Sau mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, chúng ta đều thấy nổi lên rất nhiều thí sinh đạt được điểm cao, đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường đại học lớn.
Có được thành tích này thật đáng trân quý, nhất là đối với những thí sinh có những hoàn cảnh khó khăn, những thí sinh xuất thân từ những vùng quê nghèo. Song, có lẽ thành tích này cũng chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường dài còn nhiều gian nan trên giảng đường đại học.
Nơi đó, là môi trường đào tạo nghề nghiệp cho mỗi con người, là nơi tạo tiền đề để mỗi người trưởng thành nhưng cũng chứa đựng rất nhiều điều mới lạ, cám dỗ nơi phố phường.
Nếu các thí sinh dù có điểm đầu vào cao nhưng không có những suy nghĩ chín chắn, thái độ học hành nghiêm túc sẽ tự thui chột khả năng của chính mình.
Hàng năm luôn có nhiều sinh viên bị học lại, thi lại, thậm chí bị đuổi học (Ảnh minh họa: Trinh Phúc) |
Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên là người thân, là học trò của mình phải “đứt gánh giữa đường”. Bởi thực tế một điều là có những thí sinh điểm vào đại học rất cao nhưng đó chỉ là 3 môn cho khối xét tuyển đại học.
Khi vào đại học thì có nhiều môn học mới, nhiều môn học mà thời cấp 3 nhiều học sinh phổ thông chỉ học đối phó để lấy điểm trung bình cho qua môn nên lên đại học có nhiều em đuối dần và học không nổi.
Điều mà chúng ta đều biết là đa phần những thí sinh có điểm đầu vào cao thì thường có nhiều thuận lợi trong học tập trên giảng đường đại học. Nhiều em tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình để học tập tốt hơn.
Nhưng, cũng không hiếm nhiều thí sinh đã không phát huy được thế mạnh của mình và đã gặp nhiều khó khăn khi bước vào những năm cuối đại học.
Những năm gần đây, có nhiều sinh viên ở các trường đại học lớn bị đuổi học, nhiều sinh viên thi lại, học lại, phải ra trường muộn- trong số này, có những em có điểm đầu vào rất cao.
Nhìn vào điểm thi từng năm, chúng ta thấy không nhiều em có điểm tất cả môn thi cao đều mà đa phần chỉ có mấy môn dùng để xét tuyển đại học là cao, các môn không xét tuyển đại học thì thấp lè tè.
Xu hướng học lệch, học để cốt vào đại học đã hình thành một thói quen khó bỏ của nhiều học trò.
Chính vì thói quen lâu nay của học sinh Trung học phổ thông là học theo khối, thành ra mỗi em thường chú trọng vào 3-4 môn cho 1-2 tổ hợp thi của mình.
Nếu lệch khối với môn bắt buộc thi Trung học phổ thông quốc gia thì “ngó qua” thêm các môn phải thi nữa nhưng đa số chỉ tập trung, chú trọng nhất cho các môn xét tuyển đại học.
Vì vậy, kỳ thi năm nay có trường hợp thí sinh chuyên Toán của tỉnh Thái Bình mà bị rớt tốt nghiệp là vậy.
Các môn xét tuyển đại học điểm rất cao mà môn không xét đại học thì bị điểm liệt, âu cũng từ thói quen, cách định hướng của gia đình và nhà trường trong những năm qua.
Chính vì ngay từ khi bước vào cấp Trung học phổ thông là các thí sinh chỉ chú trọng một số môn thi để xét đại học nên đa phần các em chỉ tập trung cho các môn này.
Tuy nhiên, khi lên đại học thì khác, có môn môn học hoàn toàn mới. Cách học, cách thi, cách tính điểm hoàn toàn khác với thời phổ thông nên có nhiều thí sinh bị “khớp” mà không vượt qua nổi.
Đặc biệt, rất nhiều thí sinh ở các trường quê dù điểm đầu vào đại học rất cao nhưng khi vào đại học thường học rất chật vật trong học tập.
Nhiều sinh viên có điểm tổng kết các môn chuyên ngành cao nhưng lại không thể được học bổng vì vướng môn tiếng Anh.
Phải nói môn tiếng Anh là môn “sát thủ” và khiến rất nhiều thí sinh phải ôm hận bởi không chỉ không được học bổng mà nhiều sinh viên còn phải thi lại, học lại, thậm chí ra trường chậm vì môn học này.
Điều mà chúng ta thường thấy là những sinh viên ở quê ra thành phố học hay bị đuối môn tiếng Anh, các sinh viên thành phố thì lại học rất tốt môn học này. Trong khi, quá trình học đại học thì môn tiếng Anh luôn là môn học có số tiết rất lớn (khoảng 300 tiết học).
Không chỉ môn tiếng Anh mà những môn như triết học, lịch sử đảng, kinh tế chính trị-những môn mà ngành nào cũng bắt buộc phải học nhưng lại là những môn không thuộc sở trường của nhiều sinh viên.
Vì thế, nhiều sinh viên cũng gặp khó khăn khi học những môn học mới như thế này.
Điều đặc biệt là những môn chuyên ngành thường rất khó, đòi hỏi tự nghiên cứu, tự trau dồi kiến thức nhiều. Bởi, học ở đại học không giống như học ở phổ thông nên nhiều sinh viên mà không tập trung cũng rất dễ dàng bị thi lại, học lại ngay cả môn chuyên ngành của mình.
Có một thực tế là những thí sinh ở các thành phố hay các nơi đô thị thì điểm đầu vào chưa hẳn cao nhưng khi vào đại học có rất nhiều lợi thế bởi các em được đầu tư học tiếng Anh, Tin học từ nhỏ, các em có điều kiện đọc và làm quen với rất nhiều kiến thức cơ bản.
Chính vì thế, khi vào đại học thì điểm trung bình các môn của các em thường rất đều và cao hơn. Nhất là các em đã quen với môi trường thành phố từ nhỏ nên không bị bỡ ngỡ và choáng ngợp trước nhiều điều mới lạ của môi trường sống, môi trường học tập.
Có lẽ vì vậy, điểm xét tuyển đầu vào đại học cao nhưng thực tế đó mới là bước khởi đầu cho mỗi thí sinh khi bước vào giảng đường đại học.
Nếu từ điểm cao như vậy mà bằng lòng, khi vào đại học lại có tư tưởng “xả hơi” sau những năm tháng ôn luyện ở phổ thông thì các em rất dễ tự đào thải mình.
Con đường phía trước nơi giảng đường đại học là nơi mà mỗi sinh viên bắt đầu tự lập, bắt đầu làm quen với môi trường sống, môi trường học tập mới.
Nhiều sinh viên đã không đi hết được quãng đường đại học, thậm chí bị đuổi học, học không được tốt nghiệp vì quá năm của nhiều sinh viên lớp trước luôn là bài học cảnh tỉnh cho nhiều sinh viên chuẩn bị bước vào môi trường đại học.