Nỗi lòng của một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm địa phương

24/08/2019 07:38
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh thì hiện nay nhiều trường sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển.

Các trường sư phạm nói chung, đặc biệt là trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là trường sư phạm) từ lâu đã được xác định hoặc ngầm định là “máy cái” của ngành giáo dục. 

Trong nhiều thập niên qua, các trường sư phạm đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của cả nước, đào tạo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, với chất lượng ngày càng nâng cao. 

Mặc dù được quan tâm, đầu tư; có sự nỗ lực tự thân, nhưng đa số các trường sư phạm  hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ chính sách, cơ chế quản lý đặc biệt là chất lượng đầu vào thấp.

Rõ ràng, sự tồn tại của các trường sư phạm là cần thiết, chưa nói đến đó là quy luật của bất kỳ mọi nền giáo dục. Tuy nhiên để phát triển trường sư phạm cần có định hướng xuất phát từ chính sách và thực tiễn. 

Nỗi lòng của một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm địa phương ảnh 1
Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu thừa nhận ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh thì hiện nay nhiều trường sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển.  (Ảnh: Thùy Linh)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ, ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh thì hiện nay nhiều trường sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. 

Thầy Hạnh lý giải nguyên nhân rằng, cơ chế quản lý trường sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập - theo kiểu coi trường sư phạm là trường “phổ thông cấp 4”. 

Quy mô đào tạo ngày càng giảm, do cắt giảm nhu cầu, chỉ tiêu, nguồn tuyển ít, khó tuyển sinh; cộng thêm thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp (chẳng hạn như không giao thêm nhiệm vụ liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng,…);

Đặc biệt, vị thế trường sư phạm bị hạ thấp. Đa số các trường cao đẳng sư phạm được nâng cấp từ trường Trung học Sư phạm theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quyền hạn, vị trí tương đương cấp sở, ngành.

Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề

Thực hiện nghị định 115/2010/NĐ-CP (nay là nghị định 127/2018/NĐ-CP), trường cao đẳng sư phạm là đơn vị trực thuộc cấp sở (hạ một cấp), quyền hạn, vị trí tương đương cấp phòng.

Thầy Hạnh chia sẻ, trước thực tế trên, nhiều ý kiến, có cả của những người trong cuộc đang rất băn khoăn, lo lắng và lúng túng trong việc xác định phương hướng phát triển của các trường sư phạm. 

Một số người thiếu lạc quan cho là khó xác định lối ra; một số khác lại cho rằng, trường sư phạm đang đứng giữa “ngã ba đường”, hoặc phát triển thành trường đại học đa ngành, trong đó có các khoa đào tạo giáo viên, hoặc thành phân hiệu, vệ tinh của trường đại học sư phạm (mà trong thực tế, là phân hiệu của trường đại học sư phạm cũng sẽ gặp rất nhiều bất cập, cần phải đánh giá lại mô hình này), hoặc thậm chí giải tán, xóa sổ.

Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình, đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trong đó có quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm.

Với đề án này, thầy Hạnh đề xuất: “Chúng tôi thấy rằng với vai trò “máy cái”, trường sư phạm cần được đầu tư về mọi mặt để Trường sư phạm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tại các địa phương và là trung tâm văn hóa, khoa học sư phạm của địa phương”. 

Để thực hiện sứ mạng này, thầy Hạnh cho rằng, trước hết phải xác định rõ ràng bằng quy định, trường cao đẳng sư phạm thuộc giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp hay cả hai? 

Mô hình đào tạo kiểu nối tiếp sẽ giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên
Mô hình đào tạo kiểu nối tiếp sẽ giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên

Bởi lẽ, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định “Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”. 

Đối chiếu theo quy định này, nếu trường sư phạm là trung tâm văn hóa (học tập cộng đồng), là cơ sở nghiên cứu khoa học sư phạm thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.

Thứ hai, cần phải phân tầng đào tạo. Theo đó, trường đại học sư phạm đào tạo trình độ sau đại học là chủ yếu và đào tạo trình độ đại học (một số ngành trường sư phạm  địa phương không đào tạo được hoặc nhu cầu không lớn); trường cao đẳng sư phạm đào tạo trình độ chuẩn; liên kết, phối hợp với trường đại học sư phạm đào tạo trình độ trên chuẩn (đại học).

Sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm theo hướng có phân nhóm (các trường sư phạm địa phương nơi có trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đào tạo giáo viên trình độ đại học; các trường sư phạm địa phương khác) để thành phân hiệu trường đại học sư phạm hoặc sáp nhập với đại học hoặc phát triển thành trường Sư phạm với tên gọi (Trường Sư phạm + địa danh); 

Sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm có lộ trình cụ thể tương ứng với các điều luật liên quan. Chẳng hạn, trong giai đoạn trước mắt có thể giao trường sư phạm đào tạo chuyển tiếp cho các trường đại học sư phạm.

Trường sư phạm là hệ thống vừa đào tạo giáo viên vừa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; đồng thời nên là trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống trường chất lượng (mầm non, phổ thông) là các cơ sở thực hành, thực tập sư phạm.

Đặc biệt, trong những năm trước mắt, giao nhiệm vụ cho trường sư phạm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục.

Thùy Linh