Dạy thêm, học thêm là câu chuyện không hề mới và đương nhiên nó sẽ còn được nói nhiều nữa, ít nhất là cho đến khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh cuối cấp học thêm đã đành, những học sinh tiểu học, học sinh đầu cấp trung học cơ sở cũng được một số nhà trường và thầy cô giáo lên lịch, mời chào để dạy thêm thì có nên không?
Nhất là nhiều phụ huynh vẫn luôn trong tâm trạng suy nghĩ nếu con mình không đi học thêm thì mọi chuyện sẽ như thế nào khi học, khi kiểm tra trên lớp?
Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn rất khó quản lý (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Thầy cô cho đăng ký học thêm từ tuần tựu trường
Tuần tựu trường đã có một số thầy cô hỏi về chuyện học thêm của lớp. Có thầy thì nhắc học sinh là về hỏi ý kiến cha mẹ để hôm sau vào đăng ký học thêm.
Có cô thì đưa cho lớp tờ giấy rồi yêu cầu em nào học thêm thì đăng ký để cô sắp lớp. Tất nhiên, các thầy cô đều nhắn nhủ học sinh là năm học này sẽ có thêm nhiều kiến thức khó, nếu chỉ học trên lớp thì không thể tiếp thu hết được.
Ngày họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng đề cập đến vấn đề học thêm của học sinh. Theo giáo viên chủ nhiệm thì bài vở nhiều, dạy trên lớp không hết được nên phải học thêm mới có thể giúp cho học sinh nắm hết được nội dung bài học.
Nói chung, những ý kiến mà thầy cô giáo nói với học sinh và phụ huynh…đều đúng và thuyết phục. Đương nhiên, đa phần phụ huynh đều phải tán đồng chủ trương của nhà trường và những gợi ý của thầy cô để con em mình đi học thêm một số môn cơ bản.
Lý do sĩ số lớp quá đông, không học thêm không thể tiếp thu được bài vở
Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay |
Thực tế, các em học sinh ở một số trường ở khu vực thành phố mà không đi học thêm sẽ rất đuối so với bạn bè. Bởi vì lớp học đều trên 50 học sinh, mỗi dãy kê 6-7 cái bàn.
Những em ngồi phía sau rất khó để nghe được trọn lời thầy cô giảng bài trên lớp.
Một phần vì xa, một phần lớp học đông, thành ra có một số em nói chuyện và đương nhiên càng ngồi sau càng thất thế.
Các em này chủ yếu chỉ ghi được nội dung cô thầy viết trên bảng còn lời giảng thì lúc nghe được, lúc không. Khi nghe con phản ánh về việc học trên lớp như vậy, tất nhiên phụ huynh đều cảm thấy bất an về việc học của con mình.
Thôi thì cho dù không muốn cũng phải đành lòng, gắng gượng cho con đi học thêm để được thêm chữ nào hay chữ ấy. Bởi, nếu cứ tình trạng mà sĩ số lớp học đông, cô thầy khó có thể bao quát, quan tâm hết học sinh của mình trong giờ dạy thì việc tiếp thu bài trên lớp là rất hạn chế.
Những hạn chế nhỏ lúc đầu rồi sẽ được lớn dần và đương nhiên là con em mình sẽ ngày càng khó lĩnh hội hết kiến thức trong sách giáo khoa và khó vượt qua kỳ thi cuối cấp.
Tâm lý lo lắng của phụ huynh đương nhiên là sẽ yêu cầu con mình tham gia các lớp học thêm cho bằng bạn, bằng bè. Một phần là luôn hy vọng, một phần là cũng giải quyết được khâu tâm lý.
Dạy thêm vẫn có đất sống?
Phải công nhận một điều là dạy thêm đang đem lại một khoản thu nhập lớn cho nhà trường, cho nhiều giáo viên đang giảng dạy ở khu vực thành phố và giáo viên các trường trung học phổ thông.
Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn |
Việc ngành giáo dục ban hành các văn bản cấm dạy thêm, học thêm hiện nay dù đã có nhưng chưa đồng nhất và triệt để.
Bộ hướng dẫn cấm dạy thêm, học thêm nhưng có địa phương thì cấm, có địa phương không cấm mà còn hướng dẫn thu tiền dạy thêm trong nhà trường.
Thậm chí có địa phương, lãnh đạo Sở còn có hướng dẫn để các trường nộp phần trăm cho mình.
Chính vì trường dạy thêm được dẫn đến giáo viên cũng kéo học sinh về nhà mình để dạy. Khi mà nhà trường và giáo viên đều có “chủ trương” để dạy thêm thì đương nhiên học sinh cũng phải tham gia học thêm.
Nhà trường thì nói dạy thêm để nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng trong các kỳ thi, giáo viên cũng lấy lý do kiến thức nhiều, học sinh chưa hiểu bài, sĩ số lớp học đông để kéo học sinh đến với mình.
Phụ huynh thì lo sợ con mình không hiểu bài…Trong khi, việc quản lý dạy thêm, học thêm của các cấp ở nhiều nơi còn khá lỏng lẻo, theo thời điểm nên dạy thêm, học thêm vẫn mặc nhiên tồn tại.
Vì thế nên cũng đan xen những bất công trong đánh giá kết quả giáo dục của một số trường, một số giáo viên, không phải lúc nào cũng công bằng, khách quan và chính xác đối với từng học sinh.
Trong cái vòng xoáy dạy thêm, học thêm thì đương nhiên học sinh sẽ trở thành nạn nhân cho thành tích, lợi ích của nhà trường, của giáo viên và cả sự kỳ vọng của cha mẹ.