Theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lâu nay lãnh đạo Bộ vẫn luôn nói như vậy, dư luận vẫn nghe như vậy.
Thế nhưng, cuối cùng thì sự việc không phải vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện được bộ sách giáo khoa cho riêng mình như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Bộ giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện được bộ sách giáo khoa như kế hoạch ban đầu (Ảnh minh họa: Laodong.vn) |
Theo dõi tiến trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới từ những ngày đầu. Chúng tôi nhận thấy rằng còn rất nhiều điều mà bản thân cũng như nhữngười đang quan tâm đến giáo dục phải bất ngờ.
Sau khi thông qua Chương trình tổng thể (ngày 28/7/2017, trì hoãn mãi thì Bộ mới thông qua dự thảo Chương trình môn học vào những ngày gần Tết Nguyên đán (19/1/2018).
Bộ nói sẽ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong vòng 2 tháng thì sẽ công bố chương trình môn học chính thức. Nhưng rồi hứa hẹn mãi, phải đến ngày 27/12/2018 thì Bộ mới thông qua Chương trình môn học chính thức!
Tiến trình biên soạn sách giáo khoa cũng vậy, khi chưa thông qua Chương trình môn học chính thức thì một số tổ chức đã biên soạn sách giáo khoa.
Nhiều thầy cô làm Chương trình tổng thể, Chương trình môn học đầu quân cho một số cá nhân, tổ chức bên ngoài để viết sách giáo khoa.
Điều đáng lưu ý là sách giáo khoa đã được viết khi chương trình môn học chính thức chưa được thông qua.
Dư luận lên tiếng thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam rằng: “Hiện nay đang thẩm định (thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới).
Về nguyên tắc, đang thẩm định thì chưa có gì mới. Chưa có gì mới thì ai nói ra bất cứ điều gì liên quan đến biên soạn sách giáo khoa là không đúng. Phải có căn cứ.
Đã có chương trình đâu mà có sách giáo khoa! Tôi khẳng định là chưa có bất cứ bộ sách giáo khoa nào trình tôi cả” [1].
Tuy nhiên, trước đó thì cũng trên Báo giáo dục Việt Nam đã có bài viết Chương trình môn học chưa công bố, sách giáo khoa 3 lớp đã viết xong, bài viết đưa ra những dẫn chứng cụ thể về những dấu hiệu bất thường trong việc viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bẵng đi một thời gian, ngày 02/3/2019, trên Báo Vietnamnet có bài phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng - nguyên là Điều phối viên chính, của Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông.
Trong bài trả lời phỏng vấn này, ông Bùi Mạnh Hùng cho hay:
“Đến nay, chúng ta không còn có cơ hội để tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ theo đúng nghĩa của nó.
Đúng nghĩa có nghĩa là tác giả của bộ sách này phải là tác giả của Bộ, trong khi hiện nay, gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn sách giáo khoa mới đều đã thuộc về các nhóm biên soạn sách giáo khoa cho các nhà xuất bản và tổ chức đầu tư khác nhau.
Công việc biên soạn, biên tập, thiết kế đã triển khai hơn một năm nay.
Cho nên, việc thành lập một nhóm tác giả mới hoàn toàn, độc lập với lợi ích của các nhà đầu tư là điều không thể vì không có đủ tác giả có năng lực soạn một bộ sách giáo khoa”. [2]
Đáp lại những băn khoăn của dư luận, ngày 19/3/2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định với phóng viên Báo Tuổi trẻ về nỗi lo thiếu nhân lực viết sách giáo khoa mới như sau:
“Thiếu nguồn nhân lực viết sách giáo khoa chỉ là suy đoán, vì nguồn nhân lực có khả năng viết sách giáo khoa không chỉ có vài trăm người.
Việc mời tác giả viết bộ sách giáo khoa, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không chỉ hướng đến việc mời các tác giả có trình độ đào tạo cao, có uy tín, kinh nghiệm viết sách giáo khoa mà sẽ mời những tác giả có khả năng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận các nguồn tài liệu.
Ngoài ra, bộ sẽ mời các tác giả là giáo viên phổ thông giỏi” [3].
Ông Thành cũng cho biết thêm: “Trong tháng 3-2019 chúng tôi sẽ tiến hành mời và tuyển chọn các chủ biên, tác giả dựa trên danh sách được giới thiệu.
Việc tuyển chọn sẽ theo nguyên tắc cứ ba ứng cử viên chọn lấy một để đáp ứng các yêu cầu biên soạn. Việc này cũng có sự tham vấn của Ngân hàng Thế giới” [3].
Thế nhưng, việc tuyển chọn người viết bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì đã bị phá sản hoàn toàn. Không biết có phải Bộ không tuyển được người hay Bộ đã không có chủ ý muốn tuyển?
Bởi, trong phần báo cáo trả lời Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ sự thật làm sách giáo khoa "cả làng toét mắt" |
Bởi, hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.
Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Giáo dục và Đào tạo” [4].
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông nói rằng: “Trước đó Bộ giáo dục và Đào tạo cũng có một số phương án để biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhưng do vướng quy định của luật pháp hiện hành và ràng buộc điều kiện của Ngân hàng Thế giới - đối tác đầu tư tài chính - nên không thực hiện được. Và như vậy, sẽ không có một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Ông Thành còn cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao kế hoạch biên soạn ít nhất 1 bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1-12 cho đơn vị trực thuộc bộ là Nhà xuất bản Giáo dục (trên thực tế việc này Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện rồi)” [4].
Quay lại với phần trả lời phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ta thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thực sự mâu thuẫn với chính những chia sẻ của chính mình.
Nếu ngày 29/5/2018, ông nói: “Đã có chương trình đâu mà có sách giáo khoa!” thì bây giờ lại nói:
“Hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến”.
Phải chăng, Bộ trưởng đã quên mất lời khẳng định của mình trước đây mấy tháng nên mới nói như vậy? Hay nói đúng hơn là bây giờ Bộ trưởng mới thừa nhận...sự thật?
Thực tế, Bộ Giáo dục không cần thiết phải biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình mới sẽ đỡ tốn tiền ngân sách.
Nhưng, theo dõi xuyên suốt quá trình, chúng ta đã thấy những mâu thuẫn trong chính sự chỉ đạo và phát ngôn của những người đang đóng vai trò chủ đạo về việc thực hiện chương trình mới!
Liệu rồi bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ như thế nào đây?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Phung-Xuan-Nha-Da-co-chuong-trinh-dau-ma-co-sach-giao-khoa-post186611.gd
[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/mot-so-sach-giao-khoa-cho-mot-mon-hoc-bo-giao-duc-can-ro-rang-va-thuyet-phuc-hon-511030.html
[3]https://tuoitre.vn/tuyen-giao-vien-gioi-viet-sach-20190319085714233.htm
[4]https://tuoitre.vn/se-khong-thieu-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-20190523092837802.htm