LTS: Sau những ví von của thầy Nguyễn Minh Thuyết khi so sánh kinh phí chương trình, sách giáo khoa mới chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?” ngày 15/9 tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều chia sẻ và ví von thú vị.
Trong đó, ông có so sánh kinh phí chương trình, sách giáo khoa mới chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.
Nghe đi, ngẫm lại, chúng tôi cứ mãi băn khoăn về những so sánh này của thầy Tổng chủ biên.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn). |
Tại sao thầy Thuyết lại so sánh chuyện làm chương trình, sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục với chuyện làm đường của Bộ Giao thông vận tải?
Ông muốn so sánh về kinh phí hay hiệu quả kinh tế?
Ai cũng biết, làm đường hay làm làm chương trình, sách giáo khoa cũng đều quan trọng và có một vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.
Nếu con đường được thiết kế thông thoáng, rộng rãi, được làm với chất lượng tốt thì hiệu quả kinh tế là không đong đếm được cho nhiều thế hệ, nhất là những con đường được thầy Tổng chủ biên lấy làm ví dụ ví von.
Một con đường là của thủ đô của đất nước và một con đường nối mạch giao thông của 2 miền Bắc - Nam.
Đối với chương trình, sách giáo khoa mới cũng vậy, nếu được chuẩn bị và thực hiện tốt thì đó sẽ là kim chỉ nam cho ngành giáo dục phát triển, đào tạo ra nguồn nhân lực tốt cho xã hội để các thế hệ học trò có kiến thức, kỹ năng mà hội nhập, hòa đồng...
Nhưng, kinh phí làm đường nó liên quan đến việc khảo sát, giải tỏa mặt bằng, thi công, bảo dưỡng, bảo hành và phải qua đấu thầu.
Vì thế, chỉ tính riêng con đường Kim Liên ở Ô Chợ Dừa thì kinh phí giải tỏa đã chiếm tới 85% tổng số vốn đầu tư.
Vì thế, con đường này đã trở thành con đường “con đường đắt nhất hành tinh”… và dư luận đã nói nhiều về con đường này không chỉ ở trong nghị trường mà ngay cả ở những quán cóc vỉa hè hay trên những bàn nhậu từ những người có vai vế đến những người thường dân.
Chương trình giáo dục mới vừa ra mắt, nhưng thầy Thuyết nói sẽ luôn cập nhật |
Nó đắt, đắt lắm nhưng chắc chắn một điều con đường này có thời gian bảo hành, nó không phải phá đi làm lại, nó không phải nâng cấp, cải tạo trong từng năm, từng tháng.
Còn, chương trình, sách giáo khoa có “đắt nhất hành tinh không”?
Cứ nhìn vào chương trình, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) thì cũng đã tốn 3 tỉ USD mà báo chí đã phản ánh nhiều lần.
Đó là chưa kể hàng năm, phụ huynh phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua sách giáo khoa nhưng con em họ sử dụng một lần rồi bán phế liệu như các phương tiện thông tin đại chúng đã nói từ nhiều năm nay.
Vậy, có con đường nào giống sách giáo khoa Việt Nam không?
Cứ nhìn vào bộ sách giáo khoa hiện hành từ khi thực hiện cho đến nay đã có biết bao lần giảm tải, chỉnh lý, bổ sung, có năm nào Bộ không tập huấn cho giáo viên không?
Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể bởi chi phí của bộ, của sở, của phòng, của trường, của giáo viên và phụ huynh học sinh phải chi phí hàng năm.
Nhưng, đó là bộ sách giáo khoa đã quy tụ hàng ngàn nhà khoa học, giáo viên có uy tín và được thực nghiệm trong 4 năm như thầy Tổng chủ biên đã chia sẻ với báo chí trước đây.
Bây giờ thầy Nguyễn Minh Thuyết thông tin: “Tổng số tiền làm chương trình giáo dục phổ thông mới tính ra là 144 tỷ đồng, với mỗi cá nhân là rất lớn nhưng nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi”.
Như vậy, từ chia sẻ của thầy Tổng chủ biên thì đây mới là tiền làm “chương trình giáo dục phổ thông mới” còn tiền viết sách giáo khoa, tiền thực nghiệm, tiền tập huấn, tiền đào tạo lại giáo viên… chỉ riêng việc đào tạo giáo viên thì Bộ đã dự kiến vay 100 triệu USD rồi.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ sự thật làm sách giáo khoa "cả làng toét mắt" |
Khi thực hiện đại trà phải bồi dưỡng giáo viên hàng năm bởi lộ trình Bộ đã đưa ra rồi.
Rồi chắc gì sách giáo khoa không chỉnh lý, bổ sung bởi sách giáo khoa hiện hành thực nghiệm 4 năm mà còn như vậy, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây lại không thực nghiệm giống trước mà vừa viết, vừa thực nghiệm, vừa dạy đại trà luôn thì dễ gì không thiếu sót, hạn chế như bộ sách hiện hành.
Con số 144 tỷ đồng mà thầy Tổng chủ biên chia sẻ là con số “nhỏ nhất” mà dư luận nghe về kinh phí cho lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới nên đây có lẽ cũng chưa phải là con số cuối cùng mà dư luận đã và sẽ nghe.
Bởi, khi mới bắt đầu manh nha việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới cho đến nay thì con số về kinh phí đã được thay đổi nhiều lần. Từ hàng chục ngàn tỉ và bây giờ xuống con số hàng trăm?
Dư luận băn khoăn, bởi trước đây thầy Thuyết đã từng chia sẻ với báo chí là hợp đồng của thầy Thuyết cũng như các thầy biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn học với Bộ Giáo dục là 18 tháng:
“Tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa”.
Và, đương nhiên khi hết hợp đồng thì sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho người khác. “Trách nhiệm” vẫn là cụm từ để ngỏ… bởi hết hợp đồng cũng gần như đồng nghĩa là… hết trách nhiệm!
Bây giờ thầy Tổng chủ biên nói kinh phí là 144 tỷ đồng nhưng cách làm “ngắt khúc” qua từng công đoạn, sách giáo khoa thì viết cuốn chiếu không qua thực nghiệm mới ban hành đại trà như vậy sẽ rất khó có ai chịu trách nhiệm khi sản phẩm cuối cùng là bộ sách giáo khoa đến với thầy và trò.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa |
Nói như cách dẫn lời của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: “Hôm nay ta thẩm định cái tay cô hoa hậu, ngày mai đến cái chân, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào thì không ai hình dung được!”.
Nếu sách giáo khoa không đạt được như kì vọng của xã hội hoặc sai sót hay không phù hợp thì người viết sách giáo khoa có thể đổ lỗi cho người viết chương trình môn học. Vì sách giáo khoa phải bám vào chương trình môn học.
Rồi người viết chương trình môn học lại bảo chúng tôi bám vào chương trình tổng thể. Người viết chương trình tổng thể lại bảo chủ trương của Bộ… rồi cứ lòng vòng, luẩn quẩn như thế là cuối cùng… hòa làng và chẳng ai nhận trách nhiệm cả.
Rồi lại chỉnh sửa, thay sách, tập huấn, phụ huynh lại mua sách dùng một lần cho con mình học 1 năm xong rồi bán phế liệu.
Chính vì thế, thầy Tổng chủ biên so sánh chuyện làm chương trình, sách giáo khoa với làm đường e rằng đang rất khập khễnh.
Bởi, so với làm đường thì thầy Tổng chủ biên cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo có dám “bảo hành” chương trình giáo dục phổ thông mới là 10 năm hay 20 năm trước Đảng - Nhà nước và nhân dân hay không? Nếu không, so sánh cũng chỉ là để so sánh cho vui mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-gdpt-moi-tong-so-tien-doi-moi-sgk-bang-180m-duong-kim-lien-o-cho-dua-20180915175220133.htm
https://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm