Chúng tôi thăm trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Khắt (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) để thấy tận mắt sự hiệu quả của chính sách dồn điểm lẻ về điểm chính; trường học bán trú; bữa cơm có thịt và lắng nghe những ước mơ cháy bỏng của các em học sinh.
Con dốc thoai thoải dẫn vào trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt thấp thoáng bóng dáng chiếc khăn quàng đỏ xinh xinh.
Những cậu bé dân tộc Mông chạy chân sáo, hát ê a vài câu hát bản địa.
Quãng đường từ nhà các em đến trường dài ước chừng 5km. Ấy vậy mà muốn đi cũng hết nửa ngày trời.
Theo chân các em chúng tôi có mặt kịp giờ ăn trưa của nhà trường. Từ các lớp học trẻ ùa ra như đàn chim non vỡ tổ để “tận hưởng” một bữa cơm có thịt.
|
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt là một trong những ngôi trường khang trang nhất của huyện Mù Cang Chải, được nhà nước đầu tư theo mô hình dồn điểm lẻ đang thí điểm rất thành công tại tỉnh Yên Bái (Ảnh:V.N) |
|
Trường Nậm Khắt có tất cả 572 học sinh chia làm 5 khối từ lớp 1 đến lớp 5. Các em phần lớn là con em người Mông, người Thái, điều kiện gia đình hết sức khó khăn (Ảnh:V.N) |
|
Ước mơ của nhiều bé gái nơi đây là có thể được học đại học và chọn nghề giáo viên (Ảnh:V.N) |
Vàng Thị Kha chia sẻ: “Em rất muốn được trở thành giáo viên như cô chủ nhiệm lớp em, cô Thủy để có thể đem con chữ đến những đứa trẻ ở thôn bản em. Em luôn được các cô động viên phải học chăm chỉ nếu muốn trở thành giáo viên”.
|
Cậu bé Và A Chử lễ phép khoanh tay chào người lớn. Các em ở đây đều có ý thức học tập rất tốt và rất ngoan ngoãn, lễ phép (Ảnh:V.N) |
|
Nhà trường giáo dục các em về tri thức và kỹ năng sống nên hầu hết học sinh nơi đây đều có ý thức bảo vệ môi trường và khuôn viên lớp học (Ảnh:V.N) |
|
Góc học và thư viện ngoài trời của nhà trường luôn rộn rã tiếng cười của thầy trò (Ảnh:V.N) |
Mô hình thư viện ngoài trời của trường Nậm Khắt đang là một điểm sáng trong phong trào đẩy mạnh văn hóa đọc do Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Yên Bái phát động
|
Bên cạnh việc giảng dạy, nhà trường cũng rất chú trọng hoạt động văn thể mỹ cho học sinh (Ảnh:V.N) |
Mỗi tuần nhà trường đều tổ chức hai buổi văn nghệ cho học sinh. Câu lạc bộ văn nghệ của nhà trường thường xuyên đạt giải cao trong các hoạt động do Đoàn, Đội tổ chức.
|
Bữa cơm trưa được chuẩn bị với hơn 500 suất ăn là một nỗ lực không nhỏ của nhà trường trong điều kiện còn khó khăn (Ảnh:V.N) |
|
Suất cơm trưa của các bé được chuẩn bị chu đáo, vệ sinh với đầy đủ cơm, thịt, giò và canh (Ảnh:V.N) |
So với vùng đồng bằng thì suất ăn này rất đỗi bình thường nhưng đối với trẻ em ở nơi đây thì suất ăn này chính là một “món quà”.
Đi học để được ăn cơm với thịt và có trợ cấp của nhà nước. Cái lý tưởng chừng vô lý nhưng lại rất có lý trong suy nghĩ của những đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mông tại huyện nghèo Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái.
|
Nằm trong vùng 135 kinh tế đặc biệt khó khăn nên hầu hết các em đều thuộc hộ nghèo (Ảnh:V.N) |
Vừ Sùng Chính cho biết: “Ở nhà em chỉ ăn cơm với măng cay. Đến lớp mới có thịt đặc biệt là chủ nhật các cô nấu thêm món cháo và có cả phở nữa. Bọn em ai cũng mong đến chủ nhật để được ăn phở”.
|
Các em thưởng thức bữa ăn một cách ngon lành. Ở nhà, nhiều em chỉ được ăn cơm trắng, măng cay, muối ớt (Ảnh:V.N) |
|
Từ khi đi học tại trường bán trú Nậm Khắt, Vang Seo đã tăng lên 3 kg. Em hào hứng cho biết trước đây mình rất gầy đi học chỉ có măng cay và chút vừng. Từ ngày sáp nhập điểm lẻ học ở đây em thường xuyên được ăn cơm với thịt (Ảnh:V.N) |
|
Để cải thiện bữa ăn cho các em các thầy cô giáo tích cực tăng gia sản xuất để có thêm mớ rau, con cá cải thiện bữa ăn cho các bé (Ảnh:V.N) |
|
Học sinh cũng được dạy trồng rau, chăm con lợn, con gà để có thêm nguồn thực phẩm (Ảnh:V.N) |
|
Cô Nguyễn Thị Liên, hiệu trường trưởng Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt vui mừng chia sẻ những thành tích nhà trường đã đạt được. Đặc biệt là thành công của mô hình dồn điểm lẻ về điểm chính, mô hình vườn rau cho em và bữa ăn “cơm có thịt” do nhà trường tổ chức (Ảnh:V.N) |
Những câu chuyện về sự khởi sắc của giáo dục vùng cao vẫn là những điểm sáng đáng để ngưỡng mộ.
Nhiều học sinh cho biết các em yêu quý ngôi trường của mình như ngôi nhà thứ hai.
Vũ Ninh