Thành phần của hội đồng năm nay ngoài đại diện các trường đại học, cao đẳng công lập, ngoài công lập ở các vùng miền khác nhau như mọi năm còn có sự tham gia của đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Ngưỡng chất lượng đầu vào được tính toán kỹ lưỡng dựa trên phổ điểm, phân bố theo vùng, địa phương, đảm bảo dôi dư cho các trường tuyển sinh.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào vẫn được tính bằng tổng điểm 3 môn của 5 khối thi A, A1, B, C, D.
Theo đó, Hội đồng thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng 2015 ở các tổ hợp môn thi như sau: 15 điểm cho tất cả các tổ hợp cho đại học; 12 điểm cho các tổ hợp cao đẳng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xác lập trên nguyên tắc gắn với chất lượng điểm thi. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ dựa trên dữ liệu điểm thi từ số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng kết quả kỳ thi.
Có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất được nhiều trường áp dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2015 số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng thi đủ ba môn của khối A truyền thống là 320.000, số thí sinh dự thi đủ ba môn khối B là 187.000, khối C có 111.000 và số thí sinh thi đủ ba môn khối D là 543.000. Khối A có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 em đạt từ 15 điểm trở lên. Khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 em đạt từ 15 điểm trở lên.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT công bố 3 mức ngưỡng tối thiểu cho 5 tổ hợp môn thi. Cụ thể, khối A, A1, C, D có 3 mức 17 điểm, 14 điểm và 13 điểm. Riêng khối B ngưỡng điểm cao hơn với 18, 15, 14 điểm tương ứng.