Như tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, thành phố Hải Phòng đang lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn.
Mức hỗ trợ cao nhất 1,8 triệu/năm học
Dự thảo Nghị quyết này gồm 4 điều, ngân sách thành phố Hải Phòng sẽ hỗ trợ 100% học phí cho các đối tượng trên theo mức học phí được Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở sẽ thực hiện từ năm học 2020-2021;
Đối với học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông sẽ áp dụng hỗ trợ học phí từ năm học 2021-2022.
Mỗi năm, thành phố Hải Phòng sẽ hỗ trợ cho học sinh các bậc học 9 tháng học phí.
Mức thu học phí tại các trường công lập tại Hải Phòng áp dụng trong năm học 2019-2020 (Ảnh: Lã Tiến) |
Được biết, năm học 2019-2020, các trường mầm non, phổ thông công lập đang áp dụng mức thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 22 ngày 19/7/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, mức thu học phí cấp mầm non đối với lớp nhà trẻ: khu vực thành thị 203.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn 92.000 đồng/học sinh/tháng; miền núi, hải đảo 62.000 đồng/học sinh/tháng.
Lớp mẫu giáo: thành thị 203.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn 85.000 đồng/học sinh/tháng và miền núi, hải đảo 62.000 đồng/học sinh/tháng.
Học phí cấp trung học cơ sở: thành thị 92.000 đồng/học sinh/ tháng; nông thôn, miền núi và hải đảo 62.000 đồng/học sinh/tháng.
Học phí cấp trung học phổ thông: khu vực thành thị 125.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn 77.000 đồng/học sinh/tháng; miền núi, hải đảo là 62.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên: hệ bổ túc Trung học cơ sở: khu vực thành thị là 92.000 đồng/học sinh/ tháng; nông thôn và miền núi, hải đảo 62.000 đồng/học sinh/tháng.
Hệ bổ túc Trung học phổ thông: khu vực thành thị 125.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn 77.000 đồng/học sinh/tháng và miền núi, hải đảo 62.000 đồng; học sinh/tháng.
Các nhà trường ở Hải Phòng được thu những khoản gì? |
Như vậy, nếu Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng phê quyệt, đối chiếu với mức hỗ trợ trên thì từ năm học 2020-2021, trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở sẽ được hỗ trợ thấp nhất là 558.000 đồng/năm đối với học sinh miền núi, hải đảo; cao nhất là 1.827.000 đồng/năm học đối với khu vực thành thị.
Từ năm học 2021-2022, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông sẽ được hỗ trợ thấp nhất là 558.000 đồng/năm học đối với miền núi, hải đảo và cao nhất là 1.125.000 đồng/năm học đối với khu vực thành thị.
Người dân nói gì?
Ngay sau khi dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí được đưa ra lấy ý kiến, hầu hết người dân cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ học phí nếu được áp dụng theo mức thu như năm học 2019-2020, nhiều người dân lo ngại vì số tiền được hỗ trợ không đáng là bao so với các khoản đóng góp khác họ phải gánh chịu.
Gia đình chị Trần Thị Hương (35 tuổi, ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có 2 con, con lớn đang học Trường Trung học cơ sở Thụy Hương, con nhỏ 4 tuổi đang học tại trường mầm non Thụy Hương.
Đầu năm học 2019-2020 này, chị Hương đã phải đóng góp tổng cộng khoảng 7 triệu đồng cho 2 con mua sắm quần áo, sách vở, các khoản đóng góp tự nguyện, học phí...
Ngoài các khoản đóng góp đầu năm, mỗi tháng chị phải chi từ 3-4 triệu cho 2 con ăn học.
Nếu Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng phê quyệt thì mức hỗ trợ cao nhất học sinh nhận được là 1,8 triệu đồng/năm học (Ảnh: Lã Tiến) |
“Nếu như năm tới, thành phố Hải Phòng hỗ trợ học phí cho các trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập thì mỗi năm tôi tiết kiệm được gần 1,5 triệu tiền học phí cho 2 đứa.
Số tiền ấy đối với gia đình 2 vợ chồng tôi làm công nhân da giày là không nhỏ, nhưng cũng không đáng là bao so với các khoản đóng góp khác.
Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của thành phố, nhưng thực tế số tiền hỗ trợ cũng không ảnh hưởng gì mấy đến cuộc sống của gia đình tôi”, chị Hương nói.
Không chỉ chị Hương, nhiều người dân khu vực ngoại thành Hải Phòng khi được hỏi đều cho rằng, thành phố hỗ trợ học phí như vậy nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, nhà trường sẽ nghĩ ra nhiều khoản lạm thu.
Tiền xã hội hóa, tài trợ giáo dục chính là lạm thu mới |
“Miễn học phí nhưng thực chất học phí chỉ là một khoản thu rất nhỏ trong số những khoản đóng góp tại các trường học.
Mỗi tháng, con chúng tôi phải đi học thêm rất nhiều, chi phí cho việc học thêm lên đến hàng triệu đồng/tháng.
Chưa kể các khoản đóng góp tự nguyện tại nhà trường thì mức hỗ trợ học phí 62.000 đồng/tháng không bằng số tiền con tôi ăn sáng hàng tháng”, chị Phương (ở huyện An Lão, có con học lớp 9) bày tỏ quan điểm.
Tương tự, tại khu vực nội thành, nhiều gia đình cho rằng, mức hỗ trợ cao nhất là 203.000 đồng/tháng đối với trẻ học mầm non (tương đương 1,827 triệu đồng/năm) cũng chẳng nhằm nhò gì.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi tháng, gia đình có trẻ học mầm non công lập phải đóng cho nhà trường từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng.
Trong khi đó, phụ huynh phải mua quần áo, đồ chơi, sữa, chưa kể tiền khám bệnh cũng tốn từ 1,5-3 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức chi tiêu tối thiểu của một gia đình có trẻ học ở mầm non tại khu vực nội thành Hải Phòng là khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Nếu được hỗ trợ 100% học phí (tương đương 203.000 đồng/tháng), các gia đình cũng sẽ không tiết kiệm được bao nhiêu.
Nhiều gia đình cho rằng, với mức hỗ trợ học phí như mức thu hiện đang áp dụng thì không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống của họ (Ảnh: Lã Tiến) |
Đối với các học sinh học phổ thông công lập, theo nhiều phụ huynh phản ánh, đầu năm họ thường đóng tiền học phí cả năm học cho trường.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh cho biết, mỗi tháng họ phải bỏ ra từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng để đóng tiền học thêm cho con tại trường.
Những gia đình lo lắng về việc học tập của con em mình đã tìm đến các cơ sở dạy thêm, cho học thêm tại nhà cô giáo cũng tốn kém không ít tiền của.
Ghi nhận tại một số trường Trung học cơ sở, trung học phổ thông tại quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng, mỗi tháng, phụ huynh phải đóng từ 2-3 triệu cho con em mình học tập tại trường, học thêm ngoài nhà trường…
Với số tiền học phí được hỗ trợ cao nhất là 125.000 đồng/tháng, các bậc phụ huynh không quan tâm cũng là điều bình thường.
Thiết nghĩ, chính sách hỗ trợ 100% học phí của thành phố Hải Phòng sẽ giúp người dân có thu nhập thấp, vùng khó khăn bớt đi gánh nặng về kinh tế, giúp học sinh có thêm động lực học tập tốt.
Đồng thời tạo tâm lý ổn định cho nhân dân, góp phần giữ chân người tài, thu hút người lao động, tạo công bằng xã hội trong giáo dục và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chính quyền các cấp của thành phố Hải Phòng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại những phản hồi của người dân, để chính sách này khi được áp dụng phải thực sự hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.