Khó cho các nhiều trường sư phạm địa phương
Đánh giá về Đề án: Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường Sư phạm trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về một số điểm còn bất cập.
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Trong tổng số 154 trường đào tạo sư phạm, có những trường không đạt chuẩn.
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề |
Bộ Giáo dục phải tìm cách giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng chứ không thể nào vứt bỏ những trường này. Như thế là không nhân văn!
Thầy Nhĩ ví von chuyện này cũng giống như việc nuôi con:
“Anh đẻ con ra. Chẳng may con bị suy dinh dưỡng anh phải tìm cách nuôi nó khỏe mạnh chứ không thể nào vứt bỏ nó.
Hiện nay trong tổng số 154 trường đào tạo sư phạm sẽ có trường đạt chuẩn, trường không đạt chuẩn.
Theo tôi hiểu ý của Bộ Giáo dục: Những trường nào không đạt chuẩn thì anh muốn đi đâu thì đi, không sống được thì chết.
Theo tôi như vậy là không nhân văn. Mình phải tìm cách nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng và mở hướng đi cho các trường trên”.
Trong bối cảnh thực hiện đề án: Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường Sư phạm; bên cạnh những bất cập còn gây nhiều hoang mang cho các trường.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chỉ ra bất cập trong đề án sắp xếp các trường sư phạm (Ảnh:T.L) |
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói: “Tâm lý chung hiện nay các trường đang rất hoang mang. Hiện nay cả nước có khoảng 154 cơ sở đào tạo giáo viên. Trong thời điểm này bản thân họ cũng không biết đi đâu, về đâu.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của các trường. Rồi chuyện số trường này sẽ đi đâu, về đâu và đi như thế nào?
Cho nên cả hệ thống sư phạm phải sớm ổn định. Ngành giáo dục không thể gạt họ ra mà phải tìm cách đổi mới họ, để họ tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo”.
Thực tế, bản thân nhiều trường đào tạo sư phạm đặc biệt là các trường Cao đẳng Sư phạm tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Tâm lý chung là hoang mang và lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng đâu trong giai đoạn tới.Bên cạnh đó hầu hết các trường Cao đẳng Sư phạm đều rất khó tuyển sinh.
Ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: Ngay cả những người ở trong cuộc cũng đang rất băn khoăn trong việc xác định phương hướng cho các trường cao đẳng sư phạm.
Một số người thiếu lạc quan cho là khó xác định lối ra; một số khác lại cho rằng trường cao đẳng sư phạm đang đứng giữa “ngã ba đường”, hoặc phát triển thành trường đại học đa ngành, trong đó có các khoa đào tạo giáo viên, hoặc thành phân hiệu, vệ tinh của trường đại học sư phạm, hoặc thậm chí giải tán, xóa sổ.
Cũng theo ông Hạnh: Cơ chế quản lý trường cao đẳng sư phạm còn nhiều bất cập theo kiểu coi trường sư phạm là trường “phổ thông cấp 4”.
Trường cao đẳng sư phạm thuộc giáo dục nghề nghiệp nhưng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (thường ghép với quản lý giáo dục đại học), lại là đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo. Vì thế nhiều chỉ số liên quan thay đổi theo hướng bất lợi cho các trường cao đẳng.
Khó khăn dành cho nhiều trường sư phạm đặc biệt là các trường sư phạm tại địa phương (Ảnh:V.N) |
Phân tích thêm, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Có thể nhìn thấy rõ một số điểm bất cập của đề án:
Thứ Nhất: Với diện tích đất nước trải dài và dân số gần 100 triệu người nhưng chỉ có 3 trường sư phạm trọng điểm và các phân hiệu là không hợp lý. Việc thành lập các trường sư phạm mới là không hợp lý trong bối cảnh chúng ta còn thiếu kinh phí.
Thứ Hai: Đối với các trường không đạt chuẩn sẽ trở thành phân hiệu cho các trường trọng điểm. Điều này sẽ làm mất đi tính độc lập của các trường trên và khiến cho các trường phải phụ thuộc vào trường trọng điểm.
Thầy Nhĩ nói: “Trong thời điểm chúng ta không có tiền nhưng lại thành lập 3 trường mới. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc nâng cấp cơ sở có sẵn.
Việt Nam đang có 7 vùng kinh tế thì ít nhất mỗi vùng kinh tế phải có một trường. Tôi có thể nhẩm đếm được rất nhiều trường chất lượng như Đại học Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Quy Nhơn, Đại học Cần Thơ…
Chúng ta hoàn toàn có thể nâng câp những trường này lên thay vì thành lập trường mới vừa tốn kém lại bất cập”.
Tháo gỡ khó khăn cho các trường sư phạm địa phương
Đề án: Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường Sư phạm trọng điểm đặc biệt gây khó khăn cho các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm địa phương.
Nhiều trường đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Lấy ví dụ Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định: Khoa Tự nhiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, năm học 2018 - 2019 chỉ có 30 sinh viên. Trong đó, lớp Toán - Tin K39 có 7 sinh viên, lớp Toán –Tin K40 có 3 sinh viên, lớp Giáo dục thể chất chỉ có 2 sinh viên.
Nỗi lòng của một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm địa phương |
Đây đang là thực trạng chung của nhiều trường sư phạm địa phương.
Nếu theo đề án, chuyên gia lo ngại các trường không đúng chuẩn sẽ bị đóng cửa. Điều này rất lãng phí và không nhân văn.
Chính vì thế Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đề xuất:
Thứ Nhất: Đối với các vùng kinh tế hiện nay thì mỗi vùng kinh tế nên có ít nhất 1 trường Đại học Sư phạm trọng điểm. 7 vùng kinh tế có ít nhất 7 vùng.
Như vậy ta có thể tận dụng được cơ sở đào tạo của nhiều trường rất chất lượng như Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn…
Thứ Hai: Thay vì biến các trường hiện nay trở thành vệ tinh, phân hiệu của 3 trường Đại học Sư phạm trọng điểm có thể để các trường độc lập nhưng liên kết với nhau, học tập kinh nghiệm của nhau.
Thầy Nhĩ nói: “Mỗi trường sẽ có một đặc điểm cũng như tính chất và quy mô khác nhau. Vậy tại sao lại thống nhất trở thành phân hiệu hay vệ tinh của một trường khác.
Theo tôi nên để các trường này độc lập nhưng liên kết với nhau, học hỏi kinh nghiệm của nhau”.
Thứ ba: Đối với các trường không đạt chuẩn không nên xóa bỏ mà có thể tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực thành lập các trường thực hành liên cấp hoặc xây dựng những trường phổ thông liên cấp, tư thục.
Tâm lý chung của nhiều trường sư phạm hiện nay là hoang mang, chưa biết đi đâu về đâu (Ảnh:L.H) |
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Những trường này đều có cơ sở vật chất gắn với đào tạo và đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm.
Thay vì xóa bỏ thì rất là uổng. Chúng ta có thể tìm cách cải tạo, nâng cấp và nuôi nó để trở thành các cơ sở thực hành liên cấp từ mầm non đến đại học. Mở rộng mạng lưới đó sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ sở thực hành.
Đối với những cơ sở không đào tạo nữa thì có thể tận dụng cơ sở vật chất xây dựng các trường phổ thông liên cấp.
Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đang quá tải có những lớp 60-70 học sinh. Nếu mình tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên này để mở trường thì vẹn cả đôi đường. Ở đây mình không bỏ mà tìm cách sử dụng nó sao cho hợp lý”.