Chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ không có gì sai!

06/10/2019 06:03
Vũ Ninh
(GDVN) - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền đào tạo thẳng lên thạc sĩ, việc này hoàn toàn có cơ sở và được đánh giá cao trong thực tiễn.

Chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ là có cơ sở

Một thông tin đáng chú ý trong những ngày gần đây, khi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên thạc sĩ.

Người dự tuyển là sinh viên năm 3 và 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 điểm trở lên trong thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông. 

Các đơn vị cơ sở sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình này.

Năm nay, Lò sản xuất tiến sĩ muốn đào tạo 1.600 thạc sĩ
Năm nay, Lò sản xuất tiến sĩ muốn đào tạo 1.600 thạc sĩ

Hình thức tuyển sinh là xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá 50% chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng.

Sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số báo đưa tin: Chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ.

Điều này khiến cho dư luận xã hội có cái nhìn chưa cụ thể cũng như hiểu đúng về quy định này.

Thậm chí một số bình luận tiêu cực còn ám chỉ rằng: Việc chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ sẽ dẫn đến tình trạng “phổ cập thạc sỹ”, “thạc sỹ, tiến sĩ giấy”.

Để làm sáng tỏ thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.

Theo giải thích của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đây là hình thức đào tạo thẳng "một lèo" lên thạc sĩ. 

Hình thức này đã xuất hiện trong thời kỳ bao cấp và vẫn đang được một số quốc gia như Liên Bang Nga, Đức, Mỹ… áp dụng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến trả lời: “Việc đào tạo thẳng một lèo lên thạc sĩ là chuyện có thật đang tồn tại trong thực tiễn. Tại một số quốc gia như Nga, Đức, Mỹ…vẫn tồn tại hình thức đào tạo kiểu này.

Hiểu như thế này, đối với hệ đại học đa phần trình độ thấp nhất là hệ cử nhân. Và nếu như có bằng cử nhân có thể học liên tục theo hướng cung cấp kiến thức tiềm năng ta có bằng thạc sĩ.

Còn nếu học theo hướng đi sâu về nghề nghiệp, ta học 1 năm để lấy cái bằng kỹ sư.

Thời kỳ bao cấp Việt Nam cũng từng đào tạo thẳng một lèo lên thạc sĩ và kỹ sư. Nhưng từ khi nước ta đổi mới thì tách ra như thế.

Hiện nay, luật giáo dục viết điều đó không rõ ràng lắm. Theo tôi, nếu chiếu đúng theo luật giáo dục thì chỉ có cái bằng gọi là bằng đại học thôi.

Học 4 năm lấy bằng cử nhân, học 5 năm hay 6 năm lấy bằng kỹ sư hay bác sĩ”.

Việc đào tạo thẳng lên thạc sĩ hoàn toàn có cơ sở để thực hiện (Ảnh:L.T)
Việc đào tạo thẳng lên thạc sĩ hoàn toàn có cơ sở để thực hiện (Ảnh:L.T)

Trong luật giáo dục hiện nay không có quy định về hình thức đào tạo thẳng lên thạc sĩ. 

Nhưng một số trường có quyền cao hơn, không phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể đào tạo theo hình thức này.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói: “Đối với một số trường chẳng hạn như Đại học Quốc gia họ có quyền cao hơn và không phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo họ có thể học tập kinh nghiệm của một số quốc gia khác đào tạo thẳng một lèo thành thạc sĩ.

Nhưng chỉ áp dụng với Đại học Quốc gia thì có quyền đó còn các trường Đại học khác không phải Đại học nào cũng có quyền đó. 

Bởi theo quy định hiện nay thì Đại học Quốc gia đứng dưới sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng cho nên họ không cần thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với các trường khác (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) nếu trường đại học có đào tạo liên kết với các trường nước ngoài cấp bằng thạc sĩ thì được còn trong hệ thống giáo dục Việt Nam thì không”.

Nói về ưu nhược điểm của hình thức đào tạo thẳng lên thạc sỹ, tiến sĩ Lê Viết Khuyến giải thích: 

“Việc đánh giá ưu điểm có hay không phải gắn với hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia.

Đối với bằng cử nhân thông thường, khi ra trường anh có thể làm việc trong một tập thể và dưới sự giúp đỡ của mọi người, qua quá trình trưởng thành, đúc rút kinh nghiệm và học cao lên có thể trở thành các chuyên gia và có khả năng làm việc độc lập.

Còn đối với hình thức đào tạo lên thẳng thạc sĩ thì sau thời gian đào tạo anh có thể trở thành chuyên gia làm việc độc lập được ngay”.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm hình thức đào tạo thẳng lên Thạc sĩ trong 2 năm (Ảnh:vnuhcm.edu.vn)
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm hình thức đào tạo thẳng lên Thạc sĩ trong 2 năm (Ảnh:vnuhcm.edu.vn)

Như vậy, có thể thấy việc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thí điểm hình thức đào tạo lên thẳng thạc sĩ là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và thực tiễn. 

Điều này phù hợp với khẳng định của ông Vũ Phan Tú, trưởng ban sau Đại học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Mục tiêu quan trọng của chương trình này nhằm rút ngắn thời gian học đại học và thạc sĩ của người học. 

Tuy nhiên, yêu cầu của người học với chương trình này là phải có học lực khá giỏi, còn cơ sở đào tạo phải được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc trường với ngành học triển khai.

Vì thế trước khi có đánh giá toàn diện, dư luận xã hội không nên có cái nhìn quá tiêu cực về hình thức đào tạo này nhất là khi nó mới chỉ trong giai đoạn thí điểm.

Chưa có tiêu chuẩn cụ thể cho từng ngành chưa thể so sánh đào tạo thạc sĩ thụt lùi so với trước đây

Một vấn đề nữa được đặt ra: Phải chăng tiêu chuẩn đào tạo Thạc sỹ của các trường hiện nay đang thấp hơn so với trước kia. Điều này dấy lên lo ngại về chất lượng của đội ngũ Thạc sĩ hiện nay.

Siết chặt điều kiện, hồ sơ, quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Siết chặt điều kiện, hồ sơ, quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Chúng ta chưa có tiêu chuẩn quy định cụ thể cho từng ngành vì thế không nên đánh giá cảm tính mà phải căn cứ cụ thể vào từng trường hợp; không nên đánh đồng tất cả.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến giải thích:

“Hiện nay chưa có tiêu chuẩn đầu ra cho từng ngành cho nên không thể đánh giá và so sánh chất lượng đào tạo Thạc sĩ hiện nay so với trước kia một cách cảm tính và chung chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành.

Nhưng hiện nay mới chỉ có: Khung trình độ Quốc gia quy định trong văn bản 1982/QĐ-TTg.

Do vậy trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nỗ lực ban hành quy chuẩn đầu ra cho từng ngành cụ thể căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ của Bộ được quy định tại Luật giáo dục 2019”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng Bộ nên sớm ban hành tiêu chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo (Ảnh:T.L)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng Bộ nên sớm ban hành tiêu chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo (Ảnh:T.L)

Một trong những hình thức đào tạo thạc sĩ phổ biến hiện nay đó chính là đào tạo liên kết. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra nghịch lý: 

“Hiện nay có một chuyện nực cười đó là nhiều trường đào tạo liên kết (nước ngoài) lại có điều kiện tuyển sinh thấp hơn cả các trường trong nước. 

Điều này đặt ra dấu hỏi về chất lượng đào tạo thạc sĩ theo hình thức liên kết”.

Do đang thiếu đi chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo cụ thể cho nên việc đào tạo Thạc sĩ hiện nay đang thực hiện mỗi trường một kiểu. 

Vì thế trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành những tiêu chuẩn cụ thể cho từng ngành đào tạo.

Vũ Ninh