Lựa chọn sách giáo khoa mới có phần phức tạp và tốn kém vô cùng?

01/12/2019 06:14
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Đọc hết 32 đầu sách giáo khoa lớp 1 và có sự lựa chọn chính xác, phù hợp đòi hỏi mọi thành viên phải nghiền ngẫm, so sánh giữa sách này với các sách khác.

Ngày 30/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Theo dự thảo của Thông tư này thì năm học tới sẽ do các nhà trường tự thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình. Đọc dự thảo của Thông tư, chúng tôi thấy Bộ đã có những định hướng khá cụ thể nhưng nó cũng đan cài khá nhiều những bất cập.

Các trường học sẽ tự lựa chọn sách giáo khoa trong năm học 2020-2021 (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các trường học sẽ tự lựa chọn sách giáo khoa trong năm học 2020-2021 (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ai sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường

Tại điều 4 của dự thảo hướng dẫn như sau: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. 

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng”.

Nhìn vào cơ cấu đối với các thành phần lựa chọn sách chúng ta thấy hướng dẫn cũng khá chi tiết bởi đã có đầy đủ các thành phần đại diện trong nhà trường. Tuy nhiên, việc cơ cấu đại diện Ban đại đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường thì chúng tôi cho rằng đó chỉ là cho mang tính khách quan mà thôi.

Bởi, không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh nào cũng đủ khả năng để thẩm thấu nội dung sách giáo khoa, nhất là đối với những thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường nông thôn, miền núi.

Trong khi đó, để đi đến quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa nào trong 5 bộ sách không phải là việc làm dễ dàng. Đọc hết 32 đầu sách giáo khoa lớp 1 và có sự lựa chọn chính xác, phù hợp đòi hỏi mọi thành viên trong hội đồng phải nghiền ngẫm, so sánh ưu điểm, nhược điểm giữa bộ sách này với các bộ sách khác.

Sẽ vất vả và tốn kém vô cùng

Việc nhà trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tới đây đương nhiên là sẽ vất vả cho giáo viên bởi ngồi đọc hết 32 đầu sách giáo khoa để đưa ra những quyết định cuối cùng không phải là điều dễ dàng.

Nhất là đối với các trường tiểu học thì chỉ trừ có mấy môn chuyên là có giáo viên riêng. Còn lại nhiều môn đều do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Điều này, cũng đồng nghĩa những người được cơ cấu vào hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải dành rất nhiều thời gian cho công việc này bởi phải đọc nhiều cuốn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, điều bất cập là theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì nhà trường lựa chọn sách, còn theo Luật giáo dục 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 thì tại điểm c khoản 1 điều 32 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn". 

Như vậy, nếu năm học 2020-2021 nhà trường lựa sách này nhưng sang năm học sau nữa Ủy ban nhân dân tỉnh lại lựa sách khác thì bắt buộc nhà trường phải theo việc lựa chọn của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Lựa chọn sách giáo khoa mới có phần phức tạp và tốn kém vô cùng? ảnh 3
Rất khó tránh khỏi chuyện độc quyền sách giáo khoa

Chính vì thế, chỉ một việc lựa chọn sách giáo khoa nhưng chúng ta thấy nó sẽ vất vả và tốn kém vô cùng.

Trong khi đó, Bộ chủ trương "chương trình" là cốt lõi, sách giáo khoa chỉ là công cụ để thực hiện chương trình.

Thế nhưng, năm học này, các trường tiểu học trong cả nước phải mua 32 đầu sách, phải thành lập mỗi trường 1 hội đồng, sang năm học sau, 64 tỉnh lại thành lại thành lập 64 hội đồng nữa. Số tiền chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa chắc chắn sẽ không phải là một con số nhỏ.

Nhưng rốt cuộc “cá nào cũng vào… một giỏ”

Nhìn vào việc Bộ vừa ký thẩm định và ban hành sách giáo khoa lớp 1 thì chúng ta đã thấy có tới 4/5 bộ sách giáo khoa là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ có 1 bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì thế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chiếm số lượng chủ yếu về sách giáo khoa mới thì nhà trường hay Ủy ban nhân dân tỉnh đâu có nhiều lựa chọn sách bởi lựa chọn sách nào thì thị phần chủ yếu của sách giáo khoa mới tới đây cũng là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà thôi.

Chúng ta thấy rằng chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” hay dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông vừa công bố, khi mới nghe, đọc qua thì thấy hay, thấy mới và thấy khách quan lắm.

Nhưng, nếu chúng ta nghiền ngẫm kỹ vấn đề thì sách giáo khoa mới so với sách giáo khoa hiện hành cũng có mới được bao nhiêu đâu, vẫn là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ấy vậy mà phức tạp và cũng tốn kém vô cùng…

NGUYỄN CAO