Bộ Giáo dục nêu phương án giảm áp lực sĩ số khi thực hiện chương trình mới

28/08/2019 06:19
Thùy Linh
(GDVN) - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thừa nhận, áp lực sĩ số học sinh là có nhưng không phải cao đều mặt bằng chung mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số học sinh trên lớp bình quân cả nước cách đây vài năm khoảng 28 em/lớp. Hiện nay với chủ trương dồn dịch, gộp các điểm trường để đầu tư một cách bài bản để đón chương trình giáo dục phổ thông mới, bước vào năm học 2019-2020, sĩ số bình quân là 30 em/lớp.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thừa nhận, một số địa phương, vùng trung tâm phát triển nóng, khu công nghiệp tăng dân số cơ học cao dẫn đến sĩ số học sinh cao như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… 

Áp lực sĩ số là có tuy nhiên không phải cao đều mặt bằng chung mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt. Như vậy một số nơi vì áp lực tăng dân số cơ học mới gặp khó khăn này.”, ông Tài nói.

Theo ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thừa nhận, áp lực sĩ số học sinh là có nhưng không phải cao đều mặt bằng chung mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Theo ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thừa nhận, áp lực sĩ số học sinh là có nhưng không phải cao đều mặt bằng chung mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Ông Tài tiết lộ, về lộ trình giải quyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Chính phủ có nhiều chính sách để phát triển giáo dục đối với những vùng này ngay từ bậc mầm non.

Cụ thể, yêu cầu các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ trường lớp ngay từ bậc mầm non để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc phân tuyến tuyển sinh để giải quyết, chia sẻ áp lực sĩ số. 

Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải lách

Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa và giành các cơ sở vật chất hiện có để ưu tiên đủ lớp học cho học sinh. Thậm chí những trường trong diện này cần ưu tiên toàn bộ các phòng hành chính để dồn lại để làm sao có phòng học cho học sinh.

“Thời hạn của chương trình giáo dục phổ thông mới là trên dưới 20 năm nên khi thiết kế chương trình thì cũng tính trên tổng thể chứ chúng ta không chỉ nhìn vào những nơi khó khăn mang tính cá biệt này’, ông Tài chia sẻ. 

Trước đó, kết thúc năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học (với 17.609 điểm trường), trong đó số trường tiểu học công lập là 13.735 (giảm 1.052 trường so với năm học trước) và 260 trường ngoài công lập; tỷ lệ trung bình trường tiểu học/xã là 1,25; tỷ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26; nhiều trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi).

Năm học 2018 - 2019, tỉ lệ trung bình trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc đạt 66% trong đó cả nước có 1.946 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt tỉ lệ 13,9%, tăng 2,9% so với năm học trước. 

Toàn quốc có 247.976 phòng học kiên cố, đạt 71,1%; vẫn còn trên 5% phòng học tạm và mượn.

Thùy Linh