"Đào tạo kép" sẽ là đòn bẩy nâng chất lượng đào tạo nghề

26/09/2019 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Đặc điểm chính của "đào tạo kép" là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề được tài trợ công khai. Sự hợp tác này được quy định trong luật.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện trong giai đoạn 2012-2017 tuy nhiên tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 1/5 lực lượng lao động phản ánh phần nào những yêu cầu trong việc đào tạo lao động của các doanh nghiệp khi tuyển dụng, kéo theo gia tăng chi phí kinh doanh. 

Trước tình trạng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế, ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nêu nguyên nhân:

Do tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, thiếu thợ lành nghề; khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của lao động thấp; trình độ ngoại ngữ, tin học không cao, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn bất cập; tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm qua. 

Thầy Khánh thông tin tại hội thảo giáo dục 2019 rằng, theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản, chăm chỉ, tuân thủ quy định, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh nhưng tinh thần, ý thức, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp không được đánh giá cao, năng lực làm việc tập thể thấp.

"Nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài", ông Khánh nói và cho rằng phần lớn là vì chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu.

Theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản, chăm chỉ, tuân thủ quy định, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh (Ảnh minh họa trên VTV)
Theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản, chăm chỉ, tuân thủ quy định, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh (Ảnh minh họa trên VTV)

Cũng nhìn nhận ra những nguyên nhân đó, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho rằng trong những yếu tố nâng chất lượng đào tạo nghề thì việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp phải xác định là khâu đột phá.

Ông Ngọc đề cập đến "hệ thống đào tạo kép" mà nhiều nước tiên tiến đã áp dụng như Đức, Nhật Bản. Đặc điểm chính của "đào tạo kép" là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề được tài trợ công khai. Sự hợp tác này được quy định trong luật. 

Theo đó, học viên trong hệ thống đào tạo kép thường dành một phần mỗi tuần tại một trường dạy nghề và phần khác tại một công ty hoặc họ có thể dành thời gian dài hơn ở mỗi nơi trước khi xen kỹ. Đào tạo kép thường kéo dài 2 đến 3,5 năm. 

Nhiều nhà đầu tư lớn dịch chuyển đến Việt Nam, giỏi nghề sẽ có nhiều cơ hội

“Doanh nghiệp tham gia chương trình "đào tạo kép" coi việc tham gia đào tạo nghề là hình thức tuyển dụng nhân sự tốt nhất. Các công ty cung cấp đào tạo không chỉ tiết kiệm chi phí tuyển dụng mà còn tránh rủi ro thuê nhân viên sai cho công việc.

Do đó, đầu tư vào đào tạo chất lượng cao là một yếu tố quan trọng để thành công trong một thế giới ngày càng cạnh tranh”, ông Ngọc nhấn mạnh. 

Lợi ích của người học trong "đào tạo kép" là được đào tạo liên quan tới nhu cầu thị trường, giúp họ cải thiện cơ hội việc làm, cơ hội nâng cao kỹ năng đáp ứng những đổi mới mới nhất của thời đại kỹ thuật số, công nghệ lần thứ tư, mở rộng cơ hội tham gia xã hội và hội nhập.

Từ đó, giải pháp đột phá trước hết cần luật hóa các quy định tại các luật (Luật doanh nghiệp, Luật giáo dục nghề nghiệp...), các chính sách quy định công khai quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Nhà nước cũng cần trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo để linh hoạt trong quá trình đào tạo, cùng với đó là trách nhiệm giải trình, thực hành giám sát xã hội.

Thùy Linh