Theo kết quả nghiên cứu nhiều năm của Ngân hàng Thế giới, 6/10 công việc ở Việt Nam đòi hỏi lao động cần phải qua đào tạo, rất nhiều công việc hiện không còn phù hợp trong một vài năm tới, phần lớn lao động Việt Nam chưa đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu, do đào tạo không bắt kịp xu hướng phát triển.
Việt Nam có cơ cấu lao động trẻ chiếm đa số nhưng đáng ngại là hơn 50% trong số này chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, trình độ nghề và năng suất lao động tương đối thấp so với Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia...
Theo chuyên gia của Ngân hàng thế giới- bà Wendy Cunningham: “Tăng trưởng của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào tỉ trọng lao động đã qua đào tạo.
Nền kinh tế trong tương lai, nội hàm tri thức trong từng công việc tăng rất nhiều. Một yếu tố để thu hút đầu tư nước ngoài là nhìn vào năng suất lao động. Những điều này tạo áp lực đối với giáo dục nghề nghiệp và càng áp lực hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”.
Áp lực đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đến từ nhiều thách thức bên trong, trong đó có vấn đề hệ thống.
Nhìn thực tế để đối chiếu tính hiệu quả của hệ thống thể chế chính sách, song cũng là cơ sở đánh giá năng lực các trường.
Chia sẻ tại hội thảo giáo dục 2019, ông Bùi Phương Việt Anh - Công ty đào tạo nhân lực EAS cũng là một người có thâm niên đưa học sinh đi thi tay nghề quốc tế cho rằng, giáo dục nghề nghiệp chưa phát triển không phải lỗi của người học chỉ thích đại học và cũng không phải do các trường đại học hút hết người.
“Mà do chúng ta chưa giúp cho xã hội nhận thức được rằng quan trọng là trình độ năng lực chứ không phải bằng cấp. Cùng với đó, chúng ta phải làm sao thay đổi nhận thức rằng, đào tạo theo yêu cầu của xã hội chứ không phải theo những gì mình có”, ông Việt Anh nêu quan điểm.
Ông Bùi Phương Việt Anh - Công ty đào tạo nhân lực EAS cũng là một người có thâm niên đưa học sinh đi thi tay nghề quốc tế cho rằng, giáo dục nghề nghiệp chưa phát triển không phải lỗi của người học chỉ thích đại học và cũng không phải do các trường đại học hút hết người. (Ảnh: Thùy Linh) |
Cũng là chủ doanh nghiệp, ông Việt Anh nêu một loại các vấn đề tồn tại hiện nay: đào tạo quá lệch yêu cầu thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, chỉ dạy những gì mà trường có chứ không phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường.
"Nhiều giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường nghề không hề có thực tế về nghề nghiệp. Do đó chất lượng đào tạo theo hướng chủ quan hóa.
Doanh nghiệp tôi giờ phút này thiếu tới 14 kế toán nhưng không thể tuyển được. Bởi có chuyên môn thì mù tịt ngoại ngữ, có ngoại ngữ thì không sử dụng được máy tính,…”, ông Việt Anh nói.
Thực tế này cho thấy để tìm được nhân lực đúng với doanh nghiệp cần tuyển rất khó nếu không có liên hệ chặt chẽ với cơ sở đào tạo.
Nhiều nhà đầu tư lớn dịch chuyển đến Việt Nam, giỏi nghề sẽ có nhiều cơ hội |
Do vậy, theo ông Bùi Phương Việt Anh, chúng ta cần tháo gỡ cơ chế để thu hút các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa để đón nhận lực lượng lao động, chấp nhận rủi ro.
Đồng thời, phải cho doanh nghiệp thấy được lợi ích thực sự khi sử dụng lao động. Nhưng để làm được điều đó, câu hỏi đặt ra là kỹ năng đào tạo liệu đã phù hợp?
"Chất lượng giáo dục Việt Nam có tốt không? Khẳng định, giáo dục của nước ta rất tốt nhưng quan trọng là tốt so với tiêu chuẩn nào? Có phục vụ, đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp hay không?", ông Việt Anh đặt câu hỏi.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Việt Anh nhận định, cách đào tạo của chúng ta quá xa rời so với thực tế, chưa sát với thực tế.
“Ra nước ngoài, tay nghề của học viên Việt Nam không thua kém nhưng kỹ năng nghề khá tệ. Đi thực tế các trường mới thấy đào tạo còn hình thức, nếu đổ lỗi cho các trường đại học tuyển quá nhiều là thiếu trách nhiệm.
Vấn đề là giáo dục nghề nghiệp thời gian qua như thế nào? Nếu cung cấp cho xã hội lao động có chất lượng, thu nhập tốt thì niềm tin vào học nghề sẽ tăng lên, song thực tế không được như vậy”, ông Việt Anh nói.
Cuối cùng, ông Việt Anh cảnh báo, nếu không đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn mực quốc tế, hẳn nhiên chúng ta sẽ thua trên sân nhà.
Trong khi đó, một đại diện Hiệp hội chế biến gỗ của Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thực tế rằng có tới hơn 50% công nhân chế biến gỗ phải đào tạo lại điều đó chứng tỏ khi phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Bởi lẽ, giáo viên dạy kiến thức xong, học viên tới doanh nghiệp thực hành thì việc lấy các nguồn tại doanh nghiệp thấy không khớp với nhau.
Do đó, theo vị này cũng cần phải xây dựng tiêu chuẩn, chương trình phù hợp khi liên kết doanh nghiệp.
“Trong quá trình liên kết, chúng tôi cũng thấy hệ thống máy móc, thiết bị và công nghệ của các nhà trường thường không đáp ứng được yêu cầu và thực tiễn của các doanh nghiệp đang sử dụng. Do đó học viên khi ra các doanh nghiệp thì không sử dụng được những máy móc đó”, vị này nói.