Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải "lách"

26/04/2018 14:21
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cách chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của Sở Giáo dục Hà Nội đang làm khó chính học sinh, các trường buộc phải "lách" để bảo vệ quyền được lựa chọn của người dân.

Tại Hội thảo "Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp" do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng nay (26/4), Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã có những chia sẻ thẳng thắn về khó khăn, vướng mắc của các trường tư thục Hà Nội trong công tác tuyển sinh.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền gửi lời cảm ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã cho các trường tư thục cơ hội có tiếng nói để làm sao tốt nhất cho học sinh, phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho hay, trước khi diễn ra hội thảo, bà có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền nêu quan điểm về vấn đề tuyển sinh của các trường tư thục. (Ảnh: Lại Cường)
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền nêu quan điểm về vấn đề tuyển sinh của các trường tư thục. (Ảnh: Lại Cường)

“Chúng tôi không nói nhiều đến lợi ích mà chúng tôi mang lại cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Đơn cử một trường công lập đạt chuẩn quốc gia xây dựng mất vài trăm tỷ đồng. Bao nhiêu cơ sở vật chất mà chúng tôi xây dựng tốn bao nhiêu tiền?

Còn với các trường tư thục, nhà nước không cung cấp tài chính, mà chúng tôi tự lo.

Hơn nữa, khác các trường tư thục các nước, chúng tôi còn đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp cũng rất nhiều.

Chúng tôi gửi lời cảm ơn các cơ quan quản lý nhà nước vì cũng được quan tâm, ghi nhận ở một số phương diện.

Trường ngoài công lập cũng được tham gia thi đua với các trường công lập. Chúng tôi cũng có được huân chương, danh hiệu với nhà giáo.

Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn".

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền tập trung phân tích về tuyển sinh đầu vào tiểu học.

Bà Hiền dẫn lại nội dung công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở phải tuyển sinh vào đúng ngày quy định của sở, ngày 1/7/2018. Tức là từ ngày 1/7 đến ngày 3/7, các trường tư thục mới được tuyển sinh.

"Nói nghiêm túc, theo tôi không trường nào không có động thái tuyển sinh trước ngày này.

Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải "lách" ảnh 2Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình"

Tôi giống như thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie – Hà Nội sẵn sàng nhận khiển trách để tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh.

Nếu cứ quy định như thế này, cái khó không rơi vào trường tư như chúng tôi.

Trường tôi cho đăng ký trực tuyến, hiện đã có hơn 2.000 đơn đăng ký. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của chúng tôi chỉ có 500.

Điều này bắt buộc các trường phải lách, nếu không lách sẽ gây khó khăn cho nhân dân.

Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách nhưng mang lại lợi ích cho nhiều phụ huynh. Họ sẽ sớm được biết là con họ có hay không được vào trường”, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền nói.

Bà cho hay, năm trước bà đã gặp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị về việc cởi nút thắt trong tuyển sinh. Bởi mấy năm nay cứ đến lúc tuyển sinh, các trường tư lại khổ.

Tuy nhiên, bà Hiền nhấn mạnh, đến thời điểm này mọi việc vẫn vậy.

"Chúng tôi mong muốn Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển các kiến nghị đến cơ quản quản lý", bà Hiền đề nghị.

Cũng tại buổi hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm mong muốn quyền lợi giáo viên nghỉ hưu ở trường tư cần được đối xử công bằng.

Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải "lách" ảnh 33 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

Bà Hiền chia sẻ câu chuyện về trường hợp một Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm vừa nghỉ hưu chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp có cùng thời gian công tác tại các trường công lập.

Bởi lâu nay cách tính lương hưu cho nhà giáo trường công căn cứ vào mức lương mấy năm trước khi về hưu, nhưng với các nhà giáo trường tư có cùng thâm niên, thì lương hưu lại tính trên mức trung bình toàn bộ thời gian công tác.

Bà đã trao đổi vấn đề này với cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mọi việc giờ vẫn vậy khiến các nhà giáo trường tư rất thiệt thòi.

Quay lại chủ đề về tuyển sinh của trường tư thục, bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tự chủ về tài chính, nhân sự hãy để chúng tôi tự chủ về tuyển sinh”.

Đỗ Thơm