Đối với chương trình hiện hành (năm 2002) thì chúng ta đã thấy có nhiều loại sách giáo khoa được bán theo đường nội bộ, chỉ có những lãnh đạo Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường được thông báo qua email.
Những loại sách bán qua đường nội bộ này thường có giá rất cao so với sách giáo khoa thông thường nhưng được gán mác bằng một số từ ngữ mới.
Đó là sách VNEN, sách tiếng Anh, sách Tin học, Mĩ thuật...mà chúng ta đã thấy xuất hiện trong những năm gần đây. Những loại sách này, nếu không có thù lao, không có hoa hồng thì dễ gì lãnh đạo Sở, Phòng chấp thuận cho các nhà trường giảng dạy.
Việc bán sách giáo khoa hiện hành và sách giáo khoa mới tới đây vẫn chưa tạo được sự công khai, minh bạch (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Những ngày qua, lại rộ lên thông tin từ năm 2015, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi tiền thù lao cho nhiều lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lên đến nhiều tỉ đồng.
Mỗi tháng 11 thành viên của được nhận thù lao từ 3.500 000- 6.000 000 đồng. Tiền này thực tế không phải là quá nhiều nhưng phải chăng đây đã là sự tính toán kĩ càng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hướng tới việc chiếm lĩnh thị trường sách có lượng học sinh đông nhất cả nước.
Tất nhiên, một khi Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn bộ sách nào của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có tính chất bắc cầu cho nhiều tỉnh phụ cận. Bởi, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất phía Nam và cũng lớn nhất nước- nó có tác động đến nhiều địa phương khác.
Lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích như thế nào?
Ngày 6/12, văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi tới Giáo dục và Đào tạo truyền đạt yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố - ông Lê Thanh Liêm chỉ đạo, đề nghị giải trình các nội dung liên quan tới việc nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết, khẩn trương của lãnh đạo thành phố đối với ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
Dù một lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền thù lao bằng lý do nào đi chăng nữa thì đây cũng là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, tế nhị. Bởi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” mà sách giáo khoa mới sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt của một nhà xuất bản khác nhau.
|
Lý giải về chuyện hàng tháng nhận tiền thù lao, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là khoản thù lao xứng đáng cho việc cán bộ, lãnh đạo tập hợp và tập huấn cho đội ngũ giáo viên, chuyên gia biên soạn sách”.
Nói như thế này e chưa thuyết phục bởi nhiệm vụ của , của các Phòng phụ trách chuyên môn là gì? Khi tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, chuyên viên viết sách thì lẽ nào lại không chi trả chế độ cho người tập huấn- điều này đã được quy định rất rõ đối với các ban ngành ở địa phương.
Một khi đã nhận tiền thù lao cho các buổi tập huấn từ tiền ngân sách địa phương rồi mà nhận tiếp thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì cái "đúng" đó e rằng rất khiên cưỡng…
Hơn nữa, ông Hiếu còn khẳng định ông đảm bảo các trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Mới nghe qua thì chúng ta dễ bị nhầm tưởng là khách quan lắm nhưng nếu các trường có quyền lựa chọn sách giáo khoa thì cũng chỉ thực hiện được trong năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
Từ tháng 7/2020, Luật Giáo dục mới có hiệu lực, lúc đó sách giáo khoa không còn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội nữa mà “Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ giáo dục phổ thông”.
Một khi Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa thì ai sẽ là người tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký chọn sách giáo khoa đây?
Bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi lớp có hơn chục cuốn sách giáo khoa, chưa kể sách bài tập, tài liệu giảng dạy. Một vòng đời sách tồn tại hàng chục năm trời với một thị trường tiêu thụ lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đó là điều mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng.
Lựa chọn sách giáo khoa mới có phần phức tạp và tốn kém vô cùng? |
Một khi đã nhận tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong nhiều năm, lẽ nào lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lại không có những quyết định có lợi cho nơi đã chi tiền thù lao cho mình trong nhiều năm trời?
Trao đổi vấn đề này với VietTimes, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã bày tỏ sự băn khoăn của mình: “Việc Nhà xuất bản chi tiền thù lao như thế thì làm sao Giáo dục đó có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan được?
Như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được.
Chưa kể, không biết ngoài việc chi thù lao cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn chi thù lao hay chi phí cho các chuyến tham quan, du lịch "miễn phí" cho quan chức, công chức của những đơn vị nào nữa?
Có đơn vị nào cũng chi thù lao tương tự như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không?”.
Những chia sẻ của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng với những gì đang diễn ra mà chúng ta đang chứng kiến cho thấy vẫn còn nhiều những góc khuất đang tồn tại trong việc chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa tới đây.
Và, việc chi thù lao, chi hoa hồng cho lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đã không còn âm ĩ nữa mà đó là câu chuyện có thật…!
Tài liệu tham khảo:
//news.zing.vn/so-gd-dt-tphcm-noi-xung-dang-nhan-tien-thu-lao-tu-nxb-giao-duc-post1022127.html
//viettimes.vn/nong-nha-xuat-ban-chi-thu-lao-gan-3-ty-cho-lanh-dao-so-gddt-truong-pho-phong-chuyen-mon-viec-lua-chon-sach-giao-khoa-lieu-con-khach-quan-374707.html