Tổng Chủ biên, Chủ biên một số sách giáo khoa, hóa ra lại là…người quen sao?

23/11/2019 07:40
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Điều chúng ta dễ dàng nhìn thấy là một số bộ sách giáo khoa này có tên Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Chủ biên chương trình môn học.

Chiều ngày 22/11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông mới.

Trong số 32 bản thảo sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Điều chúng ta dễ dàng nhìn thấy là một số bộ sách giáo khoa này có tên Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Chủ biên chương trình môn học.

Về nguyên tắc, có lẽ việc làm này không sai nhưng khi một người đóng nhiều vai quá thì khó tránh được những thị phi của dư luận.

Một số thầy làm Chủ biên chương trình môn học lại là Chủ biên sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Một số thầy làm Chủ biên chương trình môn học lại là Chủ biên sách giáo khoa

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội

Khác với chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lần đổi mới này thì Bộ Giáo dục đã chủ trương xây dựng "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" và sách giáo khoa chỉ là một tư liệu  giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây xem trọng chương trình hơn sách giáo khoa.

Chính vì vậy, việc Bộ thông qua danh mục sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng ta thấy có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1- đây được xem là điểm mới và tạo nên sự cạnh tranh, cũng như tạo sự lựa chọn cho các địa phương và các đơn vị trường học.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là trong 5 bộ sách giáo khoa được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký phê duyệt thì có tới 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Một bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nhìn đi, nhìn lại thì sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo trong những năm tới.

Trong khi đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đọc lại Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong Nghị quyết này có đoạn: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Tổng Chủ biên, Chủ biên một số sách giáo khoa, hóa ra lại là…người quen sao? ảnh 2Có 32 sách giáo khoa chính thức được đưa vào nhà trường

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thế nhưng, nhìn lại những vụ việc lùm xùm mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua về chuyện thẩm định sách giáo khoa lớp 1, dù không muốn chúng ta cũng đặt ra nhiều câu hỏi giả định khác nhau. Bởi, trong số rất nhiều bộ sách nhưng có 5 bộ sách đã được thẩm định thì có 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và nhiều Chủ biên môn học là Chủ biên sách giáo khoa?

Trước khi Bộ thông qua chương trình môn học thì dư luận đã lên tiếng về một số chuyên gia đang là Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên chương trình môn học đã tham gia “đầu quân” cho một số Nhà xuất bản để viết sách giáo khoa trước.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, một số chuyên gia không thừa nhận vấn đề này mà họ lái dư luận sang một chiều hướng khác.

Và bây giờ, chiều ngày 22/11/2019, sách giáo khoa lớp 1 đã được trưng ra trước bàn dân thiên hạ, chúng ta thấy có rất nhiều người  Tổng Chủ biên, Chủ biên chương trình môn học tham gia làm chủ biên các bộ sách giáo khoa.

Chẳng hạn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới là Chủ biên sách Tiếng việt lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Phó giáo sư- tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng- thành viên ban phát triển chương trình môn học Ngữ văn là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Giáo sư-tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán làm Tổng chủ biên sách Toán lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Phó giáo sư- tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên môn Khoa học tự nhiên làm Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Tổng Chủ biên, Chủ biên một số sách giáo khoa, hóa ra lại là…người quen sao? ảnh 3Sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản nào sẽ chiến thắng?

Chương trình Hoạt động trải nghiệm được 2 tác giả là phó giáo sư- tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa và thạc sỹ Bùi Ngọc Diệp viết.

Giờ đây trong 2 cuốn sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì 1 cuốn do phó giáo sư- tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa làm Chủ biên.

Thạc sỹ Bùi Ngọc Diệp tham gia viết cả 2 cuốn sách này, trong đó có 1 cuốn là đồng Chủ biên…Và, còn rất nhiều những chuyên gia đã tham gia viết chương trình môn học là Chủ biên, đồng Chủ biên các bộ sách giáo khoa đã được công bố vào chiều ngày 22/11/2019.

Khách quan đến mấy cũng khó tránh được những thị phi…

Chúng ta biết rằng, đến thời điểm hiện tại thì chỉ có sách giáo khoa lớp 1, tới đây sẽ là những bộ sách giáo khoa của các lớp học cao hơn và có lẽ các vị này cũng vẫn là Chủ biên.

Bởi, theo những bộ sách giáo khoa hiện hành thì Chủ biên sách giáo khoa của từng môn học thường làm Chủ biên lên đến hết cấp học đó, thậm chí các các cấp học cao hơn.

Chẳng hạn như sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành thì giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên, đồng chủ biên đến 32 cuốn sách giáo khoa, sách bài tập môn Ngữ văn cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Chính vì thế, cho dù về nguyên tắc là khi thông qua chương trình môn học mới thì ban soạn thảo chương trình môn học đã hết nhiệm vụ của mình.

Nhưng, những người đã từng tham gia viết chương trình tổng thể, chương trình môn học lại là Tổng Chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa dù có khách quan đến đâu cũng khó tránh được những thị phi của dư luận.

Chuyện thẩm định sách giáo khoa lớp 1 vừa qua là một ví dụ rõ nhất cho vấn đề này!

NGUYỄN NGUYÊN