Lương một công chức, viên chức nhà nước từ bậc 2 đến bậc 4 hiện nay dao động trong khoảng 4-6 triệu đồng. Lương một lao động phổ thông bây giờ cũng ở mức khoảng 200- 250 ngàn đồng/ 1 ngày công nhưng làm ngày nào hưởng ngày đó.
Nếu sinh sống ở thành phố thì mức lương này gói ghém cũng chỉ đủ nuôi 2 con ăn học hàng ngày.
Như vậy, một gia đình mà cha và mẹ có công việc đều đều thì một suất lương dành để nuôi con ăn học, một suất còn lại lo ăn uống chi tiêu cho cả nhà. Bởi, thực tế mức tiền trường của các em học sinh đang học ở những khu vực đô thị hiện nay thường rất cao.
Có quá nhiều khoản tiền mà phụ huynh đang phải đóng hàng tháng (Ảnh minh họa Giadinh.net) |
Nếu tính tiền học phí ở các trường phổ thông công lập hiện nay đang thu đối với học sinh thì có thể nói là phụ huynh thấy cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của mình và không quá lo ngại.
Bởi, nhìn chung thì học phí cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dao động khoảng 30-120 ngàn đồng/ tháng. Những khu vực đô thị nhỏ dao động khoảng 50-60 ngàn đồng/ tháng. Như vậy, mỗi năm học sinh phải đóng khoảng trên dưới 500 ngàn đồng.
Chỉ những khu vực nội đô của các thành phố lớn thì rơi vào khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/ tháng. Nếu học sinh chỉ đóng mình tiền học phí và một chút tiêu vặt hàng ngày thì có lẽ phụ huynh cũng không quá lo lắng.
Thế nhưng, thực tế thì tiền học phí hiện nay của học sinh chỉ chiếm một số lượng tiền rất nhỏ mà phụ huynh phải chi hàng tháng cho con em mình. Nhiều lớp học bây giờ chỉ riêng tiền quỹ lớp cũng nhiều hơn tiền học phí.
Có một phụ huynh phản ánh với chúng tôi rằng, gia đình anh đang có một cháu học lớp 6 ở một trường Trung học cơ sở nhưng mỗi ngày phải nộp 3 ngàn đồng quỹ lớp.
|
Mỗi tuần 6 buổi học là 18 ngàn, mỗi tháng là 72 ngàn đồng, năm học có 9 tháng là hơn 600 ngàn tiền quỹ lớp. Trong khi, học phí mỗi tháng chỉ có 60 ngàn đồng, mỗi năm có 540 ngàn đồng.
Không biết học sinh lớp 6 làm gì mà thu tiền quỹ nhiều đến vậy, lớp có 50 em học sinh, mỗi tháng như vậy là quỹ lớp có 3, 6 triệu đồng.
Một năm học có trên 30 triệu đồng không biết chi vào những khoản gì mà yêu cầu học sinh đóng quỹ như vậy? Nếu có văn nghệ, thể thao thì mỗi năm cũng chỉ có thể tổ chức vào ngày 20/11 và ngày 26/3 mà thôi.
Cuối năm, lớp có liên hoan thì học sinh lớp 6 cũng chỉ là bánh kẹo, nước ngọt là cùng. Và đây, chỉ mới là tiền quỹ lớp đã nhiều đến như vậy…
Tiền mà khiến học sinh ám ảnh nhất ở khu vực đô thị hiện nay là tiền học thêm ở trường và học thêm ở nhà thầy cô giáo.
Học thêm trái buổi ở trường thì gần như học sinh nào cũng phải học, dù chỉ học một số môn cơ bản thì mỗi tháng phụ huynh cũng phải đóng góp từ 300- 400 ngàn đồng. Học ở trường có lẽ vẫn còn thiếu nên giáo viên một số bộ môn còn kéo học sinh về nhà dạy thêm.
Không chỉ dạy thêm mà một số giáo viên còn linh hoạt trong rất nhiều dịch vụ khác để lôi kéo học trò. Nếu không học thêm thì một số giáo viên còn nhắc khéo học sinh và phụ huynh nữa. Tiền học thêm một môn hàng tháng cũng bằng học phí cả năm của học trò.
Ngoài ra còn vô số loại tiền như quỹ Hội cha mẹ học sinh, xã hội hóa giáo dục, tiền giữ xe, tiền ủng hộ tùy tâm cho các phong trào của nhà trường, của lớp…Nhiều khi phụ huynh lạc vào ma trận tiền của nhà trường, của lớp và một số thầy cô dạy thêm mà thấy phát sợ.
Nhiều phụ huynh còn khó khăn lắm
|
Dù đời sống hiện nay của đa phần phụ huynh học sinh đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Nhiều phụ huynh phải phơi nắng ngoài trời cả ngày để bốc gạch, bốc đá được trả công 200 ngàn đồng.
Nhiều phụ huynh phải tăng ca trong nhà xưởng khi đêm về, nhiều phụ huynh vẫn lặng lẽ đứng ở đầu đường tìm chở khách trong đêm…nhằm kiếm chút tiền nuôi con ăn học.
Vì thế, nhà trường cũng cần hạn chế thu các khoản không cần thiết nhằm tránh lạm thu tràn lan như một số nhà trường đang làm hiện nay.
Thầy cô giáo bộ môn cũng cố gắng hoàn thành việc giảng dạy của mình trên lớp, tránh câu giờ, tránh chiêu trò để kéo học sinh đến học thêm với mình. Học sinh học cả ngày rồi, tối còn yêu cầu học sinh đi học thêm nữa làm gì?
Sức người có hạn, đâu cứ học nhiều là có nhiều kiến thức đâu. Người thầy giỏi, tâm huyết với nghề là người thầy dẫn học sinh đi bằng con đường ngắn nhất đến đáp án của các bài học chứ không phải là con đường ngoằn ngoèo, ríc rắc qua các lớp học thêm mới hiểu bài.
Đừng bắt phụ huynh phải đóng quá nhiều tiền trường, đừng bắt học sinh suốt ngày lao vào học chính, học tăng cường, tối vẫn phải đến nhà thầy cô học thêm như hiện nay nữa.
Kinh phí hoạt động của nhà trường đang được nhà nước cấp, thầy cô đang được nhà nước trả lương đều đều sao cứ kêu gọi phụ huynh đóng góp, kêu gọi học trò đi học thêm mãi vậy?