Thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy trong lĩnh vực giáo dục, sáp nhập trường lớp đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực thì nhiều địa phương có tình trạng phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường lớp với lý do con em đi học xa, mất an toàn. Nhưng với Yên Bái, công tác sáp nhập trường lớp lại mang lại hiệu quả cao, đặc biệt lượng trẻ tới trường lại tăng thêm.
Đây là thông tin mà ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 21/8.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái (ảnh Trinh Phúc). |
Theo ông Vương Văn Bằng, chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020, công tác tuyển sinh của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã huy động trẻ ra lớp ở các bậc học đạt kết quả rất tốt.
Đến nay chỉ duy nhất một trường hợp đến 6 tuổi nhưng không ra lớp. Việc huy động các cháu từ 3 đến 5 tuổi đến trường cũng đạt kết quả trên 90%. Số trẻ 5 tuổi đến trường là rất cao.
“Riêng, các cháu trong độ tuổi đi nhà trẻ còn thấp hơn mặt bằng chung trong toàn quốc.
Tuy nhiên, tỉnh cũng có quan tâm và tới đây sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án của Chính phủ về phát triển mầm non” – ông Bằng chia sẻ.
Đây là cách tinh giản biên chế giáo dục nhưng không gây hoang mang cho giáo viên |
Về công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên ông Bằng nêu, tỉnh Yên Bái đã thực hiện bồi dưỡng cập nhật kiến thức cũng như bồi dưỡng để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong năm học vừa rồi tỉnh đã tuyển mới 359 giáo viên và tăng thêm số lượng giáo viên. Sở cũng tổ chức sắp xếp lại đội ngũ đảm bảo việc lên lớp trong năm học mới.
Về cơ sở vật chất, năm qua Yên Bái thực hiện đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường học mang đến kết quả rất tốt.
Giám độc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Trong 3 năm qua, tỉnh Yên Bái đã giảm 128 trường, 370 điểm trường. Tăng số lượng học sinh, đặc biệt số học sinh bán trú cụ thể: toàn tỉnh có 54 trường phổ thông dân tộc bán trú và 52 trường có học sinh bán trú với trên 24 nghìn học sinh bán trú.
Điều này đã tạo điều kiện cho các em ăn ở và tăng cường tiếng Việt, nâng cao chất lượng giáo dục".
Cũng theo ông Vương Văn Bằng, việc đầu tư cơ sở vật chất được tăng cường. Trong 3 năm tỉnh đã đầu tư 500 tỉ đồng vào xây dựng cơ sở vật chất.
Tới đây, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học sẽ được hoàn tất để phục vụ năm học mới.