Trường nói không với bóng bay và chai nhựa trong ngày khai giảng
Năm học mới, Triệu Mùi Tá (lớp 5), trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) được các thầy cô vận động và phổ biến: không sử dụng bóng bay và chai nhựa trong ngày khai giảng.
Phóng sự ảnh: Niềm vui cơm có thịt của học sinh bán trú trường Nậm Khắt |
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, em Tá bày tỏ:
“Em thấy đây là một hoạt động rất thiết thực để bảo vệ môi trường.
Mọi năm trong ngày khai giảng sẽ có bóng bay và học sinh được mang chai nhựa.
Nhưng năm nay thầy cô phổ biến không dùng chai nhựa. Bạn nào khát nước thì có thể uống bình nước của trường.
Bọn em cũng được thầy cô dạy là không vứt rác bừa bãi ra môi trường và không sử dụng chai nhựa, túi nilon”.
Xuất phát từ một bức thư của học sinh lớp 5, Nguyệt Linh, đề nghị không thả bóng bay, đến nay phong trào: nói không với thả bóng bay trong ngày khai giảng đã lan rộng tại Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh thành phố khác.
Điều đáng mừng, ngay cả một ngôi trường vùng cao như trường Bản Công – nơi điều kiện học tập và sinh sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò của trường lại làm được hành động ý nghĩa này.
Đây là một tín hiệu cho thấy nhận thức của học sinh vùng cao ngày càng tiến bộ và chuyển biến rõ rệt.
Học sinh trường Bản Công tập trung trước thềm năm học mới (Ảnh:V.N) |
Thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng trường Bản Công cho biết: “Đây là năm đầu tiên trường thực hiện phong trào nói không với việc thả bóng bay và sử dụng chai nhựa trong ngày khai giảng.
Phong trào này cũng xuất phát từ bức thư của một học sinh tại Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy đây là một hành động ý nghĩa giáo dục học sinh về đức tính bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi.
Nhà trường cũng định hướng cho giáo viên thông qua các lớp tập huấn ngắn ngày, giáo dục kỹ năng sống để đảm đương công việc một cách tốt hơn.
Thông qua những hoạt động như thế này chúng tôi cảm thấy ý thức của các em ngày càng tiến bộ.
Có những em trở thành tuyên truyền viên, vận động gia đình thay đổi lối sống văn minh hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng”.
Học sinh được tuyên truyền không thả bóng bay và sử dụng chai nhựa để bảo vệ môi trường (Ảnh:V.N) |
Mấy năm trước, khi có dịp đi ngang qua vùng tây Yên Bái, chúng tôi không khỏi buốt lòng chứng kiến cảnh những đứa bé tóc lởm chởm râu ngô, chân đi đất, quần áo lấm lem, lội bùn đi học.
Nay quay trở lại mới thấy sự thay da đổi thịt của giáo dục vùng cao. Những ngôi trường khang trang trong mây trắng đầy đủ trang thiết bị học tập. Học sinh đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, gặp người lớn khoanh tay chào hỏi.
Những hình ảnh này đôi khi không được nhìn thấy nhiều tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Từ một câu chuyện nhỏ để thấy được sự thay đổi trong nhận thức của ngành giáo dục vùng cao.
Nếu như trước đây giáo dục vùng cao chỉ tập trung xóa nạn mù chữ thì hiện nay học sinh được giáo dục toàn diện hơn về văn, thể mỹ, được học tiếng Anh, tin học, có thư viện ngoài trời…
Học sinh được dạy dỗ và phát triển toàn diện văn, thể, mỹ (Ảnh:V.N) |
Không chỉ dừng lại đó, các em còn được dạy dỗ cẩn thận kỹ năng sống, được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Thay đổi một đứa trẻ biết đọc thông viết thạo chỉ là một phần, thay đổi một lối sống, tập quán để các em hòa nhập hơn với cuộc sống hiện đại mới là khó. Và ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đang làm rất tốt điều này.
Điều đó đúng với cam kết đầy tâm huyết của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái: “Chúng tôi cam kết trong năm học này sẽ không có trường nào thả bóng bay trong ngày khai giảng”.
Ở Hà Nội, nếu Nguyệt Linh biết được rằng bức thư của em có sức tác động rất lớn. Chắc chắn một lần Linh sẽ muốn lên trường Bản Công để dự khai giảng 1 lần.
Nhiều tín hiệu đáng mừng trong dịp đầu năm học mới
Sự thay đổi trong nhận thức của học sinh và phụ huynh vùng cao được cải thiện rõ rệt trong nhiều năm trở lại đây.
Óng nói Óng cũng thích đi học, nhưng... |
Nếu như những năm trước ông Triệu Lang Tài thường khất lần, khất lượt việc đưa con đến trường thì nay cả hai vợ chồng đều bỏ việc nương rẫy đưa em Tá đến trường nhập học.
Ông Tài phấn khởi nói: “Trước đây mình không hiểu nên bắt con ở nhà làm nương rẫy.
Nó nghỉ hè về đều bảo đi học vui lắm, bạn bè ai cũng đi học mà bắt nó ở nhà.
Đến trường thấy con được ăn uống ngon, ngủ chỗ ấm mình cũng yên tâm cho con đi học.
Bây giờ mình thay đổi nhiều rồi không bắt con ở nhà nữa. Không đi học mình còn đánh đòn cho”.
Nói về sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh vùng cao, thầy Tiến hồ hởi:
“Bây giờ nhận thức của người dân cũng khá hơn trước rất nhiều. Họ quan tâm hơn đến việc học của con em mình.
Trước đây như mọi năm việc vận động học sinh đi học rất vất vả. Hầu như phải huy động cả hệ thống chính quyền vào cuộc cùng toàn thể thầy cô trong trường.
Có những gia đình phải nhờ đến trưởng thôn xuống gặp và vận động họ mới cho con đến trường.
Nhưng bây giờ nhận thức của phụ huynh đã khá hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng”.
Học sinh chăm chỉ đi học, tín hiệu đáng mừng trước năm học mới (Ảnh:V.N) |
Lễ khai giảng tại trường Bản Công trong năm học 2019-2020 sẽ diễn ra vào ngày 5/9/2019.
Nhà trường tổ chức lễ khai giảng theo hướng tinh giản, tiết kiệm hướng về học sinh.
Bên cạnh công tác dạy và học, nhà trường cũng mong muốn mỗi học sinh là một tuyên truyền viên, thay đổi nếp sống thôn bản.
Giờ đây có những đứa bé loắt choắt đã liến thoắng thuyết trình về cách phân loại rác, sử dụng nhà vệ sinh đúng cách và bảo vệ môi trường.
Những chuyển biến này hứa hẹn một tương lai xán lạn cho giáo dục vùng cao.