Trong thời gian qua, việc đào tạo giáo viên đang tồn tại nhiều bất cập như việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.
Việc đào tạo giáo viên còn chồng chéo giữa các cơ sở giáo dục trên cùng một địa bàn, không thu hút được các học sinh giỏi vào học các trường sư phạm…
Cùng với đó, nhiều trường sư phạm có thực trạng không thu hút được sinh viên dẫn đến nguy cơ đóng cửa trường.
Cùng trong bối cảnh đó, nhưng trường đại học Hồng Đức lại có cách làm độc đáo để tiếp tục là địa chỉ đào tạo giáo viên uy tín của tỉnh Thanh Hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (ảnh nguồn- hdu.edu.vn). |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, năm 2018 nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận 4 ngành đào tạo giáo viên chất lượng cao trình độ đại học, được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cam kết ưu tiên sử dụng sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành các cơ chế chính sách thu hút học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm;
Cơ chế chính sách phát triển đội ngũ giảng viên của trường Đại học Hồng Đức, giao nhiệm vụ cho trường Đại học Hồng Đức đào tạo giáo viên chất lượng cao;
Cam kết ưu tiên sử dụng giáo viên được đào tạo theo chương trình chất lượng cao.
Thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông.
Xây dựng mạng lưới các trường thực hành thực tập rộng khắp trong tỉnh làm cơ sở kiến tập, thực tập cho sinh viên; phối hợp chặt chẽ với giáo viên phổ thông trao trong việc trao đổi, rèn nghề cho sinh viên trước khi đi thực tập,….
Nỗi lòng của một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm địa phương |
Phó Giáo sư Hoàng Thị Mai nêu một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Cụ thể, rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong đó có các cơ sở đào tạo giáo viên để tránh chồng chéo dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong khâu tuyển sinh;
Thực hiện giao chỉ tiêu cho các trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, đã được kiểm định.
Việc đầu tư xây dựng một số trường địa học sư phạm trọng điểm là cần thiết nhưng các trường đa ngành, các trường trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành quản lí cũng có nhiều lợi thế trong việc đào tạo giáo viên.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để các trường đa ngành có đào tạo giáo viên nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của địa phương, nhu cầu học tập của con em địa phương, vùng sâu xa, vùng khó khăn; đồng thời đảm bảo quyền tự chủ các trường theo quy định mới;
Tạo điều kiện để các trường tham gia các hoạt động chuyên môn thiết thực như: Tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chương trình sách giáo khoa mới, chương trình phổ thông mới, đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá,...
Thực hiện cơ chế “đặt hàng” trong đào tạo nhưng phải có tính cạnh tranh lành mạnh để các cơ sở có cơ hội như nhau thực hiện được đơn “đặt hàng” của nhà sử dụng.
Tiếp tục thực hiện “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” đối với tuyển sinh các ngành sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên” – Phó Giáo sư Hoàng Thị Mai nhấn mạnh.
Đối với các trường đại học có đào tạo giáo viên,cô Mai cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; khai thác sử dụng chung các cơ sở thực hành, thực tế, tài liệu giáo trình; trao đổi giáo viên và sinh viên…