LTS: Đưa ra quan điểm về việc ra đề kiểm tra trong các nhà trường, thầy giáo Sơn Quang Huyến nhấn mạnh đến việc ra đề cần cả "tâm" và "tầm", tránh gây ra những tiêu cực gây bức xúc cho học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đề kiểm tra, giúp người dạy kiểm tra mức độ nhận thức của học trò, điều chỉnh phương pháp dạy của mình cho phù hợp. Kết quả bài làm của học sinh, giúp đánh giá kết quả học tập của các em.
Các em biết, tự đánh giá mình, phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân, tiến bộ hơn so với mình hôm qua.
Nội dung đề kiểm tra, chứa đựng kiến thức trọng tâm của chương trình. Qua đề, học sinh biết được kiến thức mình còn thiếu, còn yếu để khắc phục, học hỏi bù đắp.
Không ít giáo viên dùng đề kiểm tra làm công cụ “mời” học sinh, đến học thêm với mình. Chỉ có học sinh học với mình, mới giải được đề kiểm tra; ngày mai kiểm tra, hôm nay “mớm” đề.
Việc ra đề cần cả cái tâm và cái tầm của người thầy. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nội dung kiến thức đề hàn lâm, đọc loại đề này, người ta thấy có dòng chữ trên đề “Không học thêm thầy, đố mày làm được”. Đề như thế, thuộc loại đề vô tâm!
Không ít đề kiểm tra, nhầm lẫn kiến thức, sai kiến thức cơ bản; xa rời kiến thức trọng tâm, nội dung đề mang tính đánh đố, học thuộc, thiếu liên hệ cuộc sống, thiếu sáng tạo.
Đề quá khó so với học sinh địa phương, ra với mục đích học sinh không làm được, nộp giấy trắng, chấm cho nhanh, điểm trong sổ chỉ cần “cấy, sạ” theo tỷ lệ yêu cầu đầu năm của trường. Đề loại này, đề vô tầm.
Chữ tâm, chữ tầm ở đâu trong đề?
Nội dung đề bám sát kiến thức cơ bản, phản ánh sợi chỉ đỏ xuyên suốt kiến thức trọng tâm, kiến thức chính xác tuyệt đối.
Mức độ nhận thức trong đề, bám sát năng lực học sinh sở tại, phân chia phù hợp thực tế theo các mức nhận thức (biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao).
Học sinh trung bình phải làm được từ năm điểm trở lên; có câu hỏi phân hóa năng lực, động viên học sinh có tìm hiểu, học tập ngoài sách giáo khoa. Nội dung phân hóa là sự sáng tạo từ kiến thức cơ bản, nắm được kiến thức cơ bản có sáng tạo là làm được.
Làm sao ra đề có tâm, có tầm?
Quản lý chuyên môn nhà trường cần có đủ bộ ma trận các môn học, từ bài kiểm tra 15 phút trở lên; nắm chắc lịch kiểm tra các môn học.
Ma trận đề công khai cho học sinh, gồm ma trận một đề và nhiều đề. Từ thực tế giáo dục của đơn vị, có tỷ lệ các mức độ nhận thức trong đề cho phù hợp.
Yêu cầu giáo viên ra đề, bám sát ma trận. Công khai đề, đáp án trên website của trường, thư viện. Tránh được việc sử dụng đề năm trước cho năm sau; xin đề nơi khác về cho trường mình.
Nếu giáo viên không ra được đề, chân tình bồi dưỡng, giúp đỡ, chỉ dạy. Tuyệt đối không thỏa hiệp, sử dụng một đề cho bảy năm học như trong bài “Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật”.
Với Phòng giáo dục, yêu cầu các trường tổng hợp đề kiểm tra trong năm, giao cho cán sự bộ môn thẩm định, gửi phản hồi về chuyên môn trường, có hình thức kỉ luật với các trường hợp ra đề sai kiến thức cơ bản, ra trước chương trình, đề không đạt yêu cầu.
Giáo viên ra đề thực sự có tâm, có tầm mới ra đề hay được. Để có tâm, có tầm, phải đặt lại vị trí của mình là người học, mình muốn gì? Nghĩ gì khi làm một bài kiểm tra trước đây.
Giáo án đề kiểm tra phải được đầu tư đúng mức, không thể xem nhẹ, ra cho có. Tự học, tự rèn chuyên môn.
Nếu trong tổ có hai người, nên có hình thức phản biện đề, chính nhờ hình thức này mình mới phát hiện ra “lỗi” của đề trước khi phát hành.
Tôn trọng học sinh, tôn trọng chính mình. Ra được một đề có tâm, có tầm cũng là một phương án giáo dục học sinh tốt, tự giáo dục mình tốt hơn.