Thời điểm này, nhiều địa phương đã và đang tổ chức kiểm tra học kỳ II cho học sinh ở tất cả các cấp học. Chính vì thế, chuyện có một đề kiểm tra đúng về nội dung, phù hợp về các đơn vị kiến thức là điều rất cần thiết.
Nhất là những đề kiểm tra mà Sở Giáo dục- Đào tạo ra đề thì càng phải đúng bởi những đề đó được các người chuyên viên của Sở ra.
Tuy nhiên, từ thực tế chứng kiến nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng đề của Sở lại thường là những đề hay sai nhất.
Nhưng, đề của Sở sai thì chẳng sao bởi họ chỉ gửi cái email về các trường đính chính là xong nhưng đề của trường, của giáo viên sai thì sẽ bị xử lý, phê bình nghiêm khắc sau mỗi đợt kiểm tra.
Học sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: vov.vn) |
Năm nào khi bước vào kiểm tra học kỳ thì lãnh đạo cả Sở, Phòng cũng tổ chức đi kiểm tra một vòng dưới cơ sở.
Họ kiểm tra từng cái kế hoạch, đề cương, so sánh từng chi tiết trên kế hoạch ôn tập của giáo viên với kế hoạch ôn tập của tổ trưởng chuyên môn lập có trùng khớp không.
So sánh kế hoạch ôn tập với số tiết ghi trên sổ đầu bài của các giáo viên trong khối và phân phối chương trình có chỗ nào sai lệch. Nếu có sai sót thì đương nhiên Ban Giám hiệu, cá nhân tổ trưởng chuyên môn sẽ bị góp ý và sẽ bị phiền toái vô cùng.
Cán bộ kiểm tra sẽ ghi vào biên bản sau mỗi đợt kiểm tra và gửi mail chung cho toàn thể các đơn vị trên địa bàn biết những ưu, nhược điểm của từng trường trong việc lập kế hoạch kiểm tra học kỳ.
Điều đặc biệt là những đề kiểm tra của nhà trường luôn bị soi kỹ lưỡng, nhất là đối với những môn như Toán, Văn, Anh. Trong đó, môn Toán và môn Văn mang tính quyết định chất lượng của học sinh và nhà trường nên họ càng kiểm tra kỹ lưỡng.
Bởi, học sinh muốn đạt được loại khá, giỏi, thì ít nhất phải có một trong hai môn học này đạt loại khá hoặc giỏi.
Vì vậy, cán bộ kiểm tra cực kỳ chú ý 2 môn học này nên các trường và tổ trưởng chuyên môn phải luôn cẩn thận từng câu chữ, từng chi tiết nhỏ nhất của đề bài.
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Bình Thuận kéo lịch sử lùi lại 4 năm |
Song, giáo viên dù cố gắng đến bao nhiêu đi chăng nữa thì khi bị kiểm tra vẫn bị góp ý.
Thực tế, đa phần các tổ chuyên môn ở trường phổ thông hiện nay là tổ ghép. Mỗi môn khi kiểm tra học kỳ thì phải có 1 đề chính thức và 1 đề dự bị.
Nhiều khối học, nhiều môn học nên mỗi tổ trưởng phải kiểm duyệt hàng chục cái đề kiểm tra. Những môn không phải chuyên môn của mình thì rất khó có thể chu toàn hết được.
Vì vậy, gần như mỗi khi kiểm tra là các tổ trưởng chuyên môn dù ít, dù nhiều cũng không thể nào tránh được những thiếu sót trong khâu duyệt đề. Và, chuyện bị phê bình, góp ý là chuyện năm nào cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đối với cơ sở là vậy nhưng cấp Sở thì hình như mỗi khi sai sót họ đều lờ đi. Mỗi kỳ kiểm tra thì họ chỉ ra 1-2 đề (chính thức) mà là chuyên môn trực tiếp của mình nhưng gần như năm nào cũng thấy phải đính chính đề hoặc điều chỉnh đáp án.
Nhiều khi đề môn Toán làm hai mã đề khác nhau nhưng nó là một. Họ chỉ ra 1 cái đề sau đó trộn lẫn vị trí câu với nhau.
Nhưng, khi copy, cắt, dán lại không đúng vị trí và bị lẫn lộn. Thành ra có những vị trí câu trắc nghiệm A lại đứng sau câu trắc nghiệm B. Nhất là đáp án thì lại rất hay sai vì khi cắt, dán các câu không được chú ý cẩn thận.
Có những câu trắc nghiệm môn Toán mà 4 đáp án nhưng không có đáp án nào đúng. Khi giáo viên chấm bài phát hiện ra thì điện về lãnh đạo Sở, họ nói câu đó cho điểm tối đa.
Nghĩa là học sinh chọn đáp án nào cũng đúng. Trớ trêu, trong một đề kiểm tra có đến 2 câu như vậy!
Nhiều môn khác mà đề Sở ra cũng nằm trong tình trạng tương tự. Có những đề bài phải điều chỉnh đáp án đến nhiều lần.
Lần đầu, chuyên viên Sở còn gửi email về trường, lần điều chỉnh sau chắc ngại nên phải gửi cho các thành viên Hội đồng bộ môn trong tỉnh để họ điện trực tiếp cho các tổ trưởng các trường điều chỉnh đáp án chấm.
Có điều, mỗi lần sai sót như vậy thì lãnh đạo Sở cũng chỉ gửi cái email mang tính chất thông báo là xong, ít khi nhận sai sót, cho dù sai sót đã rõ ràng.
Thực tế, thì mỗi lần đề, đáp án sai như vậy, quyền lợi của học sinh không bị ảnh hưởng, thậm chí điểm còn cao hơn bởi có những câu không có đáp án đúng nên phải cho điểm tối đa.
Chỉ có điều nhiều giáo viên khi chấm họ phải sửa điểm, sửa lời phê trên bài của học sinh dẫn đến bài kiểm tra của học trò rất xấu khi bị giáo viên gạch, xóa ở ô chấm điểm và ô lời phê của giáo viên.
Thực ra, chuyện ra đề kiểm tra hay đề thi đều có thể xảy ra những sai sót, cho dù đề của nhà trường, của Sở và thậm chí là của Bộ. Có điều, mỗi lần sai sót đó thì người ra đề cần cầu thị, lắng nghe và biết nhận lỗi về công việc chuyên môn của mình.
Giáo viên ra đề chưa phù hợp hoặc sai sót họ cũng sẵn sàng nhận thiếu sót của mình để sửa chữa và cẩn thận hơn trong những lần sau để hoàn thiện mình.
Đối với cấp lãnh đạo cũng vậy, đừng chỉ thấy cấp dưới làm sai thì mình phê bình, còn mình làm sai thì lờ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.