời gian còn lại là học bài và chơi.

Cái tuổi học trò mới lớn nên các em rất cần ngủ, nghỉ ngơi điều độ, khoa học nhưng mỗi đêm ngủ chỉ 3 tiếng đồng hồ thì khi vào lớp còn đâu tâm trí mà nghe thầy cô giảng bài trên lớp nữa.

Vì thế, lên lớp hỏi gì cũng không biết, kiểm tra thì nhiều em không làm bài, hoặc nộp giấy trắng.

Dù giáo viên có gặp gỡ riêng để trao đổi, động viên học sinh bớt chơi game lại để chú tâm vào việc học nhưng rồi các em vâng dạ xong thì hôm sau lại cũng vậy, rất khó có chuyển biến.

Các bậc cha mẹ có biết con mình nói gì khi chơi game không?

Phải nói rằng cuộc sống hiện nay của đa phần người dân được nâng lên nên khi học sinh bước vào cấp trung học cơ sở thì nhiều em đã được cha mẹ trang bị những chiếc điện thoại đắt tiền.

Lên đến lớp 8, lớp 9 thì gần như em nào cũng có điện thoại thông minh. Những loại điện thoại rẻ tiền chỉ nghe và gọi thì nhiều khi cha mẹ có mua các em cũng không dùng.

Khi có điện thoại được kết nối với mạng Internet là học sinh bắt đầu tìm tòi, khám phá các trò chơi, các game trên mạng. Nếu cha mẹ không quản lý ở nhà tốt rất dễ dẫn đến tình trạng học sinh nghiện game.

Thực tế, tối tối các em vào phòng học, nhiều em đóng cửa lại “học bài” , khi cha mẹ vào thì thường gõ cửa, hay có tiếng động là các em sẽ ngồi vào bàn học ngay ngắn.

Cha mẹ vào nhìn chừng thì vẫn tưởng là con mình đang tích cực học tập, nhiều bậc cha mẹ còn thương con bởi thấy các em “học” bài khuya quá.

Nhưng, thực tế có mấy em vào phòng là chú tâm cho việc học. Các em có đủ lý do để cầm điện thoại trên tay.

Dù cha mẹ có thấy và hỏi thì các em nói đang tra cứu tài liệu trên mạng cũng…chịu, làm sao biết được. Việc học thì cũng không mấy cha mẹ có đủ khả năng dò bài, kiểm tra khi các em bước vào các lớp lớn.

Dù vẫn biết, game hay các trò chơi online cũng có nhiều mặt tích cực nếu các em biết chơi, biết dừng đúng lúc.

Những lúc học tập căng thẳng thì giải trí bằng một số trò chơi lành mạnh cũng đỡ căng thẳng nhưng nếu ham quá mà trở nên nghiện thì nó lại trở thành nỗi lo chung cho gia đình và xã hội.

Đau đầu cai nghiện iPad cho con

Khi các em suốt ngày cứ chúi đầu vào màn hình điện thoại để chơi, để lướt sẽ rất dễ dẫn đến việc tiếp thu nhiều cái chưa hay, chưa tốt.

Hàng loạt vụ đánh nhau, hành xử thiếu văn hóa được học sinh đưa lên mạng xã hội mà chúng ta đã và đang chứng kiến cho thấy đây đang thực sự là nỗi lo cho nhiều người.

Cũng chính vì một số em đam mê game nhiều quá dẫn đến việc học tập trên lớp xao nhãng và kết quả học tập ngày càng xấu đi.

Trong khi đó, nhiều em nhiễm phải những ngôn từ, hành động chưa đẹp trên mạng dễn đến thái độ ứng xử không phù hợp với mọi người xung quanh.

Mỗi ngày, các em học sinh chỉ học tập ở trường 4-5 tiếng đồng hồ, thời gian các em chơi chỉ là lúc ra chơi giữa giờ, đó là chưa kể một số trường học cấm không cho học sinh mang điện thoại vào lớp.

Trong khi đó, phần lớn thời gian các em ở nhà, dưới sự quản lý, giám sát của gia đình. Vậy nên, việc quản lý các em sử dụng điện thoại, máy tính cần có những thời gian nhất định.

Nếu cha mẹ không quản lý, giám sát được rất dễ khiến cho các em mải mê vào những trò chơi vô bổ và dẫn đến những việc làm không tốt về sau.

Ở trường, thầy cô cũng cần giám sát những biểu hiện, sự thay đổi và thái độ học tập của học trò để trao đổi và phối hợp với phụ huynh trong việc hướng các em có kế hoạch học tập, vui chơi khoa học và lành mạnh.

Nếu, sự phối hợp không tốt, cứ để kệ mặc học trò thì tương lai của các em chẳng biết sẽ đi về đâu.

Những sự việc đau lòng mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày hoặc qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy nhiều hệ lụy mà người lớn không thể lường trước được nếu không kiểm soát được việc học và chơi của học trò.

NGUYỄN VĂN KHÁNH