Mỗi khi kiểm tra học kỳ thì Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương thường ra một số đề cho học sinh trên địa bàn của mình nhằm đánh giá tình hình chung về chất lượng dạy và học của các nhà trường.
Tuy nhiên, hàng năm chúng ta vẫn thấy có một số đề kiểm tra còn sai sót về kỹ thuật, về nội dung nên phải chỉnh sửa đáp án, có địa phương còn để xảy ra tình trạng lộ đề.
Chính vì thế, thời điểm này cũng là lúc đa phần các địa phương chuẩn bị bước vào thời điểm kiểm tra học kỳ I nên những chuyên viên được giao nhiệm vụ ra đề kiểm tra phải thật sự chú ý để hạn chế tối đa những sai sót không đáng có.
Đề của Sở cần tránh những sai sót để đảm bảo quyền lợi cho học sinh (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Việc ra đề của Sở hiện nay chủ yếu chỉ ra ở một số môn học được xem là môn chính ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, đặc biệt là những môn học ở cuối cấp nhằm chuẩn bị cho học sinh làm quen với các dạng đề để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp.
Chính vì đề kiểm tra của Sở có phạm vị ảnh hưởng rộng đến học sinh toàn tỉnh nên nếu đề tốt, không có sai sót thì uy tín của Sở, của chuyên viên ra đề cũng được đảm bảo.
Ngược lại, nếu đề kiểm tra mà có những sai sót về kỹ thuật, về nội dung thì đương nhiên phải đính chính, điều chỉnh về đề và đáp án trong toàn địa bàn. Tất nhiên, khi sai sót dù người ra đề phát hiện ra hay các trường học phát hiện thấy thì cũng bắt buộc phải thông báo đến toàn tỉnh.
Lúc ấy, tất nhiên uy tín của Sở, của người ra đề sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những sai sót đó được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành đề tài tranh luận thì càng ảnh hưởng đến Sở.
Đề sai sót hay gặp ở cấp Trung học cơ sở
Qua nhiều năm giảng dạy và theo dõi việc ra đề của Sở, chúng tôi nhận thấy những đề kiểm tra học kỳ ở cấp Trung học cơ sở thường có những sự cố về nội dung đề, về đáp án nhiều hơn ở cấp Trung học phổ thông.
Thông thường, mỗi chuyên viên ở Phòng Trung học của Sở phụ trách một môn học nhưng đa phần các thầy (cô) này đều có điểm xuất phát là giáo viên Trung học phổ thông. Một số người là giáo viên cốt cán được rút về Sở, cũng có một số thầy cô đang là cán bộ quản lý các nhà trường được điều động về.
Có những đề thi mà ..."không học thêm thầy, đố mày làm được" |
Chính vì được đào tạo làm giáo viên Trung học phổ thông, ra trường đi dạy rồi làm quản lý ở cấp học này nên đã quá quen với chương trình, sách giáo khoa cấp Trung học phổ thông.
Thế nhưng, khi phụ trách môn học của Sở thì bắt buộc phải kiêm nhiệm cả 2 cấp học nên việc ra đề cho cấp Trung học cơ sở đôi khi có những sai sót nhất định mà chúng ta vẫn thường chứng kiến.
Nhiều khi kiểm tra xong, đáp án đã gửi về các trường, giáo viên chấm phát hiện ra sai sót và báo ngược lại cho người ra đề thì vị này thường chuyển email đính chính cho thành viên là Hội đồng bộ môn để gửi cho các tổ trưởng bộ môn chứ ít khi gửi qua email của trường vì ngại ảnh hưởng đến uy tín của mình.
Song, gửi bằng hình thức nào thì cũng không tránh được những thị phi vì giáo viên cả tỉnh họ biết nên những bàn tán là điều khó tránh khỏi.
Việc sai sót còn thể hiện ở chỗ có những năm mà Sở tổ chức kiểm tra học kỳ sớm nên dẫn đến tình trạng có những đơn vị kiến thức trong đề kiểm tra thì có nhiều trường chưa dạy đến.
Đề của Sở phải cần chính xác và chuẩn mực
Vẫn biết là khi ra đề kiểm tra, những thầy cô ra đề ở Sở, những người phản biện (nếu có) đã phải cố gắng rất nhiều để hạn chế sai sót. Tuy nhiên, việc ra đề, nhất là đối với những môn Xã hội, trong đó có đề Ngữ văn thường bị lên án nhiều nhất.
Bởi, những đề kiểm tra của các môn học này không chỉ là nội dung kiến thức mà còn đòi hỏi về chính tả, ngữ pháp, nghĩa của từ ngữ…Chính vì thế, chỉ cần một chút không cẩn thận là đương nhiên sẽ gặp rất nhiều phiền toái về sau.
Đề kiểm tra học kỳ của trường sai thì phê bình, đề của chuyên viên sai thì lờ đi |
Trong khi, các trường học vẫn luôn đề cao các đề kiểm tra của Sở ra và xem đó là chuẩn mực để giáo viên học hỏi cho việc ra đề của mình.
Vậy nên, mỗi khi kiểm tra học kỳ thì chuyên viên của Sở phải thật sự chú ý để tránh sai sót không đáng có.
Những đơn vị kiến thức của đề cần phải được rải đều ở các chương, bài, phải nằm trong chương trình, sách giáo khoa. Nội dung đề bài không đánh đố học trò, không có quá nhiều câu hỏi khó, câu hỏi phải tường minh, không lắt léo bởi đây là đề đại trà, đề cho tất cả các đối tượng học sinh làm bài chứ không phải là đề học sinh giỏi hay là thi tuyển sinh.
Đề quá khó, không chỉ học sinh không làm được mà kết quả kiểm tra học kỳ thấp còn có tác động rất lớn đến nhà trường và ngay cả người phụ trách môn học ở Sở.
Về hình thức phải được trình bày rõ ràng, đẹp, không sai sót về chính tả, ngữ pháp, và có ma trận rõ ràng, cụ thể. Tránh tình trạng Sở chỉ gửi đề và đáp án về trường mà “quên” gửi ma trận đề kiểm tra như một số địa phương đang làm lâu nay.
Khi có những sai sót được phát hiện trong các đề kiểm tra thì lãnh đạo Sở, người ra đề cần mạnh dạn nhận trách nhiệm về hạn chế của mình.
Tránh tình trạng đi kiểm tra các trường, đề trường ra mà có sai sót là góp ý, phê bình nặng nề, ghi biên bản và gửi email cho toàn bộ các trường biết. Nhưng, hàng năm đề của Sở sai thì lại cứ lờ đi xem như chẳng có chuyện gì xảy ra.