Có thầy cô nào học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dễ như chúng tôi không?

30/07/2019 06:42
CAO NGUYÊN
(GDVN) - Chỉ cần chưa đầy 2 buổi đến trường, làm 2 bài tập trắc nghiệm cùng 1 bài thu hoạch, sau hơn 3 tháng chờ đợi chúng tôi được thông báo đủ điều kiện cấp chứng chỉ

“Tớ thấy người ta đi, tớ cũng đi”

Thượng tuần tháng 3/2019, giáo viên giảng dạy trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông báo, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức lớp thăng hạng dành cho giáo viên từ hạng 3 lên hạng 2.

Công văn nêu rõ, lớp thăng hạng sẽ được tổ chức 3 đợt trong năm học, đó là đợt tháng 3, tháng 5 và tháng 7.

Một số giáo viên đã có học vị thạc sĩ, dĩ nhiên đầy đủ chứng chỉ tiếng Anh và Tin học thì đăng kí lớp học ngay với hi vọng, khi đã có chứng chỉ thì sẽ được xét thăng hạng để lên lương.

Nhưng, rất nhiều giáo viên chỉ ở mức đạt chuẩn, tức là trình độ cử nhân cũng vội vàng đăng kí theo học để có cái chứng chỉ lận lưng, biết đâu sau này sẽ dùng đến.

Rất nhiều giáo viên cho biết, họ cũng chưa hiểu hoặc hiểu lờ mờ về điều kiện để được thăng hạng, nhưng thôi cứ đi vì đơn vị cũng nhiều người đi, đi cho vui.

Giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (Hình ảnh mang tinh chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (Hình ảnh mang tinh chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Có vài giáo viên tỏ ra tiếc nuối không được học lớp thăng hạng vì chưa đủ thời gian 5 năm đứng lớp theo quy định. Đó là những giáo viên chỉ vừa tốt nghiệp vài ba năm, sức trẻ tràn trề, đam mê học tập và có chí cầu tiến.

Và thế là, trong đợt một này, đơn vị chúng tôi có 8 giáo viên tham gia, được chia làm 2 lớp với tổng sĩ số 196 học viên trên toàn thành phố.

Tiền tươi thóc thật, học viên được tạo điều kiện về thời gian

Để được tham gia lớp học, điều kiện tiên quyết là giáo viên phải đủ thời gian 5 năm tham gia giảng dạy.

Tiếp đến, giáo viên phải đóng lệ phí 3 triệu đồng, chụp biên lai gửi theo gmail cho Phòng Đào tạo Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì mới được sắp lớp.

Khi đã đủ số lượng học viên, phòng đào tạo gửi gmail thông báo cho chúng tôi ngày giờ đến tham dự khai giảng.

Lúc này đã đến thượng tuần tháng 4, nhiều giáo viên bận giảng dạy để học sinh chuẩn bị kiểm tra học kì 2 và ôn thi trung học phổ thông Quốc gia 2019, nên tôi được cử đại diện tham dự khai giảng, vì hôm đó tôi trống tiết.

Buổi khai giảng diễn ra hơn một tiếng, do giảng viên của Phòng Đào tạo chủ trì. Giảng viên nói đại khái, chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là một trong những yêu cầu bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu chúng tôi muốn thăng hạng.

Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học “thăng hạng” là đúng hay sai?
Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học “thăng hạng” là đúng hay sai?

Để hoàn thành chương trình học và được cấp chứng chỉ, chúng tôi phải mất 3 tháng cho 9 chuyên đề, từ chuyên môn nghiệp vụ cho đến quản lí hành chính và vân vân.

Điều khiến học viên hết sức bất ngờ là, chúng tôi chỉ cần đến lớp học một chuyên đề, còn lại tự học online theo đường link sẽ được chuyển ngay sau đó.

Tuy vậy, có một chuyên đề bắt buộc, học viên phải tham gia đầy đủ thì mới hiểu được bài. Giảng viên lưu ý, đã có tình trạng học viên làm bài thu hoạch không đạt, không được cấp chứng chỉ, cũng chỉ vì thiếu điểm danh cho buổi đến lớp duy nhất này.

Và giảng viên trấn an, học viên không được cấp chứng chỉ là chuyện hi hữu, vì mỗi người được làm bài thu hoạch hai lần nếu lần thứ nhất không đạt yêu cầu.

Ngoài ra, giảng viên cũng không quên dặn dò học viên về đạo đức học thuật, đó là bài thu hoạch cuối khóa không được sao chép của nhau và không copy từ internet.

Học viên tiếp thu được gì qua những chuyên đề?

Không lâu sau ngày khai giảng, chúng tôi được phòng đào tạo chuyển link bài học online theo tuần cho 8 chủ đề.

Nhìn chung, video bài giảng sáng đẹp, bắt mắt, nội dung được đầu tư chu đáo, nhưng nói thật, hiếm có học viên nào xem hết vì không có thời gian và…lười.

Cuối mỗi video bài giảng đều có bài tập trắc nghiệm để kiểm tra mức độ tiếp thu của học viên, nhưng cũng chẳng ai buồn làm vì không ai kiểm tra.

Cứ sau 4 chuyên đề, học viên phải làm bài trắc nghiệm bắt buộc nộp về phòng đào tạo. Học viên chỉ cần làm 5 điểm là đạt yêu cầu, vì chứng chỉ không xếp loại.

Tất cả học viên đều làm bài đạt yêu cầu vì thiếu gì sự trợ giúp và chúng tôi cũng biết điểm số ngay lập tức qua phần mềm chấm tự động sau khi gửi nộp bài.

Chỉ một chuyên đề chúng tôi đến lớp tham gia học theo dặn dò, phần vì sợ không hiểu bài thì ít mà sợ điểm danh thì nhiều.

Chuyên đề này giảng viên nói trong vòng chưa đầy 2 tiếng, còn học viên thì…chỉ chờ tờ giấy ghi danh được chuyển đến lượt để kiểm tra lại thông tin lần cuối và kí tên xác nhận.

Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?
Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?

Nhiều học viên kí tên trước thì nhẹ nhàng ra về và rất ít người kiên nhẫn ngồi nghe giảng viên nói hết chuyên đề.

Học viên nào bận không học được buổi này thì cũng yên tâm vì đã nhờ đồng nghiệp kiểm dò thông tin và kí tên giúp rồi.

“Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong”

Sau khi đã nộp online đầy đủ 2 bài kiểm tra trắc nghiệm và tham gia một buổi học bắt buộc, học viên sẽ có vài tuần để nộp bài thu hoạch.

Học viên viết bài thu hoạch không quá 40 trang, chủ đề tự chọn trình bày một vấn đề đã được học trong các chuyên đề với nội dung và hình thức như một tiểu luận.

Năm đồng nghiệp dạy môn tự nhiên của tôi lấy một chương trong luận văn thạc sĩ, thêm thắt các đề mục cho phù hợp rồi in nộp.

Còn tôi và hai đồng nghiệp dạy môn xã hội lấy nguyên chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên của năm học 2018-2019, chỉ thêm phần tài liệu tham khảo và hoàn thiện bài thu hoạch.

Sau hơn 3 tháng được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, đến thượng tuần tháng 7, chúng tôi đã được phòng đào tạo báo điểm thu hoạch chuyên đề.

Năm đồng nghiệp của tôi đều đạt 8,5 điểm - có lẽ do công trình luận văn chu đáo, còn tôi và 2 đồng nghiệp kia đạt điểm 8.

Trong số 196 học viên tham gia học đợt 1 này, chỉ có 2 học viên của một trường trung học phổ thông ở quận 10 được ghi chú “cần xem lại” mà thôi.

Chúng tôi lấy được chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp như thế đó!

Còn thầy cô, có ai lấy chứng chỉ này dễ như chúng tôi không?

CAO NGUYÊN