Óng nói Óng cũng thích đi học, nhưng...

23/08/2019 07:05
Nguyễn Toan - Trần Phương
(GDVN) - Ở vùng cao, trước thềm năm học mới, nhiệm vụ không kém phần quan trọng của các thầy cô giáo là đi vận động học sinh. Xa xôi mà vất vả

“Đột kích” nhà học sinh

Đường vào Nàn Sỉn (huyện Xín Mần, Hà Giang) mùa này cỏ cây xanh mướt, những vạt guột xanh rì bên dưới tan cây tông quán sủ và sa mộc, hai loại cây đặc hữu chống chọi lại mùa đông khắc nghiệt của nơi biên cương xa xôi này.

Nàn Sỉn nằm khuất mình ở mặt sau của dãy núi Gia Long, tựa lưng vào núi nhìn về nước bạn.

Nàn Sỉn lúc này đang rộn ràng chuẩn bị hạ tầng cho các em vào năm học mới.

Ly Thị Óng sẽ đến trường cùng chúng bạn, nhưng hành trình để Óng đến lớp cần tấm chân tình của người thầy vùng cao. (Ảnh: Nguyễn Toan)
Ly Thị Óng sẽ đến trường cùng chúng bạn, nhưng hành trình để Óng đến lớp cần tấm chân tình của người thầy vùng cao. (Ảnh: Nguyễn Toan)

Những năm gần đây với sự đầu tư, quan tâm phát triển giáo dục vùng cao, các em học sinh và phụ huynh đã được nâng cao nhận thức tự giác đưa con em tới trường nhưng vẫn còn một số ít cần được các thầy cô tới nhà vận động mới đồng ý đến tựu trường cùng thầy cô, bạn bè.

Phần vì hoàn cảnh đường xá đi lại vất vả phần vì nhà xa trường kinh tế còn khó khăn nên tình trạng con, em ở Nàn Sỉn nói riêng và Xín mần nói chung sau thời gian nghỉ hè không chịu đến nhập học diễn ra gần như ở mọi xã.

Thầy Tô Quang Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đưa chúng tôi lên Nàn Sỉn, một trong 4 xã biên giới có điều kiện giao thông và hạ tầng còn nghèo nàn để cùng thầy cô giáo vận động học sinh đến trường.

Tại trường mầm non Nàn Xỉn trao đổi với cô giáo Trần Thị Ngọc Bích được biết ở các lớp mầm phụ huynh đã tự giác đưa con em đến lớp đầy đủ nên công tác vận động năm nay đỡ vất vả hơn.

Đường vào nhà Óng là quãng đường đi bộ 2 Km đường núi, quanh những nương lúa chín. (Ảnh: Nguyễn Toan)
Đường vào nhà Óng là quãng đường đi bộ 2 Km đường núi, quanh những nương lúa chín. (Ảnh: Nguyễn Toan)

Trường Tiểu học Nàn Sỉn có 23 lớp với 1 trường chính và 7 điểm lẻ tại các thôn với 464 học sinh, tới thời điểm hiện tại đã có 452 em nhập học còn một số em cần được vận động.

Học sinh trên địa bàn xã gồm dân tộc Nùng, Mông, La Chí và Phù Lá nên để các em đến lớp và duy trì sĩ số còn nhiều gian nan với các thầy cô giáo.

Con đường đến thôn Đông Lợi chỉ có 1 km từ trung tâm xã đã bê tông hóa còn lại hơn 10km là đường đất đỏ.

Cảm động cô học trò địu em trai trên lưng, vượt hơn 3 km để tới trường
Cảm động cô học trò địu em trai trên lưng, vượt hơn 3 km để tới trường

Để vận động được 1 học sinh đến lớp cần đến 2 thầy giáo, thầy Lù Văn Lợi và thầy Lý Văn Thắng, thôn này 2 thầy sẽ đến nói chuyện với gia đình em Ly Thị Óng.

Thầy giáo Thắng nói đường này trời mưa đi thì khổ lắm ban đầu tôi không tin vì đoạn đầu khá bằng phẳng, hai bên cỏ xanh mượt, cây sa mộc thẳng tắp vươn mình lên trời làm cọc tiêu, nhưng chỉ lúc sau đường càng dốc và nhỏ dần những rảnh nứt xuất hiện nhiều khiến tôi dù quá quen với đường vùng cao vẫn phải ngồi ngay ngắn lại sau xe thầy Thắng.

Thôn Đông Lợi nằm tách hẳn ra khỏi địa phận xã Nàn Sỉn gần như thuộc về xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì.

Muốn đi xe máy tới thôn phải vòng qua xã bản Phùng nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì và những ngôi mộ giả của Hoàng Vần Thùng vua của người La Chí, chủ nhân của mảnh đất này.

Thôn Đông Lợi 100 % là người dân tộc La Chí, gia đình em học sinh chúng tôi tới vận động cũng là dân tộc La Chí một nhóm dân tộc ít người có văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt trên đất  Hà Giang.

Các thầy cô phải "đột kích" nhà học sinh mới mong được gặp các em. (Ảnh: Nguyễn Toan)
Các thầy cô phải "đột kích" nhà học sinh mới mong được gặp các em. (Ảnh: Nguyễn Toan)

Mãi tới lúc này khi trò chuyện dọc đường tôi mới biết thầy giáo Thắng là người dân tộc La Chí đã công tác ở trường được 4 năm là một người được các thầy cô mầm non và tiểu học tin tưởng trong các chuyến vận động học sinh người dân tộc La Chí.

Thầy Lợi nói nếu không có thầy Thắng đi cùng khó mà vận động được các em học sinh vì phụ huynh biết rất ít tiếng phổ thông.

Hai chiếc xe máy gằn trên những con dốc lở lói khiến bao lần tôi ngồi phía sau phải nhảy xuống đi bộ dù thầy Thắng là một tay lái cừ.

Chúng tôi dừng một chút tại điểm trường Đông Lợi nơi các em lớp mầm và lớp 1 + 2 học tại đây.

Cũng từ đây xe máy chỉ đi được tầm 2 km nữa còn lại sẽ phải cuốc bộ vào nhà em Óng.

Lối mòn bé nằm trên bờ ruộng và những con dốc khiến cho chúng tôi không khỏi mệt mỏi.

Trong đầu tôi xuất hiện một suy nghĩ nếu không hẹn trước liệu chuyến đi có công cốc khi tới nhà bố mẹ và em không ở nhà.

Ly Thị Óng nhút nhát che mặt khi mẹ tiếp thầy giáo. (Ảnh: Nguyễn Toan)
Ly Thị Óng nhút nhát che mặt khi mẹ tiếp thầy giáo. (Ảnh: Nguyễn Toan)

Giải đáp thắc mắc của tôi thầy Thắng cho biết nhiều lần mình đi vận động gọi điện hẹn trước cả phụ huynh và học sinh đều không ở nhà.

Có lúc chỉ nhìn thấy xe mình đến gần các em bỏ chạy lên rừng đi chơi hết lại phải về, thế nên cứ phải “đột kích” bất ngờ mới có hiệu quả.

Ước mơ của Óng

Có nhiều lý do để các em học sinh không tới lớp, nhà do nghèo ở nhà phụ giúp bố mẹ, xa trường không người đưa đón.

Với em Ly Thị Óng lý do lại xuất phát từ em, Óng học lớp 4, đã theo học ở trường chính một năm nhưng hay ốm vặt nên không muốn ở trường dù thầy cô và mẹ đã vận động nhiều lần.

Ngôi nhà sàn của Óng nằm tách biệt hoàn toàn với mọi nhà khác trong bản, thậm chí không có đường mòn để vào.

Thầy Thắng dẫn chúng tôi men bờ ruộng, vượt một con dốc đứng mới tới trước nhà.

Cả ba người thở lấy hơi một lúc, thầy Thắng mới cất tiếng gọi bằng tiếng La Chí, từ trong nhà mẹ và ba chị em Óng ra cửa đón.

Ly Thị Óng (áo xanh) và bữa cơm với mỳ tôm của những đứa trẻ người La Chí. (Ảnh Nguyễn Toan)
Ly Thị Óng (áo xanh) và bữa cơm với mỳ tôm của những đứa trẻ người La Chí. (Ảnh Nguyễn Toan)

Ngại ngùng và nhút nhát ba chị em Ly Thị Nề, Ly A Phà, Ly Thị Óng núp sau cột nhà xem mẹ tiếp các thầy.

Chị Lùng Thị Dể mẹ em Óng ở một mình với 3 đứa con, chồng chị đi làm thuê đã nửa tháng chưa về, nhà neo người tuềnh toàng và cơ cực.

Hà Nội không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới
Hà Nội không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới

Chị nói vẫn cho Óng và anh, chị đi học dù đường xa nhưng cái Óng hay ốm, đêm hay bị đau bụng nên không muốn ở lại trường.

Thầy Thắng trò chuyện với chị thật nhiều bằng tiếng La Chí rồi thuật lại cho chúng tôi.

Óng nhút nhát mãi chẳng chịu lại gần nghe thầy vận động về sau chạy ra sàn phơi thóc ngồi, thầy Thắng ra ngồi bên cạnh dỗ dành ân cần khuyên em đến lớp cùng bạn bè mãi mới nhận được cái gật đầu của em.

Óng nói Óng cũng thích đi học, cũng có ước mơ để làm một người có ích, Óng cũng thích được vui đùa cùng chúng bạn, Óng thích nhiều thứ lắm, nhưng….

Óng ốm yếu hay phải xin mẹ thuốc nên Óng sợ…

Chuyện của thầy và trò, bằng tấm chân tình của mình, thầy Thắng mới nhận được cái gật đầu của Óng. (Ảnh: Nguyễn Toan)
Chuyện của thầy và trò, bằng tấm chân tình của mình, thầy Thắng mới nhận được cái gật đầu của Óng. (Ảnh: Nguyễn Toan)

Nhưng vẫn chưa yên tâm, hai thầy cùng lấy những hình ảnh, video các bạn đến nhập học chơi đùa ra cho Óng xem mãi mới nhận được cái gật đầu đầy hi vọng nữa của em.

Để vận động được học sinh các thầy cô nơi núi cao phải thấu hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để đánh đúng tâm lý mới được các em đến lớp cùng bạn bè…

Tâm sự về những lần vận động học sinh, thầy Lý Văn Thắng cho biết có lần vận động một học sinh anh phải lặn lội đến nhà 10 lần mới nhận được cái gật đầu của em ấy.

Nhiều em vận động vất vả mới chịu tới trường nhưng đã tới là không muốn về chỉ muốn ở với bạn bè thầy cô mãi.

Nguyễn Toan - Trần Phương